Chứng khoán Mỹ biến động mạnh khi đàm phán giữa Nga và Ukraine thất bại

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh trong lúc cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn ra căng thẳng. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 170 điểm.

Cụ thể, chứng khoán Mỹ ngày 28/2/2022 ghi nhận chỉ số Dow Jones giảm 166 điểm, tương đương 0,49%, và kết phiên ở 33.892 điểm. Ở đáy của ngày, chỉ số blue chip này mất tới gần 600 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng đóng cửa giảm 0,24%.

Ngược lại, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,41% lên 13.751 điểm trong phiên cuối cùng của tháng 2. Biểu đồ dưới đây cho thấy, đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của Nasdaq kể từ đáy hôm 23/2.

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh trong lúc cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn ra căng thẳng.

Ngày 28/2, quan chức cấp cao từ cả hai nước đã gặp nhau tại thành phố Gomel gần biên giới Ukraine - Belarus. Sau 5 giờ đàm phán, hai bên không đạt được tiến triển nào đáng kể.

Ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán của Nga, cho biết hai bên "tìm được một số điểm có thể đạt được đồng thuận trong tương lai" và đồng ý sẽ tiếp tục thương lượng.

"Cuộc gặp tiếp theo sẽ diễn ra trong vài ngày tới ở gần biên giới Ba Lan - Belarus. Chúng tôi đã đồng ý như vậy", ông Medinsky nói.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, không cung cấp nhiều thông tin, chỉ nói rằng cuộc đàm phán vừa qua tập trung vào khả năng hai bên ngừng bắn và cuộc gặp thứ 2 có thể diễn ra "trong tương lai gần".

CNBC dẫn lời ông Tavis McCourt, chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư Raymond James nhận định: "Về căn bản, chiến tranh là một sự kiện khiến nhà đầu tư bán bớt các tài sản rủi ro để tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu chính phủ, rồi chờ đến khi nào một kết quả hoặc một trạng thái bình thường mới được phản ánh vào giá".

"Mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine này đều chưa có tiền lệ. Vì vậy, điều hợp lý duy nhất tôi có thể nói về cổ phiếu là thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh nếu các bên chưa tìm được giải pháp", ông McCourt nói thêm.

Cổ phiếu của các đại gia sản xuất vũ khí Lockheed Martin và Northrop Grumman bật tăng lần lượt 6,7% và 7,9%. Cổ phiếu của các công ty an ninh mạng cũng đi lên vượt trội với Crowdstrike nhảy vọt 7,4%, hỗ trợ đắc lực cho Nasdaq.

Cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực đi xuống. JPMorgan Chase và Citigroup mất lần lượt 4,2% và 4,4%. Citigroup là một trong những ngân hàng có nguy cơ thiệt hại lớn vì các lệnh trừng phạt kinh tế mà Phương Tây vừa áp lên Nga.

Mới đây, Mỹ, Anh và các nước châu Âu tuyên bố ngắt kết nối nhiều ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống liên lạc SWIFT, đồng thời đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga, khiến nước này không thể dùng kho dự trữ ngoại hối để trợ giá đồng nội tệ. Ngày 28/2, giá trị đồng ruble của Nga lao dốc 22% so với đồng USD.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tiếp tục đi xuống, đồng nghĩa với giá tăng lên do nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn của nhà đầu tư.

Giá dầu tăng cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang đã giúp cổ phiếu dầu khí khởi sắc. Biểu đồ dưới đây cho thấy, năng lượng là nhóm diễn biến tích cực nhất chỉ số S&P 500 phiên 28/2, theo sau là các nhóm công nghiệp, tiêu dùng, tiện ích,...

Phương Thảo

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán