Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 192 điểm, tương đương 0,6%, và kết phiên ở 32.120 điểm. Chỉ số đại diện thị trường S&P 500 thêm 0,95% và đóng cửa ở gần 3.979 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,5% lên gần 11.435 điểm.
Cả ba chỉ số hiện nay đều đang có mức điểm cao hơn so với đầu tuần. Tính đến cuối tuần trước, Dow Jones đã có 8 tuần sụt giảm liên tiếp, S&P 500 và Nasdaq cũng đã mất điểm 7 tuần liên tục.
So với đỉnh lịch sử thiết lập hồi đầu tháng 1 năm nay, Dow Jones hiện đang thấp hơn 13%, S&P 500 kém 17,4%. Tuy nhiên, Nasdaq Composite đã giảm tới gần 30% so với kỷ lục hồi tháng 11/2021 và đang chìm sâu trong vùng thị trường gấu.
Theo CNBC, biên bản cuộc họp ngày 3-4/5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức muốn tăng nhanh lãi suất, thậm chí còn nhanh hơn dự báo của nhiều nhà đầu tư, để kiềm chế áp lực lạm phát.
Chiều 4/5, Fed đã thông báo quyết định nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 50 điểm cơ bản và dự kiến thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán kể từ tháng 6. Tuy nhiên, biên bản của cuộc họp mới được công bố ngày 25/5.
“Đa phần thành viên dự họp nhận định rằng việc tăng khoảng lãi suất mục tiêu thêm 50 điểm cơ bản là quyết định phù hợp trong vài cuộc họp tới”, biên bản có đoạn viết. Biểu đồ bên dưới cho thấy kể từ cuối năm 2018 đến nay, Fed mới chỉ tăng lãi suất hai lần, và cả hai lần đều diễn ra trong 5 tháng đầu 2022.
Fed đã họp ba lần trong năm nay vào các tháng 1, 3 và 5. Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ sẽ còn gặp nhau trong 5 cuộc họp định kỳ nữa vào các tháng 6, 7, 9, 11 và 12.
Các quan chức Fed còn cho rằng “lập trường chính sách thắt chặt có thể sẽ trở thành quan điểm hợp lý, tùy thuộc vào sự biến đổi của triển vọng kinh tế và những rủi ro đối với triển vọng đó”.
Trong một loạt dòng tweet ngày 24/5, tỷ phú Bill Ackman, nhà quản lý quỹ đầu cơ Pershing Square, cho rằng ngọn lửa lạm phát sẽ chỉ hạ nhiệt nếu Fed hành động quyết liệt hơn hoặc thị trường chứng khoán sụp đổ tan tành.
Ông Ackman lập luận rằng chứng khoán Mỹ lao dốc trong những tháng đầu năm 2022 do nhà đầu tư thiếu niềm tin vào khả năng của Fed trong việc chế ngự lạm phát. Nếu Fed nâng lãi suất mạnh tay hơn và chứng minh được rằng mình có thể kìm hãm đà tăng của giá cả thì thị trường sẽ hồi phục, vị tỷ phú nhận định.
“Thị trường sẽ thăng hoa nếu nhà đầu tư tin tưởng rằng những ngày lạm phát phi mã đã qua. Hy vọng sẽ Fed sẽ hành động đúng”, Bill Ackman nói.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như không thay đổi sau khi biên bản cuộc họp Fed được công bố. Gần đây, lo ngại của nhà đầu tư đã chuyển từ vấn đề lãi suất cao sang nguy cơ suy thoái kinh tế khi lạm phát giá tiêu dùng đang ở gần đỉnh 40 năm. Biểu đồ bên dưới cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) thậm chí còn tăng với tốc độ nhanh hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
CNBC dẫn lời ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, nhận xét: “Biên bản họp Fed không có thông tin gì mới, nhưng thị trường chỉ muốn không phải nghe thêm nhận định nào diều hâu (thắt chặt) hơn so với những gì đã được công bố”.
Cổ phiếu ngành bán lẻ hồi phục mạnh mẽ sau thông tin nhiều tay chơi lớn đang cạnh tranh nhau để mua lại chuỗi siêu thị Kohl’s. Cổ phiếu Kohl’s vọt lên 11,9%. Target và Macy’s thêm lần lượt 4,3% và 9,1%. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Retail ETF bật tăng 6,8%.
Nordstrom – một cổ phiếu bán lẻ khác – nhảy vọt 14% sau khi thông báo doanh thu cao hơn kỳ vọng của giới phân tích và nâng dự báo kết quả kinh doanh cả năm. Best Buy tăng gần 9% dù bị các nhà phân tích ở Barclays hạ bậc khuyến nghị.
Cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu là nhóm tăng mạnh nhất chỉ số S&P 500 ngày 25/5, như thể hiện trong thống kê bên trên. Cổ phiếu công nghệ cũng hồi phục và tác động tích cực lên thị trường chung. Trong 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 chỉ có hai nhóm giảm nhẹ là y tế và tiện ích.
Song Ngọc
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|