Chứng khoán liên tục biến động, cổ phiếu nào nên đầu tư?

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau một tuần giao dịch đầy kịch tính, một số chuyên gia, công ty chứng khoán khuyến cáo nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục của mình, theo hướng tăng nhóm cổ phiếu cơ bản, có tính ổn định cao.

Mở đầu tháng 4 đầy hứng khởi, VN-Index dường như muốn vượt đỉnh khi chạm mốc 1.525 điểm vào 4/4 - rất gần mức đỉnh cũ 1.528,5 điểm. Chắc hẳn ít nhà đầu tư tại thời điểm đó cũng không nghĩ được chỉ trong khoảng vài tuần, có thời điểm thị trường đã mất tới hơn 200 điểm, làn sóng đỏ pha lẫn xanh dương đẩy cổ đông nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng "xa bờ", tâm lý lo lắng cho túi tiền của mình. 

Đặc biệt, chỉ trong phiên giao dịch ngày 25/4/2022, VN-Index mất gần 70 điểm. Cụ thể, thống kê thị trường ngày 25/4 cho thấy, sau phiên sáng rơi mạnh 33 điểm, sang phiên chiều, VN-Index tiếp tục lao thẳng đứng để rồi khép phiên tại vùng 1.310,92 điểm, giảm 68,31 điểm, tương đương 4,95% với 181 mã nằm sàn trong số 443 mã giảm và chỉ có 37 mã tăng. Có thời điểm trong phiên, VN-Index mất tới hơn 80 điểm. Về tương đối, mức giảm 4,95% trong phiên ngày 25/4 là mức giảm mạnh nhất trong 15 tháng gần đây, kể từ phiên ngày 28/1/2021.

Phiên giao dịch trên thị trường ngày 25/4/2022 - Nguồn: Internet

Lý giải nguyên nhân khiến thị trường đỏ lửa trong thời gian gần đây, chuyên gia tài chính - chứng khoán Nguyễn Công Nguyên cho rằng, đó là do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư sau loạt thông tin bất ổn về những lãnh đạo FLC bị bắt vì "thao túng chứng khoán"; lãnh đạo Tân Hoàng Minh bị khởi tố vì che giấu thông tin, "chiếm đoạt tài sản"; tình hình căng thẳng địa chính trị; diễn biến nguồn cung dầu thế giới… Tâm lý này đã tác động nghiêm trọng đến nhóm cổ phiếu các ngành liên quan như bất động sản, xây dựng, chứng khoán, ngân hàng… Cổ phiếu các ngành khác cũng bị "vạ lây" nhất định, trong bối cảnh thị trường mở và có sự liên kết chặt chẽ. Những thông tin tiêu cực cộng hưởng vào cùng thời điểm đã dẫn đến hiện tượng cổ phiếu bị bán tháo và tâm lý nhà đầu tư hiện tại không mấy lạc quan.

Nhận định về thị trường tuần này, CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, VN-Index khả năng sẽ có những nhịp tăng phục hồi tuy nhiên các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và tận dụng tốt những nhịp phục hồi này để cơ cấu lại danh mục của mình hơn là “bắt đáy”.  Thị trường ngắn hạn diễn biến theo hướng tiêu cực, nhưng cũng mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư có thể mua được cổ phiếu của doanh nghiệp tốt có mức chiết khấu hấp dẫn.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Công Nguyên khuyên nhà đầu tư, kể cả nhóm có khả năng chịu đựng rủi ro cao, nên tăng tỷ trọng nhóm cổ phiếu nền tảng để đảm bảo yếu tố ổn định, phòng ngừa những biến động khó lường. Theo ông, danh mục có tỷ trọng nhóm cổ phiếu cơ bản cao là danh mục đầu tư khôn ngoan trong năm 2022.

Trước đó, Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 4 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, dòng tiền sẽ luân chuyển đến các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng mạnh và nền tảng cơ bản tốt trong năm 2022. 

Giới chuyên môn cho rằng, nhóm ngành tiêu dùng và bán lẻ đang có cửa sáng. Bởi lẽ, kinh tế đang hồi phục và nhu cầu tiêu dùng của đại bộ phận người dân đã tăng trở lại là yếu tố chính tạo triển vọng trong ngắn hạn cho 2 ngành này.

Nhóm ngành tiêu dùng và bán lẻ đang có cửa sáng

Một trong những mã cổ phiếu cơ bản nổi bật trong nhóm ngành tiêu dùng và bán lẻ là VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Theo báo cáo thường niên vừa được Vinamilk công bố, tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 của công ty lần đầu vượt mốc 60.000 tỷ đồng, tăng đến 10.000 tỷ đồng chỉ sau 5 năm.

Bên cạnh vị trí nhà sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu, Vinamilk cũng tăng dần sự hiện diện của mình trong lĩnh vực bán lẻ khi đẩy nhanh quá trình mở rộng chuỗi Giấc Mơ Sữa Việt. Năm 2021, Vinamilk đã mở mới 120 cửa hàng và nâng tổng số cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt tại thời điểm cuối năm lên gần con số 600. Kênh trực tuyến cũng ghi nhận doanh thu tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Về phân tích kỹ thuật, cổ phiếu VNM đang giao dịch ở mức P/E khoảng 14 lần, thấp hơn 20-25% so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực. VNM có bảng cân đối tài sản lành mạnh với ROE vượt trội ở mức 38% - 30% trong giai đoạn 2019-2021.

"VNM là cổ phiếu có nền tảng vững chắc, quản trị rất tốt. Đây là một trong những cổ phiếu blue chip mà nhà đầu tư cần quan tâm trong danh mục của mình để phòng ngừa rủi ro cũng như giữ trạng thái ổn định cho dòng tiền", ông Nguyễn Công Nguyên khuyến nghị.

Các mã cổ phiếu tốt khác trong nhóm tiêu dùng và bán lẻ hiện tại có thể kể đến FPT của Công ty CP FPT, MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di Động hay PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Đây là những cổ phiếu có nền tảng tài chính tốt và được hưởng lợi mạnh mẽ từ việc nới lỏng giãn cách xã hội khi các cửa hàng được mở cửa trở lại và nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh trong quý cuối năm 2021.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần quan tâm đến mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới trong quyết định cơ cấu danh mục đầu tư của mình. Bởi với diễn biến thị trường hiện tại, các doanh nghiệp được dự báo sẽ trình đại hội đồng cổ đông nhiều biến động lớn về quản trị, điều hành cũng như kế hoạch kinh doanh.

Theo:
    Bài cùng chuyên mục