Chứng khoán hôm nay ngày 11/11: Nhận định thị trường và phân tích, định giá cổ phiếu BMI |
Thị trường chưa thoát khỏi xu hướng giảm điểm
Các công ty chứng khoán đã có những phân tích, nhận định về khả năng chỉ số VN-Index có khả năng xảy ra trong phiên giao dịch ngày 14/11, đồng thời đưa ra khuyến nghị để các nhà đầu tư tham khảo trước khi quyết định mua bán cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch trước, chỉ số VN-Index đang đóng cửa ở mức 954.53 điểm |
Theo Công ty chứng khoán BIDV (BSC), chỉ số VN-Index có phiên hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch trước đó. Độ rộng thị trường nằm ở trạng thái gần cân bằng. VN-Index có 7/19 ngành tăng điểm với mũi nhọn đến từ nhóm ngành ngân hàng và thực phẩm và đồ uống. Về giao dịch của khối ngoại, khối này mua ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. Thanh khoản thị trường duy trì tại ngưỡng trung bình 20 phiên.
"Nhịp hồi phục nhẹ quanh ngưỡng 950 đang tạo tín hiệu tích cực lên tâm lý nhà đầu tư. VN-Index có thể tiếp tục vận động tích lũy quanh ngưỡng này trong các phiên giao dịch tới", BSC nhận định.
Theo quan điểm nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Phú Hưng (PHS), VN-Index đã có phiên tăng điểm trở lại. Chỉ số tạo nến Doji đóng cửa ở nữa dưới của cây nến giảm trước đó, với khối lượng giao dịch duy trì trên mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực bán vẫn hiện hữu. Không những vậy, chỉ số đang nằm dưới MA5, cùng với đường MA5 tạo trạng thái phân kỳ âm tiêu cực so với đường MA20, cho thấy xu hướng giảm đang tiếp diễn, phiên tăng vừa qua có thể chỉ mang tính kỹ thuật. Thêm vào đó, đường MACD cắt xuống dưới Signal cho tín hiệu bán và đường –DI nằm trên +DI, cho thấy áp lực giảm vẫn mạnh và chỉ số có thể sớm chịu sức ép giảm trở lại về vùng hỗ trợ tâm lý 900 điểm.
Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tiêu cực hơn. Chỉ số có phiên giảm thứ hai liên tiếp và duy trì đóng cửa dưới MA5, cùng với đường ADX nằm trên vùng 59 và đường –DI đang nới rộng khoảng cách lên phía trên so với +DI, cho thấy xu hướng giảm đang mạnh lên, chỉ số có thể chịu sức ép về lại vùng hỗ trợ tâm lý 150 điểm.
"Nhìn chung, thị trường chưa thoát khỏi xu hướng giảm. Do đó, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn nhằm hạn chế rủi ro từ thị trường chung", PHS nhận định.
Nhận định về thị trường trong phiên giao dịch ngày 14/11, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần. Đồng thời, thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật và nhịp hồi phục có thể sẽ nhanh chóng kết thúc do rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và dòng tiền ngắn hạn vẫn suy yếu. Điều kiện cần để rủi ro ngắn hạn giảm là chỉ số VN-Index cần vượt lên trên mức 1.000 điểm trong vài phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm cho thấy nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với xu hướng hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và chờ điểm xác nhận xu hướng tăng.
Theo đồ thị tuần, rủi ro trung hạn vẫn ở mức cao và tiếp tục gia tăng. Đồng thời, xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, FSC cũng khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và hạn chế mua mới giai đoạn này hoặc chưa nên tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Phân tích cổ phiếu VND
Trong suốt thời gian quan, cổ phiếu VND của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect đã có nhiều biến động và thị giá cổ phiếu giảm mạnh. Vậy điều gì đã xảy ra đối với "chú ngựa đua" này?
Thời gian qua, thị giá cổ phiếu VND liên tục giảm mạnh |
Theo Công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), mới đây VND đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất của 3Q22. Doanh thu ghi nhận 1,367 tỷ đồng (-22% q/q, -16% n/n) bị ảnh hưởng bởi sụt giảm từ tất cả các nguồn thu như FVTPL (giá trị hợp lý ghi nhận thông qua lãi lỗ), hoạt động môi giới, hoạt động IB và cho vay margin. Chi phí từ hoạt động kinh doanh không thay đổi nhiều so với quý liền trước nhưng chi phí tài chính tăng mạnh +38.4% q/q và 256% n/n. Điều này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng, khi lợi nhuận ròng chỉ đạt 42 tỷ đồng (-91% q/q, -93% n/n).
Theo KIS, thanh khoản giao dịch thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giảm trong Quý 3 kéo theo sự đi xuống của doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán. Ngoài ra, thị phần môi giới của VND trên sàn HSX mất 0.24%p q/q. Doanh thu môi giới giảm đáng kể còn 252 tỷ đồng (-23% q/q, +42% n/n). Phí môi giới được ước tính khoảng 16.94 điểm cơ bản (đcb), giảm 0.26 đcb so với quý trước. Chi phí cho môi giới cũng giảm còn 147 tỷ đồng (-23% q/q, -38% n/n). Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 42% trong 3Q22, một tín hiệu tích cực trong thời gian khó khăn của ngành nói chung.
Số dư nợ margin của VND cuối 3Q22 bật tăng lên 12,664 tỷ đồng (+12.8% q/q, 16% n/n). Nhưng có sự giảm mạnh của doanh thu cho vay margin khi VND ghi nhận 286 tỷ đồng (-34.3% q/q, -28.8% n/n). KIS cho rằng, sự sụt giảm doanh thu là tác động chậm do ghi nhận mức dư nợ suy giảm trong cuối Quý II, dẫn đến sự suy giảm doanh thu cho vay trong Quý III.
Lãi suất cho vay tăng lên 11.9% trong 3Q22, cao nhất trong 2 năm gần đây từ năm 2021, cho thấy khả năng cạnh tranh tốt của VND. Tỉ lệ dư nợ margin trên vốn chủ sở hữu đạt 87.3%, mức phù hợp giúp cho VND hạn chế bị ảnh hưởng bởi rủi ro thị trưởng và có được dư địa tăng trưởng khi thị trường có dấu hiệu hồi phục. KIS kỳ vọng doanh thu cho vay margin trong 4Q22 sẽ tăng khi cả dư nợ cho vay và lãi suất cho vay tăng.
Dưới góc nhìn của KIS, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong Quý III bị ảnh hưởng mạnh do đợi chờ văn bản quy định mới và thanh tra trái phiếu trong bắt đầu từ Quý II. Vì thế, VND chỉ ghi nhận doanh thu 1.38 tỷ đồng cho hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) trong quý này. Nghị định 65 đã được công bố vào ngày 21/09, vì vậy, KIS kỳ vọng sự cải thiện tình trạng ảm đạm của hoạt động IB trong thời gian sắp tới.
KIS cho rằng, danh mục FVTPL của VND gồm nhiều khoản mục nên sẽ tập trung vào lợi nhuận gộp của từng loại tài sản FVTPL cũng như phân loại theo lợi nhuận đã thực hiện và lợi nhuận chưa thực hiện. Lợi nhuận đã thực hiện đến từ lãi/lỗ từ việc thanh lý các tài sản tài chính FVTPL, bao gồm cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết, trái phiếu niêm yết và chưa niêm yết, phái sinh, cổ tức và tiền lãi nhận được khi nắm giữ các tài sản tài chính FVTPL. Lợi nhuận chưa thực hiện là giá trị đánh giá lại của các tài sản tài chính kể trên, được cập nhật vào cuối mỗi kỳ.
Theo đó, giá gốc FVTPL đến cuối Quý III là 17,894 tỷ đồng (-12.8% q/q, +51.3% n/n). Về mặt cơ cấu danh mục, VND tăng số dư trái phiếu lên 9,750 tỷ đồng (+2.3% q/q), tương ứng với 54% danh mục FVTPL. Trong đó, VND tăng nắm giữ trái phiếu của các công ty tài chính và trái phiếu doanh nghiệp và giảm trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, VND cắt giảm giá gốc danh mục cổ phiếu chỉ còn 859 tỷ đồng (-13.8% q/q) và chứng chỉ tiền gửi còn 6,856 tỷ đồng (-28.9% q/q).
Về lợi nhuận đã thực hiện, giao dịch trái phiếu vẫn đang đóng góp lợi nhuận nhiều nhất. Giao dịch trái phiếu chưa niêm yết mang về 275 tỷ đồng lợi nhuận gộp (+3.5% q/q). Cổ tức và tiền lãi nhận vẫn giữ vị trí thứ 2 về xếp hạng lợi nhuận nhưng lại giảm mạnh về giá trị, cụ thể chỉ đạt 110.8 tỷ đồng (-44.5% q/q). Cổ phiếu niêm yết và chứng quyền đều ghi nhận lời. Cổ phiếu niêm yết ghi nhận 18.2 tỷ đồng lợi nhuận, so với mức lỗ 19.1 tỷ đồng trong quý trước. Chứng quyền có đảm bảo ghi nhận 21.7 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gấp năm lần so với quý trước.
Tổng quan, lợi nhuận đã thực hiện của FVTPL trong 3Q22 đạt mức tương đối, ít nhất là trong bối cảnh khó khăn của thị trường. VND vẫn cho thấy sự khỏe mạnh trong chiến lược của họ về các hoạt động giao dịch tự doanh. Nguồn doanh thu/lợi nhuận lớn vẫn được đảm bảo và những nguồn nhỏ hơn cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Liên quan đến sự thay đổi trong giá gốc FVTPL, VND đã cắt giảm 2,628 tỷ đồng (-12.8% q/q). Tuy nhiên, giá thị trường của FVTPL giảm mạnh hơn chỉ còn 18,120 tỷ đồng (-14.6% q/q). Kết hợp các yếu tố giảm giá vốn và giá trị thị trường giảm mạnh sau khi đánh giá lại, VND ghi nhận mức điều chỉnh thuần âm 482 tỷ đồng trong 3Q22 sau định giá lại FVTPL, đã làm ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của VND. Đây cũng là mức điều chỉnh tuyệt đối cao nhất mà VND đã từng ghi nhận.
Nhìn chung, VND vẫn ghi nhận mức lợi nhuận chưa thực hiện dương đối với cổ phiếu niêm yết, nhưng đã bị thu hẹp đáng kể. Cụ thể, định giá lại các cổ phiếu niêm yết trong Quý I và Quý II lần lượt là 959 tỷ đồng và 688 tỷ đồng.
Trong khi đó con số trong Quý 3 là 243 tỷ đồng (-65% q/q, -67% n/n) mà không có sự thay đổi đáng kể về giá gốc. Do đó, VND đang đánh mất lợi nhuận chưa thực hiện khi thị trường giảm điểm. Mức điều chỉnh giảm 445 tỷ đồng chiếm 92% mức điều chỉnh thuần âm của FVTPL.
Đáng chú ý, trong những tài sản khác của FVTPL đã thay đổi từ lời thành lỗ chưa thực hiện, cụ thể là các cổ phiếu niêm yết phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền và cổ phiếu chưa niêm yết. Trong 3Q22, mức điều chỉnh giảm ròng của các tài sản này lần lượt là 22 tỷ đồng vả 15 tỷ đồng.
Nhìn tổng quan kết quả hoạt động của FVTPL, VND có mức lợi nhuận tốt từ trái phiếu, lợi nhuận đã thực hiện của FVTPL đạt 416 tỷ đồng, là mức cao và chỉ thấp hơn kết quả của quý 2 năm nay. Tuy nhiên, cảnh báo rủi ro đang tăng cao trong lợi nhuận chưa thực hiện của các cổ phiếu niêm yết đang suy giảm.
Với đà giảm giá của danh mục các cổ phiếu niêm yết và bối cảnh thị trường không có sự cải thiện nào, rất có thể phần lợi nhuận chưa thực hiện còn lại của danh mục cổ phiếu niêm yết sẽ chuyển thành lỗ. Bên cạnh đó, lợi nhuận đến từ giao dịch trái phiếu có thể bị ảnh hưởng từ các thay đổi quan trọng trong Nghị định 65. Do đó, quý cuối cùng của năm 2022 sẽ cực kỳ thách thức.
Theo KIS, chi phí tài chính trong 3Q22 của VND ghi nhận mức cao lịch sử. Cụ thể, VND ghi nhận chi phí tài chính 336 tỷ đồng, (+38.4% q/q, +256% n/n). Chi phí lãi vay tăng nhẹ 218 tỷ đồng (+3.8% q/q). Lỗ tỷ giá hối đoái (cả thực hiện và chưa thực hiện) là nguyên nhân chính cho sự tăng mạnh của chi phí tài chính. Lỗ tỷ giá được ghi nhận 119 tỷ đồng trong 3Q22 (gấp 3.6x q/q, 109x n/n), cao một cách bất thường. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc VND tận dụng nhiều khoản nợ bằng đồng USD và tỉ giá USD/VND tăng mạnh theo đà tăng của chỉ số DXY.
Khoản nợ vay đồng USD là các khoản vay hợp vốn được tài trợ bởi các tổ chức tài chính nước ngoài. Các khoản vay bằng đồng USD thường có lãi suất cạnh tranh. VND đã chuyển sang tận dụng các khoản vay bằng đồng USD từ nửa cuối năm 2021. Ở 4Q21, tỷ lệ khoản nợ đồng VND/khoản nợ đồng USD là 75/25. Sau khi liên tục giảm nợ đồng VND và tăng mạnh của khoản nợ đồng USD, cuối 3Q22 tỷ lệ này là 40/60. Khoản nợ bằng đồng USD là 10,579 tỷ đồng (+104 YTD) trong khi đó khoản nợ bằng đồng VND là 6,976 tỷ đồng (-54% YTD). Nguyên nhân mà VND sử dụng khoản nợ USD nằm ở mức lãi suất hấp dẫn trong ngắn hạn, thấp hơn so với lãi suất của các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên với sự tăng giá của đồng USD, điều đó gây ra lỗ tỷ giá hối đoái.
Nợ đến cuối 3Q22 của VND ghi nhận giảm còn 27,521 tỷ đồng (-8% q/q, +1% YTD). VND cũng giảm mức nợ ngắn hạn và dài hạn. Tỷ lệ nợ/tổng tài sản giảm còn 65% (-2.5%p q/q), chỉ số đòn bẩy là 188.6% (-16.4% q/q). Hành động cắt giảm các khoản nợ này là để giảm thiểu áp lực trả lãi vay trong bối cảnh thị trường không thuận lợi.
Kết quả kinh doanh 9T22 của VND đã bị ảnh hưởng bởi sự giảm sút của kết quả kinh doanh 3Q22. Cụ thể, doanh thu đạt 4,895 tỷ đồng (+27.3% n/n) và biên lợi nhuận là 1,258.6 tỷ đồng (-18.6% n/n), hoàn thành mới chỉ 44% kế hoạch lợi nhuận. Tỉ suất lợi nhuận tiếp tục giảm trong quý này, biên lợi nhuận ròng đạt 25.7% (-14.5% n/n) và chỉ số ROE là 12.8% (-9.8% n/n).
Theo quan điểm của KIS, thời gian thanh toán bù trừ rút gọn đã được áp dụng nhưng điều đó vẫn không hiệu quả trong việc cải thiện thanh khoản thị trường. Tài khoản mở mới giảm mạnh trong 3Q22 cũng xóa nhòa đi triển vọng những nhà đầu tư mới (F0) đến với thị trường. Các hoạt động giao dịch trái phiếu đang là niềm hy vọng duy nhất của VND, nhưng bối cảnh tương lai của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn do Nghị định 65. Với những yếu tố trên, Quý 4 của VND sẽ đối mặt với nhiều thử thách trong bối cảnh ngành chứng khoán đang còn ảm đạm và VND cũng không là ngoại lệ.
Theo KIS, động lực phát triển trong ngắn hạn của công ty đang còn mơ hồ nhưng trong dài hạn vẫn còn nguyên vẹn. Với việc làm thị trường minh bạch và rõ ràng hơn từ các cơ quan quản lý, KIS kỳ vọng nguồn vốn từ nước ngoài sẽ đổ vào thị trường Việt Nam nhiều hơn và cải thiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Trong ngày 11/11, cổ phiếu VND đang được giao dịch với giá 9.800 đồng/cổ phiếu, mức TTM PB 0.81x. Định giá hiện tại đã thấp hơn so với PB trung bình 3 năm là 1.68x và PB trung vị là 1.53x.
PV
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|