Chứng khoán BOS (ART): Thấy gì từ báo cáo tài chính của trụ cột một thuở "nhà FLC"?

(Banker.vn) Sau một thời gian dài chậm trễ khiến cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HNX, Công ty CP Chứng khoán BOS (UPCoM: ART) đã công bố một loạt báo cáo tài chính quý IV/2022, quý I/2023 và quý II/2023. Đáng nói, bức tranh kinh doanh hiện ra từ những báo cáo này lại không mấy sáng sủa.
Chứng khoán BOS (ART): Thấy gì từ báo cáo tài chính của trụ cột một thuở
Chứng khoán BOS đã công bố một loạt báo cáo tài chính các quý chậm trễ

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý IV/2022, kết thúc quý cuối cùng của năm, tổng doanh thu hoạt động của Chứng khoán BOS đạt chỉ đạt 7,6 tỷ đồng, giảm gần 5 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty này cũng “bốc hơi” tới 95%, chỉ còn vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng.

Theo đó, luỹ kế cả năm 2022, doanh thu hoạt động đạt gần 57 tỷ đồng, giảm 39% so với năm trước. Khấu trừ mọi chi phí, Chứng khoán BOS báo lãi sau thuế 19 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2021.

Bước sang nửa đầu năm 2023, kết quả kinh doanh của Chứng khoán BOS tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, doanh thu thuần nửa đầu năm 2023 chỉ đạt vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng, giảm gần 20 lần so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu chủ yếu là lãi cho vay và phải thu giảm 89%, xuống còn 1,5 tỷ đồng. Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán thậm chí còn “tụt dốc” thê thảm hơn, khi giảm từ gần 15 tỷ đồng xuống chỉ còn 558 triệu đồng. Trong khi đó, doanh thu lưu ký chứng khoán cũng chỉ đạt 269 triệu đồng, còn lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt hơn 29 triệu đồng.

Sau cùng, Chứng khoán BOS báo lỗ sau thuế hơn 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 18 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Chứng khoán BOS đạt 1.174 tỷ đồng, giảm nhẹ 9 tỷ đồng so với số đầu năm.

Phần lớn tài sản tập trung tại khoản phải thu ngắn hạn khác, ghi nhận ở mức 561 tỷ đồng. Theo sau là các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) và các khoản cho vay, lần lượt đạt 356 tỷ đồng và 136 tỷ đồng.

Về các khoản phải thu ngắn hạn, Chứng khoán BOS đang “kẹt” 467 tỷ đồng tại Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB). Ngoài ra, công ty này còn có các phải thu khác tại Công ty CP Vật tư thiết bị và xây dựng Đô Thành Hà Nội (20 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển IMR (17 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu Tâm An (26 tỷ đồng).

Chứng khoán BOS (ART): Thấy gì từ báo cáo tài chính của trụ cột một thuở
Danh sách các khoản phải thu ngắn hạn của Chứng khoán BOS

Về danh mục tự doanh FVTPL, Chứng khoán BOS đang nắm giữ một loạt cổ phiếu “họ FLC”, bao gồm các mã FLC, HAI, KLF, GAB, với tổng giá trị hợp lý là 146 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngoại trừ cổ phiếu GAB, giá trị hợp lý của các mã này đều sụt giảm mạnh so với giá mua. Bên cạnh các cổ phiếu đã niêm yết nói trên, Chứng khoán BOS cũng đang nắm giữ một số cổ phiếu chưa niêm yết như FCA, ITASCO, FHH, CIC, ROS,... với tổng giá trị hợp lý là gần 210 tỷ đồng.

Chứng khoán BOS (ART): Thấy gì từ báo cáo tài chính của trụ cột một thuở
Danh mục tự doanh của Chứng khoán BOS

Về các khoản cho vay, Chứng khoán BOS ghi nhận khoản cho vay margin là 135 tỷ đồng và khoản ứng trước tiền bán là 877 triệu đồng.

Trong đó, công ty chứng khoán này ghi nhận gốc và lãi cho vay margin hơn 34 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu Tâm An, doanh nghiệp đã xuất hiện trong danh sách khoản phải thu ngắn hạn vừa nêu phía trên.

Được biết, Tâm An là tổ chức có liên quan đến ông Trịnh Văn Nam, cựu Chủ tịch HĐQT Chứng khoán BOS. Được biết, ngoài Tâm An và Chứng khoán BOS, ông Nam còn là đại diện pháp luật của một số công ty khác như Công ty CP FLC Premeier Parc, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Sơn La, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SIP, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bình Sơn, Công ty TNHH Tổng hợp Nam Thành Phát.

Đáng chú ý, cái tên “Trịnh Văn Nam” được liệt kê trong số 15 bị can có liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty với cáo buộc ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện hành vi.

Hồi cuối tháng 6, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú với 15 bị can nói trên, ông Trịnh Văn Nam đã có đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT Chứng khoán BOS.

Trên thị trường, cổ phiếu ART đã bị đình chỉ giao dịch từ 25/8/2023 do công ty bị huỷ bỏ niêm yết bắt buộc vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Chứng khoán BOS (ART) bị đình chỉ hoạt động mua chứng khoán từ ngày 23/8

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) vừa đưa ra quyết định đình chỉ một phần hoạt động giao dịch đối với Công ty ...

Thị trường chứng khoán ngày 23/8/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

SSI tăng tốt, VN-Index có phiên hồi phục nhẹ; Cổ phiếu NDN của Nhà Đà Nẵng sắp được cấp margin; Chứng khoán BOS bị đình ...

Ôm loạt cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, một công ty chứng khoán báo lỗ nặng

Công ty chứng khoán BOS ghi nhận doanh thu thuần bán niên 2023 vỏn vẹn 2 tỷ đồng, tức chỉ khoảng 1/20 so với cùng ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán