Chưa thể tìm lại hào quang, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) “buông” chuỗi “heo ăn chuối”

(Banker.vn) Sau gần 2 năm ra mắt thương hiệu bán lẻ “heo ăn chuối”, Hoàng Anh Gia Lai đã rao bán toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại Bapi, rút lui khỏi thị trường khốc liệt này.

Ngày 30/12/2023, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Công ty CP BAPI Hoàng Anh Gia Lai (Bapi). Hiện tại, “đại gia phố núi” đang nắm giữ 2,75 triệu cổ phần của doanh nghiệp này.

Chưa thể tìm lại hào quang, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) “buông” chuỗi “heo ăn chuối”
Hoàng Anh Gia Lai “buông” chuỗi “heo ăn chuối”

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 ghi nhận, trong kỳ, Hoàng Anh Gia Lai đã mất quyền kiểm soát tại Bapi, sau khi doanh nghiệp này phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Tại ngày 30/6/2023, tỷ lệ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại Bapi giảm từ 55% xuống còn 44,5%, tỷ lệ biểu quyết ghi nhận ở mức 34%. Bapi trở thành công ty liên kết của Hoàng Anh Gia Lai từ đây.

Trước đó, Bapi được xem là phát kiến lớn của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức trong nỗ lực vực dậy hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai với mô hình “con heo và cây chuối”.

Tháng 3/2022, “bầu” Đức cho ra mắt thương hiệu heo ăn chuối Bapi được ra mắt và đến cuối tháng 5/2022 thì góp vốn cùng Công ty TNHH Dược phẩm Đông Á thành lập công ty. Trong chuỗi nông nghiệp trồng chuối xuất khẩu và tận dụng chuối thải cho chăn nuôi của Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp này có nhiệm vụ bán buôn thực phẩm, bao gồm thương hiệu “thịt heo ăn chuối”.

Thời điểm mới thành lập, Bapi có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trong đó, Hoàng Anh Gia Lai nắm 55%, Dược phẩm Đông Á nắm 40% và 5% còn lại thuộc sở hữu của bà Hoàng Thị Kim Nhung (sau này được chuyển lại cho bà Lê Minh Nguyệt).

Tại sự kiện ra mắt Bapi, bầu Đức từng nói rằng ông đã mất ngủ, vui mừng khi tìm ra công thức nuôi heo nhanh lớn, chất lượng bằng các loại chuối thải loại. Tận dụng được dòng nguyên liệu giá thành thấp, bảo đảm an toàn vệ sinh sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai tối ưu chi phí cho mảng chăn nuôi heo, nuôi gà, từ đó thu về lợi nhuận lớn.

“Hoàng Anh Gia Lai sẽ là doanh nghiệp đầu tiên làm mô hình từ trang trại đến bàn ăn mà có đủ thứ người tiêu dùng cần như thịt, rau, tỏi, ớt...”, bầu Đức nói và khẳng định Bapi trong tương lai không chỉ bán thịt heo ăn chuối, thịt gà đi bộ, thịt bò Lào mà còn bao gồm rau củ quả do chính Hoàng Anh Gia Lai trồng.

Tuy nhiên, tháng 2/2023, trong đợt tăng vốn của Bapi, Hoàng Anh Gia Lai chỉ mua 650.000 cổ phiếu trong tổng số 5 triệu cổ phiếu phát hành thêm, theo đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức dưới 50%. Đáng chú ý, “bầu” Đức còn mời thêm ông Đỗ Xuân Diện - một người từng là lãnh đạo chủ chốt của Thaco Group nắm 35% cổ phần của Bapi, làm dấy lên nghi vấn về việc Hoàng Anh Gia Lai đã “quay xe” trong kế hoạch phát triển Bapi.

Ở thời điểm đó, “bầu” Đức đã phủ nhận thông tin này, đồng thời chia sẻ rằng, ông muốn phát triển mạnh Bapi nhưng làm không xuể. Đến tháng 8/2023, chia sẻ về khó khăn và thách thức trong mảng chăn nuôi, hóa ra không dễ như ông tưởng tượng, “bầu” Đức đã thừa nhận với cổ đông rằng Bapi đang chịu lỗ do hoạt động phân phối chưa ổn định, không đủ sức cạnh tranh trong thị trường vô cùng khốc liệt này. Thực tế, năm 2022, Bapi đã mở tới gần 200 cửa hàng, tập trung ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, thời gian đã minh chứng chất lượng hệ thống này không đạt yêu cầu, không tạo ra lợi nhuận, buộc Hoàng Anh Gia Lai phải giảm số lượng xuống còn 52 cửa hàng vào tháng 8/2023.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 30/12/2023, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã có văn bản cập nhật về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Liên quan tới lô trái phiếu HAGLBOND16.26, Hoàng Anh Gia Lai cho biết, ngày thanh toán lãi phát sinh là 30/12. Tại ngày này, số tiền lãi phát sinh phải thanh toán là 112 tỷ. Số tiền lãi chậm thanh toán luỹ kế tới 30/12 là 3.023 tỷ, còn số tiền gốc chậm thanh toán luỹ kế tới ngày 30/12 là 1.458 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cũng cho biết, thông tin thời gian thanh toán tiếp theo đã thoả thuận với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu là quý I/2024. Lý do chậm thanh toán được đưa ra là do là chưa thu được nguồn tiền thanh toán từ khoản nợ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) (hiện đã thoả thuận lộ trình trả nợ ba bên) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty.

Liên quan đến nghĩa vụ nợ, thời gian gần đây, Hoàng Anh Gia Lai liên tục bán các tài sản của mình để phục vụ cho việc trả nợ.

Cụ thể, ngày 26/12/2023 vừa qua, doanh nghiệp này đã đã thông qua việc chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ gốc trái phiếu 2016. Số cổ phần chuyển nhượng là 9,9 triệu cổ phần, chiếm 99% vốn điều lệ tại Bệnh viện. HĐQT Uỷ quyền và giao cho bà Hồ Thị Kim Chi - Phó Tổng Giám đốc, đại diện ký các hợp đồng, thoả thuận, văn bản, tài liệu và triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng này.

Được biết, bệnh viện này được được thành lập năm 2011, có số vốn đầu tư ban đầu là 250 tỷ đồng, hoàn thành sau gần 2 năm thi công. Vào thời điểm ký hợp tác thành lập, lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho biết việc xây dựng bệnh viện nhằm chia sẻ khó khăn về y tế của vùng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ngoài ra, bệnh viện cũng sẽ chăm sóc, điều dưỡng cho toàn bộ cán bộ nhân viên tập đoàn.

Liên quan đến nỗ lực giảm nợ, hồi tháng 9, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai - bất động sản “đắc địa” còn lại của bầu Đức.

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sẽ bán thêm tài sản để trả nợ

Hoàng Anh Gia Lai sẽ bán bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai trong quý IV/2023 để trả nợ và có tiền để mở rộng trồng ...

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) “xoá sổ” khoản nợ 750 tỷ đồng tại Eximbank

Hoàng Anh Gia Lai đã thanh toán đủ tiền nợ gốc và một phần lãi quá hạn cho Eximbank, hưởng lợi 1.425 tỷ đồng nhờ ...

HAG "thoát hiểm" phút cuối, VN-Index chạm mốc kháng cự 1.130 điểm

Trong phiên giao dịch thứ 28/12, thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực với sự dẫn dắt của cổ phiếu ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục