Chưa đầy 2 tháng, xuất khẩu cà phê đã thu về gần 1 tỷ USD

(Banker.vn) Chưa đầy 2 tháng năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã thu về hơn 900 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Đâu là lý do khiến giá cà phê lập đỉnh lịch sử 30 năm qua? Giá cà phê xuất khẩu đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng tới 43%

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, kim ngạch đạt 184,4 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/2, lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 295.000 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD.

Chưa đầy 2 tháng, xuất khẩu cà phê đã thu về gần 1 tỷ USD
Chưa đầy 2 tháng, xuất khẩu cà phê đã thu về gần 1 tỷ USD

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 26,6%, nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng mạnh 79,7%. Hiện, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng gần 43% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho hay, tháng 2 trùng dịp Tết Nguyên đán nên nhiều đơn hàng chậm lại. Tuy nhiên, đà xuất sẽ tăng trong nửa cuối tháng 2, đạt thêm 200 - 300 triệu USD. Vì thế, mặt hàng này có thể thu về hơn 1 tỷ USD trong hai tháng đầu năm, tăng 50% so với cùng kỳ 2023.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu, tháng 1/2024 so với tháng 12/2023, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường như: Italia, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia…, nhưng giảm xuất khẩu sang các thị trường Đức, Nhật Bản, Algeria, Hà Lan. So với tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các thị trường truyền thống tăng mạnh.

Cà phê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ và thuỷ sản. Song giá trị kim ngạch xuất khẩu của cà phê chỉ thấp hơn mặt hàng thuỷ sản 22 triệu USD.

Với tình hình này, chuyên gia dự báo xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5 - 5 tỷ USD trong năm 2024. Đây sẽ là năm đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Đánh giá về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung Arabica nhưng sẽ có khó khăn với Robusta.

Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới nhiều năm nay. Cả thế giới quen với việc mua cà phê Robusta của Việt Nam. Các nhà rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức rang xay của họ với thành phần lớn là Robusta Việt Nam.

Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, giá Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam.

Ông Vũ Đức Côn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk - đánh giá, cà phê tiếp tục được hưởng lợi khi nhu cầu trên thế giới tăng. Hiện, niên vụ 2022-2023 đã kết thúc và hàng trong dân gần cạn. Do đó, giá sẽ đắt thêm khi sức mua tăng.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,62 triệu tấn cà phê, thu về trên 4,2 tỷ USD. Bình quân năm ngoái, người dân thu lãi 100 - 200 triệu đồng trên mỗi ha, tùy năng suất và độ tuổi của cây.

Theo ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, ngành cà phê thế giới đã qua thời kỳ cà phê giá rẻ. Việc tăng giá như hiện nay là lẽ công bằng và mới có thể giữ người nông dân ở lại với cây cà phê. Sau đợt sốt giá này, giá cà phê có thể tăng hoặc giảm nhưng không thể xuống đáy như những năm vừa qua.

Hiện châu Âu là thị trường nhập nhiều cà phê Việt nhất, với 29% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kế đến là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Indonesia.

Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam nhận định, nguồn cung trên thị trường đang thiếu, nên đây là lợi thế cho các đơn vị xuất khẩu trong nước. Ngoài ra, việc EU đưa cà phê vào diện phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) từ giữa năm 2023, cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá nông sản này khi nhiều nước chưa kịp đáp ứng. Do đó, cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Hiện, áp lực về nguồn cung cà phê đã giảm khi Việt Nam đã quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong khi đó, Rabobank công bố báo cáo hàng tháng về cà phê Brazil, bất chấp tình trạng tắc nghẽn hậu cần ở cảng Santos, xuất khẩu vẫn đạt kỷ lục 39 triệu bao trong tháng 1/2024 (xuất khẩu cà phê robusta đã tăng tới 504% so với tháng 1/2023).

Ngoài sự thiếu hụt của nguồn cung Robusta toàn cầu, các cuộc tấn công khủng bố trên tuyến hàng hải qua Biển Đỏ cũng góp phần làm tăng nhu cầu đối với cà phê Robusta của Brazil. Bên cạnh đó, thị trường vẫn xuất hiệu các yếu tố giúp giá cà phê sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn.

Tính đến ngày 16/2/2024, tồn kho cà phê Robusta do sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm 5.050 tấn (giảm 20,1%) so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 20.090 tấn (khoảng 334.833 bao, bao 60 kg), mức thấp kỷ lục mới, trong bối cảnh nguồn cung Robusta toàn cầu vẫn còn bị ách tắc và tại thị trường nội địa của nhiều nước sản xuất chính.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục