Chưa có phản hồi về đơn kiến nghị của các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam

(Banker.vn) Các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam đã làm đơn kiến nghị gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về gần 300 bộ phim nhựa đã hỏng, mốc tại kho phim của hãng.
Kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam Ngay cả muốn xoá sổ Hãng phim truyện Việt Nam cũng phải làm triệt để Vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam chưa thể giải quyết dứt điểm

Đây là 300 bản phim gốc dương bản, bao gồm nhiều phim từ thời kỳ đầu của điện ảnh Cách mạng Việt Nam cho tới ngày nay bị hỏng, mốc, dính bết không thể sử dụng được nữa, do sự thiếu hiểu biết của Vivaso. Việc này gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền điện ảnh Việt Nam tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Chưa có phản hồi về đơn kiến nghị của các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam

Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam gửi đơn kiến nghị Vivaso

Trước đó, ngày 23/12/2022 tập thể Hãng phim truyện Việt Nam đã có đơn gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày về việc Công ty Vận tải thủy Vivaso không sửa hệ thống điều hòa bảo quản lạnh kho phim của Hãng phim truyện Việt Nam trong nhiều tháng, gây hậu quả là 300 bản phim gốc dương bản, bao gồm nhiều phim từ thời kỳ đầu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam cho tới ngày nay đã bị hủy hoại, mốc, dính bết không thể sử dụng được nữa.

Dù đã có đơn phản ánh về mức độ nghiêm trọng của việc hư hại 300 bản phim, nhưng ngày 24/3/2023, trong cuộc họp báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Phan Linh Chi - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời báo chí rằng 300 bản phim bị hỏng của Hãng phim truyện "chỉ là bản sao, bản copy, các bản gốc đã được lưu trữ tại Viện Phim và chúng ta có thể yên tâm về hiện trạng các di sản".

Đơn kiến nghị cho rằng, đây là câu trả lời không đúng, dù vô tình hay cố ý đã làm giảm nhẹ thiệt hại, gây hiểu nhầm tai hại cho công chúng. Công chúng sẽ hiểu nội dung của phát biểu của bà Phan Linh Chi với ý nghĩa của khái niêm photocopy giấy tờ thông thường: Các bản phim này không có nhiều giá trị, vì ở Viện phim đã có một “bản gốc” nào đó, từ “bản gốc” đó có thể in được rất nhiều các bản sao, bản copy khác một cách dễ dàng và không tốn kém gì nhiều về kinh phí.

Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng, các bộ phim đó đều đã được Viện phim, hoặc nơi nào đó đã số hóa. Điều đó là không chính xác, việc sản xuất phim điện ảnh không hề đơn giản như vậy.

Các nghệ sĩ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, chuyên sâu, xác đáng về thiệt hại của việc 300 bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam được các nghệ sĩ đánh giá "là di sản văn hóa của cả dân tộc" nhưng bị làm hỏng.

Bộ phải công khai, minh bạch thiệt hại này để Vivaso có phương án đền bù thiệt hại. Các nghệ sĩ cũng kiến nghị phương án đền bù thiệt hại đơn giản nhất là Vivaso, bằng cách nào đó, phải in lại toàn bộ các bản phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế của các bản phim positive gốc và chuyển lại cho Chính phủ quản lý.

Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa có phản hồi về đơn kiến nghị của các nghệ sĩ.

PV

Theo: Báo Công Thương