Chưa chính thức lên HOSE, SIP đã được dự báo sẽ ngồi "mâm trên"

(Banker.vn) Thị giá cổ phiếu SIP tăng 75% kể từ đầu năm đến nay, trở thành cổ phiếu bất động sản đắt thứ 2 trên sàn chứng khoán, thế nhưng cổ phiếu này còn được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh sau khi niêm yết lên HOSE...

Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) vừa thông báo ngày 1/8 tới đây sẽ hủy đăng ký giao dịch hơn 90,9 triệu cổ phiếu trên UpCOM để chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Trước đó, vào ngày 29/6, HoSE đã chấp thuận niêm yết hơn 90,9 triệu cổ phiếu SIP.

Ngày giao dịch đầu tiên của SIP trên sàn HoSE dự kiến là 8/8/2023. Giá chào sàn HoSE sẽ được xác định dựa trên giá bình quân tham chiếu của 30 phiên giao dịch gần nhất trước khi hủy đăng ký giao dịch trên UpCOM.

Trên sàn UpCOM, cổ phiếu SIP đã tăng 75% từ đầu năm và hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh 9 tháng. Với thị giá quanh 115.000 đồng/cp, vốn hóa của SIP tương ứng hơn 10.000 tỷ đồng.

Cũng vừa mới đây, Chứng khoán Agriseco đã đưa ra khuyến nghị tích cực cho cổ phiếu SIP với mức giá mục tiêu là 130.000 đồng/cp.

Chưa chính thức lên HOSE, SIP đã được dự báo sẽ ngồi
Nguồn: Agriseco

Luận điểm đầu tư được công ty chứng khoán đưa ra là SIP - công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hạ tầng KCN và kinh doanh cho thuê KCN sở hữu quỹ đất lớn hơn 3.300ha tại TP.HCM và Tây Ninh và diện tích thương phẩm đang cho thuê gần 1.000ha, có nhiều câu chuyện tăng trưởng nửa cuối năm 2023.

Triển vọng kinh doanh 2023 đến từ các dự án KCN hiện hữu: SIP dự kiến cho thuê 23ha KCN Phước Đông 3, KCN Đông Nam, và nhà xưởng tại các KCN trên. Đồng thời, SIP có doanh thu chưa thực hiện đứng đầu nhóm khu công nghiệp với hơn 15.000 tỷ đồng từ các dự án KCN Đông Nam, KCN Phước Đông (1&2), KCN Lê Minh Xuân 3 và KCN Lộc An Bình Sơn. Các dự án KCN dự kiến sẽ là các nguồn thu chính trong 3-5 năm tới, giúp doanh thu tăng trưởng bền vững. Các dự án đều đang được vận hành triển khai cho thuê với pháp lý đầy đủ.

Nguồn thu từ thoái vốn đóng góp vào mức tăng lợi nhuận: Công ty con VRG của SIP đã hoàn tất việc thoái vốn Công ty CP Xây dựng và Phát triển Thế hệ mới từ công ty con thành công ty liên kết. Nguồn thu hơn từ chuyển nhượng Thế hệ mới sẽ đóng góp vào một phần vào lợi nhuận trong năm và triển khai dự án KCN Phước Đông GĐ 3.

Chưa chính thức lên HOSE, SIP đã được dự báo sẽ ngồi
Nguồn: Agriseco

Tăng trưởng bền vững, duy trì cổ tức bằng tiền tỷ lệ cao: SIP có kết quả kinh doanh tăng trưởng bền vững với doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng trưởng kép 30% và 43% trong vòng 7 năm qua. SIP trả cổ tức tiền mặt đều đặn 30 - 45%. Mới đây, SIP đã nâng tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt năm 2022 lên 45%.

Bên cạnh đó, SIP được chấp thuận niêm yết trên HOSE sẽ giúp cổ phiếu được minh bạch, thanh khoản được cải thiện và tiếp cận đến nhiều nhà đầu tư hơn với một cổ phiếu tiềm năng.

Trên thực tế, những mã cổ phiếu có "game" chuyển sàn luôn được nhà đầu tư săn đón. Hiện tượng cổ phiếu tăng giá khi chuyển sàn gần như đã trở thành quy luật nên thường được nhà đầu tư canh mua trên sàn cũ ngay khi có thông tin rò rỉ đầu tiên.

Điển hình có thể kể đến cổ phiếu CTR của Tổng Công ty CP Công trình Viettel mang lại niềm vui lớn cho nhà đầu tư khi liên tiếp tăng giá trong thời gian trước khi chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE ngày 23/2/2022. Hay HHV cũng từng tăng mạnh 50% trong khoảng thời gian chuyển giao giữa UPCoM và HOSE.

Tiềm năng trong dài hạn: Agriseco Research đánh giá SIP có dư địa tăng trưởng trong dài hạn khi sở hữu quỹ đất thương phẩm lớn nhất khu vực TP. HCM và Tây Ninh. SIP đang phát triển KCN Phước Đông giai đoạn 3 với quy mô gần 650ha dự kiến sẽ là quỹ đất gối đầu giúp SIP phát triển trong 5-10 năm tới. SIP cũng đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để tham gia vào 2 KCN Phạm Văn Hai I và II tổng quy mô 668ha tại TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là hai dự án vừa được Chính phủ bổ sung vào quy hoạch thành phố. Quỹ đất của SIP sẽ được gia tăng mạnh nếu được giao thực hiện 2 KCN kể trên.

Kế hoạch lợi nhuận đi lùi trong năm 2023

Trong năm 2023, Đầu tư Sài Gòn VRG đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.312,5 tỷ đồng, bằng 88% so với thực hiện trong năm 2022 và lợi nhuận sau thuế dự kiến 755,15 tỷ đồng, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước.

Chưa chính thức lên HOSE, SIP đã được dự báo sẽ ngồi
Nguồn: BCTC SIP

Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2023, Đầu tư Sài Gòn VRG ghi nhận doanh thu đạt 1.394,13 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 179,22 tỷ đồng, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận cải thiện từ 16,2% lên 16,7%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 2,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 5,72 tỷ đồng, về 233,37 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 33,3%, tương ứng tăng thêm 24,19 tỷ đồng, lên 96,83 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 440,5%, tương ứng tăng thêm 83,12 tỷ đồng, lên 101,99 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết giảm 14,8%, tương ứng giảm 3,41 tỷ đồng, về 19,58 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 1,8%, tương ứng tăng thêm 0,46 tỷ đồng, lên 25,54 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 970,5%, tương ứng tăng thêm 5,92 tỷ đồng, lên 6,53 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Công ty cho biết, chi phí tài chính tăng cao chủ yếu do lỗ thoái vốn trong kỳ 87,89 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.

Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Đầu tư Sài Gòn VRG tăng 4% so với đầu năm, lên 19.759,8 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu bất động sản đầu tư ghi nhận 5.032,6 tỷ đồng, chiếm 25,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 4.758,9 tỷ đồng; chiếm 24,1% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 3.712,8 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 2.615,6 tỷ đồng, chiếm 13,2% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG có địa chỉ tại Lô TT2-1, đường D4, KCN Đông Nam, xã Hoà Phú, huyện Củ Chi, TP. HCM. Hiện tại, Công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và khu dân cư phục vụ khu công nghiệp.

Công ty được thành lập năm 2007 bởi nhóm cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty CP Cao su Phước Hoà (PHR), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cao su và các cá nhân khác.

Tuy nhiên, tính tới cuối năm 2022, Công ty có 4 cổ đông lớn gồm CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị An Lộc sở hữu 19,93% vốn điều lệ; ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 10,27% vốn điều lệ; CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) sở hữu 9,06% vốn điều lệ; ông Lư Thanh Nhã, Tổng giám đốc sở hữu 7,52% vốn điều lệ và còn lại 53,22% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Khối ngoại sắp "chơi lớn" tại thị trường chứng khoán Việt Nam

Nửa đầu năm 2023 ghi nhận khối ngoại vẫn chủ yếu bán ròng, thế nhưng từ cuối tháng 6 trở lại đây, giao dịch của ...

Chứng khoán DSC nâng vốn điều lệ, lên kế hoạch niêm yết trên HoSE

Ngoài niêm yết sàn HOSE, DSC cũng muốn thông qua việc tìm kiếm công khai nhà đầu tư chiến lược với các tiêu chí như ...

Nhận định chứng khoán ngày 5/7/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 5/7/2023. Tạp ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán