Chú trọng chuỗi giá trị để xuất khẩu gạo Việt có giá cao

(Banker.vn) Để xuất khẩu gạo tận dụng được cơ hội của thị trường cũng như bán được giá cao, doanh nghiệp cần phải chú trọng chuỗi giá trị sản xuất, xây dựng thương hiệu.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm Châu Á - châu Phi tiếp tục là thị trường quan trọng của xuất khẩu gạo Việt Nam

Tại Hội nghị “Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới”, do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. Cần Thơ tổ chức ngày 26/4, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã trao đổi về những cơ hội và thách thức đặt ra cho thương nhân trong những tháng cuối năm 2024; đề xuất những giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương nhân thu mua thóc, gạo, tổ chức sản xuất, chủ động phương án đàm phán giao dịch nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Chú trọng chuỗi giá trị để xuất khẩu gạo Việt có giá cao
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè chủ trì hội nghị

Thuận lợi nhiều nhưng không ít thách thức

Chia sẻ những kết quả đạt được trong xuất khẩu gạo của Đồng Tháp, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, thời gian qua hoạt động xuất khẩu gạo của địa phương có nhiều tín hiệu tốt. “Năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của tỉnh đạt 530.307 tấn, tăng 23,7% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu đạt 324,4 triệu USD, tăng 54,6% so với năm 2022. Bước sang quý I/2024, xuất khẩu gạo của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khi lượng xuất khẩu đạt 285.944 tấn, thu về 190,4 triệu USD”- ông Thiện chia sẻ.

Về thị trường xuất khẩu gạo, theo ông Thiện, khu vực châu Á hiện chiếm gần 90%. Trong đó, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, chiếm tỷ trọng 36%, tiếp đến là thị trường Singapore chiếm tỷ trọng 30%, Trung Quốc chiếm tỷ trọng 9%, Indonesia chiếm tỷ trọng 9%, còn lại thị trường khác.

Chú trọng chuỗi giá trị để xuất khẩu gạo Việt có giá cao
ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

“Những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao đã giúp xuất khẩu gạo Đồng Tháp có nhiều thuận lợi với đơn hàng tăng mạnh và giá bán sang nhiều thị trường liên tục giữ ở mức cao. Tuy nhiên, giá gạo thế giới tăng nhanh cũng đồng thời đẩy giá lúa gạo nguyên liệu trong nước tăng cao, gây ra khó khăn về tài chính cho nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác trước đó”- ông Thiện đánh giá và cho biết, một số doanh nghiệp chưa chú trọng công tác xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết thu mua với nông dân, dẫn đến việc thiếu hụt nguyên liệu sản xuất để cung ứng cho các đơn hàng đã ký kết trước đó, đặc biệt là trong bối cảnh giá lúa gạo biến động liên tục. Đối với các doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ làm việc và thu mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân, làm gia tăng đáng kể chi phí sản xuất.

Từ khó khăn này, ông Thiện đề xuất, cần có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia... và phát triển các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường FTA. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, dự báo thông tin về diễn biến thị trường, đặc biệt diễn biến về việc tiếp tục/tạm ngừng lệnh cấm xuất khẩu gạo của các quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Trên phương diện của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)- bổ sung: Xuất khẩu gạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thị trường các nước nhập khẩu liên tục thay đổi chính sách. Điển hình như tại thị trường Philippines các thương nhân ký hợp đồng song không nhận hàng và đề nghị giảm giá. Hay như thị trường Indonesia đang giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung gạo từ Việt Nam khi mở nhiều gói thầu nho cho các quốc gia khác như Malaysia. Còn tại thị trường châu Âu, ngày càng đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trong bối cảnh đó, để xuất khẩu gạo tiếp tục tăng cao, ông Nam đề xuất Bộ Công Thương tăng cường công tác thông tin số liệu xuất khẩu để công tác cân đối cung cầu mặt hàng gạo được thuận lợi hơn. Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu; kịp thời cập nhật thông tin để doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng định hướng kinh doanh xuất khẩu. Ngoài ra, cần tăng cường nghiên cứu, đàm phán ký kết các thỏa thuận thương mại với một số thị trường tiềm năng; rà soát các Hiệp định đã được thực thi để đề nghị đối tác gia tăng hạn ngạch cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Chú trọng chuỗi giá trị để gạo Việt có giá cao

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trương Tấn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam chia sẻ câu chuyện xây dựng thương hiệu cũng như cách mà doanh nghiệp này đang phát triển thị trường. Theo ông Tài, Vina Rice chọn lối đi riêng là xuất khẩu gạo chất lượng cao vào các thị trường khó tính như: EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặc dù sản lượng xuất khẩu không nhiều, song đây là những thị trường khó tính có giá xuất khẩu cao. “Hiện giá gạo xuất khẩu của chúng tôi vào những thị trường này thấp nhất là 980 USD/tấn. Để làm được điều này chúng tôi đã phải đầu tư lớn vào việc xây dựng chuỗi giá trị”- ông Tài chia sẻ.

Liên quan việc xây dựng được chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, ông Tài cho rằng, cần tập trung vào một số điểm mấu chốt. Đầu tiên là phải xây dựng được thương hiệu gạo. “Các quốc gia như Thái Lan họ đều xây dựng được thương hiệu chung cho gạo, trong khi Việt Nam chưa làm được điều này. Các doanh nghiệp đều mạnh ai nấy làm và ít chia sẻ với nhau về tình hình thị trường”- ông Tài nêu thực trạng mà ngành gạo hiện nay đang còn hạn chế.

Thứ hai, theo ông Tài chính là xây dựng vùng nguyên liệu. “Bản thân Vina Rice là đơn vị sản xuất theo chuỗi, từ nghiên cứu, sản xuất giống, thực hiện canh tác, và có nhà máy chế biến xuất khẩu. Để xây dựng được chuỗi sản xuất này, các doanh nghiệp, địa phương phải ngồi lại với nhau để cùng hỗ trợ hợp tác, xây dựng”- ông Tài nói.

Thứ ba là đầu tư vào công nghệ. Hiện nay việc đầu tư vào dây chuyền máy móc công nghệ chưa được các doanh nghiệp quan tâm nhiều. Đơn cử như dây chuyền chế biến lúa Japonica của Nhật Bản, hiện rất ít doanh nghiệp đầu tư được. Trong khi đó, việc đầu tư công nghệ này, giúp doanh nghiệp đảm bảo được chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh máy móc thiết bị hiện đại, cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được các yêu cầu. Do đó, các đơn vị cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cuối cùng là nguồn tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính để họ có nguồn lực thu mua lúa cho nông dân với mức giá ổn định.

Chú trọng chuỗi giá trị để xuất khẩu gạo Việt có giá cao
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị các bộ, ngành liên quan; các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng các thương nhân xuất khẩu gạo và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 02/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 25/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, quan điểm chỉ đạo chung là phải bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, bình ổn thị trường trong nước; đồng thời tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất và kinh doanh, bảo đảm xuất khẩu gạo bền vững, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Cùng với đó là xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với vùng trồng, người sản xuất và giữa các thương nhân với nhau để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá. “Các doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ theo phương châm ‘muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau’. Đồng thời, chú trọng mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, khẳng định và nâng tầm thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng”- Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương cần chú trọng bảo đảm diện tích đất trồng lúa phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu (như hạn hán và xâm nhập mặn) đang tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản… Đồng thời, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng.

Chủ động theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm bắt thông tin để cung cấp đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường lúa, gạo và hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và các hộ nông dân tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu để chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định giá cả thị trường.

Về phía Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và các bộ, ngành liên quan, căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ để chủ động, kịp thời đề xuất các biện pháp tài chính hỗ trợ cho người trồng lúa và thương nhân sản xuất, xuất khẩu gạo; cân đối hợp lý giữa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa nhằm góp phần thúc đẩy tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người dân với giá có lợi nhất và nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo; đồng thời, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bình ổn giá thóc, gạo trong nước.

Đối với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cần tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật và chuyển tải các thông tin về tình hình cung cầu thóc/gạo, nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách mới của các thị trường ngoài nước cho doanh nghiệp hội viên. Làm tốt công tác điều phối hoạt động của các doanh nghiệp hội viên trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh lương thực; đồng thời, chủ động phối hợp, tư vấn cho các địa phương trong công tác quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất theo các phương thức hiện đại, hợp chuẩn để bảo đảm điều kiện xuất khẩu.

Riêng đối với các thương nhân xuất khẩu gạo, trước hết Tổng công ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty lương thực miền Nam phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Thứ trưởng cũng giao cho Vụ Thị trường trong nước và Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị chức năng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị này.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng lưu ý các thương nhân cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin từ Bộ Công Thương, các bộ, ngành hữu quan và Hiệp hội lương thực Việt Nam để khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã và sẽ được ký kết giữa Việt Nam với các đối tác để đa dạng hóa thị trường, phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng (nhất là các thị trường có FTA mà nước ta là thành viên). Chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng (để tránh bị lừa đảo). Chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với các cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn để kịp thời báo cáo Chính phủ và thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để có phản ứng chính sách kịp thời và chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế và tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam để thâm nhập vào các thị trường mới, tiềm năng; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức thương mại truyền thống và hiện đại nhằm thúc đẩy hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống (như Philippines, Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc) và khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua (như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…).

Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của các địa phương doanh nghiệp tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, thương nhân xuất khẩu gạo để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp, xem xét, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của thương nhân theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo hiệu quả, bền vững.

Thùy Dương - Hà Duyên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục