Chủ tịch Tập đoàn Đạt Phương: "Khó khăn nhất chưa phải đã qua, nhưng cơ hội mới đang dần xuất hiện"

(Banker.vn) Đánh giá chung về thị trường, ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (HOSE: DPG) cho biết hiện có rất nhiều khó khăn, thậm chí khó hơn cả khi đại dịch Covid 19. Tuy nhiên đã xuất hiện những cơ hội mới đối với doanh nghiệp có nền tảng tốt, trụ vững trong hơn 3 năm sóng gió vừa qua. Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán có cuộc trò chuyện với ông Tuấn về hoạt động của Đạt Phương và những khó khăn các doanh nghiệp đang phải đối diện.
Chủ tịch Tập đoàn Đạt Phương: Khó khăn nhất chưa phải đã qua, nhưng cơ hội mới đang dần xuất hiện
Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương

Linh hoạt các trụ cột kinh doanh tuỳ theo biến động thị trường

Các doanh nghiệp vừa phải trải qua một giai đoạn có thể nói là chưa có tiền lệ, rất khó khăn do tác động bởi nhiều yếu tố. Trải qua 6 tháng đầu năm, theo ông những khó khăn nhất liệu đã đi qua?

Tôi nghĩ là khó khăn nhất chưa đi qua! Biểu hiện rõ nét là từ đầu năm đến nay lãi suất giảm liên tiếp 4 lần nhưng dư nợ tín dụng gần như tăng trưởng không đáng kể. Có nghĩa là nhu cầu tài chính, khả năng hấp thụ của các doanh nghiệp rất yếu. Hoạt động sản xuất đang rất khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tiêu thụ chậm lại. Tôi thấy rằng hiện nay còn khó khăn hơn cả giai đoạn đại dịch.

Mà muốn vượt qua được khó khăn hiện tại thì cần nhiều chính sách của nhà nước hỗ trợ. Làm thế nào để các doanh nghiệp vực dậy sản xuất? Làm thế nào để tăng đơn hàng, doanh nghiệp vượt qua được?

Nhưng chính sách chỉ là một phần của vấn đề. Thực thi chính sách mới là điều quan trọng. Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đều nhìn thấy có sự chậm lại trong việc thực thi ở nhiều nơi. Tôi nghĩ đó cũng là khó khăn, rào cản mà không dễ gì vượt qua ở thời điểm hiện tại.

Giữa bối cảnh có thể nói là khó khăn tứ bề như thế, Đạt Phương đã xoay sở như thế nào để vận hành, thưa ông?

Những khó khăn hiện tại chúng tôi đã lường trước được phần nào. Do đó về phía doanh nghiệp thì nỗ lực hết mức có thể. Tiết giảm tối đa chi phí, cơ cấu lại hoạt động một cách hiệu quả. Trong bối cảnh bình thường thì có thể làm được 10, nhưng trong khó khăn cũng cố gắng làm được 7-8. Chúng tôi lựa chọn lĩnh vực, công việc để làm sao hạn chế, bớt đi công đoạn, đẩy nhanh các công việc.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng là một doanh nghiệp vận hành trong nền kinh tế chung, có những khó khăn do cái bối cảnh chung thì không thể khác được.

Giai đoạn vừa qua, Đạt Phương đã nỗ lực đa dạng hóa ngành nghề để bổ trợ cho nhau đảm bảo khi mảng này khó khăn thì có mảng khác hỗ trợ. Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng khá khả quan, lợi nhuận sau thuế đạt 48,3% kế hoạch năm 2023.

Ông vừa nói đến sự đa dạng hóa ngành nghề, cụ thể những mảng kinh doanh nào đang là trụ cột của Đạt Phương?

Đạt Phương hiện có 3 ngành kinh doanh chủ lực: xây lắp, bất động sản, năng lượng.

Xây lắp là mảng truyền thống, làm lên tên tuổi của doanh nghiệp. Đến nay năng lực thi công dự án của Đạt Phương đã đạt tới vài nghìn tỷ đồng/dự án, làm được các công trình cầu, đường yêu cầu kỹ thuật cao. Trong năm 2023, mảng này đang là chủ lực mang lại dòng tiền và lợi nhuận chính của Công ty.

Mảng thứ 2 là bất động sản. Có thể nói các khu đô thị mang tên Casamia đã trở thành một thương hiệu có uy tín tại thị trường miền Trung, cụ thể tại thành phố di sản Hội An. Có thể kể tới khu đô thị Casamia, khu đô thị Casamia Calm Hoi An. Tuy nhiên giai đoạn này đang rất khó khăn do thị trường trầm lắng.

Mảng thứ 3 là năng lượng. Mảng này cũng mang lại doanh thu tương đối ổn định. Chúng tôi không làm điện gió, điện mặt trời mà chỉ tập trung vào thủy điện. Hiện Công ty đang vận hành 3 nhà máy thủy điện tại Quảng Ngãi với công suất 69MW và một nhà máy tại Quảng Nam với công suất 29MW.

Trong 3 lĩnh vực trên chúng tôi không đặt ra trụ cột nào là chính bởi sẽ tùy theo thị trường quyết định. Chẳng hạn năm 2023 Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công thì Công ty sẽ chú trọng vào mảng xây lắp. Trong khi đó mảng bất động sản trầm lắng thì tinh thần luôn phải sẵn sàng, chờ tín hiệu trường. Còn mảng năng lượng có tính ổn định cao sẽ là “bộ đệm” khi hai mảng trên gặp khó khăn.

Chủ tịch Tập đoàn Đạt Phương: "Khó khăn nhất chưa phải đã qua, nhưng cơ hội mới đang dần xuất hiện"
3 mảng kinh doanh trụ cột của Tập đoàn Đạt Phương

Như ông vừa nói năm 2023 mảng xây lắp sẽ mang lại doanh thu lớn. Tuy nhiên, cạnh tranh trong lĩnh vực xây lắp hiện nay cũng rất khốc liệt, không chỉ có nhà thầu Việt Nam mà còn có nhà thầu nước ngoài; trong khi đó biên lợi nhuận trong lĩnh vực này không phải là cao. Đạt Phương làm thế nào để tối ưu lợi nhuận trong lĩnh vực đó?

Chúng tôi xác định ngành xây lắp biên lợi nhuận thấp nhưng mang về doanh thu lớn. Bởi trong ngành này cạnh tranh rất khốc liệt, lợi nhuận thấp, chúng tôi phải lấy doanh số lớn để bù đắp lại.

Trong ngành xây dựng cầu đường thì Đạt Phương vẫn là đi đầu của Việt Nam bởi rất có thâm niên, nhiều kinh nghiệm. Trong đánh giá của ngành giao thông thì chúng tôi là thương hiệu lớn về đội ngũ con người, năng lực thiết bị, tài chính để thực hiện. Trong lịch sử hơn 20 năm hoạt động chúng tôi chưa bao giờ vi hợp đồng hay tiến độ. Cho nên chúng tôi chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt và cân nhắc thận trọng. Trong thị trường này nếu làm không tốt rất dễ bị lỗ, gặp khó khăn ngay. Đạt Phương phải thận trọng để đảm bảo dự án nào mình tham gia cũng kiểm soát được chất lượng, tiến độ, hiệu quả, chứ không phải vì số lượng mà làm bằng mọi giá.

Liên quan đến mảng hoạt động đang “trầm lắng” của Đạt Phương là bất động sản, gần đây Chính phủ đưa ra nhiều chính sách có thể nói là gỡ khó, gỡ rối cho thị trường. Theo ông những chính sách ấy đã đủ để làm “ấm lại”, gây lên một niềm hy vọng về sự hồi phục của thị trường bất động sản?

Để phục hồi tôi nghĩ cần một cái quá trình, không thể một sớm một chiều. Bởi bất động sản cũng có tính chu kỳ.

Thứ hai, như trên tôi đã nói là về các chính sách. Tôi nghĩ, chính sách Chính phủ ban hành nhiều, đầy đủ nhưng làm thế nào để thực hiện nó nhanh mới là cái quan trọng. Một dự án nếu thực hiện 3 năm thì giá thành của nó đến với khách hàng sẽ khác. Nhưng nếu 5-7-10 năm thì tự nó phải đắt lên. Đó cũng là vấn đề của thị trường. Có thể nhận thấy thị trường bây giờ đang trầm lắng nhưng thực tế cũng không có sản phẩm để “ra hàng”. Ở đây, bản chất nằm ở việc thực thi chính sách.

Tôi cũng cần nói thêm, bên cạnh xây dựng, bất động sản, năng lượng, hiện Công ty đang xúc tiến mở sang một lĩnh vực kinh doanh mới và có thể nó sẽ đóng vai trò chủ lực trong vài năm tới.

Cụ thể đó là lĩnh vực nào, thưa ông?

Đó là đầu tư khu công nghiệp và thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất. Loại hàng hóa sản xuất cũng gắn liền với nhiều mảng hoạt động cốt lõi của Đạt Phương. Vì thế, chúng tôi cũng chủ động được phần nào nguyên vật liệu đầu vào, tiết giảm chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông có thể cho biết quy mô dự án, tổng mức đầu tư và tiến độ thực hiện?

Hiện tôi chưa thể chia sẻ cụ thể hơn vì vẫn đang trong quá trình xúc tiến đầu tư. Nhưng tôi khẳng định đó là các dự án rất tiềm năng và sẽ đóng góp lớn vào doanh thu của Tập đoàn trong thời gian tới.

Có thể nói thị trường chung đang rất khó khăn nhưng cũng xuất hiện các cơ hội mới. Tuy nhiên cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp có tiềm lực, có sự chủ động và sẵn sàng chớp lấy khi nó xuất hiện.

Chưa cần huy động vốn vì nguồn lực hiện tại đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh

Vốn có thể nói là câu chuyện “đau đầu” của nhiều doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Theo quan sát, kể từ khi lên sàn năm 2018 đến nay, Đạt Phương chưa gọi vốn thông qua kênh phát hành cổ phiếu. Vậy mục tiêu lên sàn của Đạt Phương là gì?

Lên sàn để huy động vốn thuận lợi hơn là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp và cũng chính là giá trị thị trường chứng khoán mang lại. Thế nhưng, huy động vốn và sử dụng sao cho hiệu quả là vấn đề của doanh nghiệp.

Đối với Đạt Phương, với quy mô vốn hiện tại vẫn đáp ứng được hoạt động kinh doanh nên chúng tôi chưa cần huy động. Bởi, huy động vốn của cổ đông mà không có nhu cầu sử dụng dễ dẫn tới sử dụng dễ dãi, không hiệu quả dẫn tới kết quả kinh doanh không tốt, thậm chí rất nguy hiểm vì có thể dính vào cái bẫy dàn trải. Trong quản lý tài chính doanh nghiệp, quan trọng nhất là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.

Do cân đối được nguồn vốn nên chúng tôi chưa huy động thông qua phát hành cổ phiếu. Thực tế, vừa qua Công ty có gọi vốn thông qua phát hành trái phiếu nhưng giá trị không lớn và đã hoàn tất thương vụ. Phát hành trái phiếu huy động vốn trung hạn có lợi thế là không chịu áp lực về cổ tức đối với nhà đầu tư, không bị pha loãng cổ phiếu.

Tôi cho rằng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán thì không phải chỉ có mục tiêu huy động vốn mà còn nhằm nhiều mục đích khác.

Nhiều người cho rằng việc công bố thông tin đối với doanh nghiệp niêm yết là một áp lực, nhưng tôi không nghĩ vậy. Bởi vì, một doanh nghiệp, tổ chức muốn hoạt động tốt, thì rất cần một hệ thống quản lý, quản trị tốt, bài bản. Điều đó rất quan trọng, là một xương sống để doanh nghiệp phát triển một cách lâu dài, bền vững.

Lên sàn có thể phải tăng thêm nhân sự, tăng thêm việc nhưng thực ra những cái “mất” đó là quá nhỏ so với cái “được” là một hệ thống bài bản, chuẩn chỉ, công khai, minh bạch trong hành trình phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Chủ tịch Tập đoàn Đạt Phương: Khó khăn nhất chưa phải đã qua, nhưng cơ hội mới đang dần xuất hiện

Về lâu dài, Đạt Phương định vị mình trở thành một doanh nghiệp với giá trị cốt lõi như thế nào, thưa ông?

Giá trị cốt lõi của chúng tôi là sẽ làm những công việc gì mình mạnh nhất. Với xuất phát điểm từ ngành xây dựng, trải qua 20 năm hoạt động thì đây là lĩnh vực chúng tôi làm tốt nhất. Sau đó là bất động sản, năng lượng. Vậy nên, những lĩnh vực mà Đạt Phương phát triển sẽ xoay quanh trục cốt lõi mà mình có thế mạnh.

Chúng tôi xây dựng một doanh nghiệp phát triển một cách vững vàng, ổn định, làm sao các nhà đầu tư luôn cảm thấy thành công khi bỏ vốn vào đó. Đạt Phương không quan tâm đến con số lớn.

Tất nhiên khi đã là công ty niêm yết, mục tiêu là phải tăng trưởng, nhưng tôi đang đặt chất lượng tăng trưởng cao hơn số lượng tăng trưởng.

4 yếu tố nhà đầu tư nên quan tâm khi tìm hiểu về một doanh nghiệp

Theo ông, nhà đầu tư cần quan tâm đến điều gì khi mua cổ phiếu một doanh nghiệp?

Tôi cho rằng, khi đầu tư vào một doanh nghiệp, có rất nhiều yếu tố mà mỗi nhà đầu tư cần tìm hiểu, từ đó đưa ra quyết định.

Trước hết là về tài sản của doanh nghiệp. Thông tin này nhà đầu tư có thể đọc báo cáo tài chính được công bố định kỳ, công khai.

Thứ hai là thương hiệu của doanh nghiệp. Mặc dù là tài sản vô hình, không hiển thị trong báo cáo tài chính nhưng đôi khi nó lớn hơn rất nhiều vì nếu có thương hiệu người ta có thể làm được nhiều việc với sức mạnh cạnh tranh vượt trội. Cần quan tâm đến doanh nghiệp có thương hiệu.

Thứ 3 là đội ngũ lãnh đạo và nhân sự của doanh nghiệp. Đội ngũ là con người trong doanh nghiệp, văn hoá của doanh nghiệp, và hệ thống quản lý của doanh nghiệp. Đây là một giá trị còn lớn hơn cả tài sản và thương hiệu.

Thứ 4, để ra quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp cần xem xét định hướng phát triển của doanh nghiệp đó. Họ có định hướng phát triển dài hạn không, đội ngũ lãnh đạo có tâm huyết hay không.

Ông có thông điệp gì với nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu Đạt Phương?

Đứng trên quan điểm của một nhà kinh doanh, tôi luôn tâm niệm xây dựng một doanh nghiệp để nó phát triển, hiệu quả và bền vững. Đối với việc tư vấn cho nhà đầu tư, thú thật, đó là một công việc rất khó, đặc biệt đối với người không đầu tư chứng khoán như tôi!

Xin cám ơn ông!

Tâm Anh - Đăng Khiêm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán