Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

(Banker.vn) Ngày 16/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác Trung ương đã có cuộc làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón và hội đàm Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Khai mạc Phiên họp thứ 24 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dâng hương tại Thừa Thiên Huế

Nội dung làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác làm việc với Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế

Báo cáo đoàn công tác, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến nay, có 5/15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 7,3%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt gần 2.700 USD, tăng gần 1,2 lần so với năm 2020.

6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,51% (cùng kỳ năm 2022: 6,78%), là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Trong đó, du lịch, dịch vụ tăng trưởng trở lại với mức tăng 8,35%; doanh thu du lịch đạt gần 3.500 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch đến Huế hơn 1,64 triệu lượt, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ; khách lưu trú đạt hơn 845 nghìn lượt, tăng gần 94% so với cùng kỳ…

Tuy vậy, việc thực Nghị quyết vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Đó là hiện nay hệ thống luật pháp đã được Quốc hội ban hành tương đối hoàn chỉnh, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn một số chồng chéo, bất cập, nhất là trong triển khai Luật Đất đai, Đầu tư, Bất động sản... nên đã làm kéo dài thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong thực hiện các dự án, kêu gọi các dự án đầu tư trên địa bàn. Quy mô công nghiệp của tỉnh còn nhỏ, thiếu nhà đầu tư lớn, dẫn dắt nền kinh tế. Thu ngân sách chưa bảo đảm tự cân đối, cơ cấu nguồn thu thiếu bền vững. Do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế nên tình trạng dôi dư người lao động, thiếu việc làm có xu hướng gia tăng…

Để triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW… Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ Tỉnh sớm hoàn thành các thủ tục có liên quan đến việc xây dựng Đề án theo quy định và cho phép bổ sung Đề án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét và quyết định tại kỳ họp cuối năm 2024.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm bố trí nguồn lực cho các dự án tại cảng hàng không quốc tế Phú Bài; xây dựng đường chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa từ nước bạn Lào đến cảng chuyên dụng Điền Lộc qua đường 71; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa thực hiện các dự án tại cảng nước sâu Chân Mây, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; Xây dựng Bệnh viên Trung ương Huế, trung tâm y tế chuyên sâu; xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Cũng nhân dịp nay, Chủ tịch Quốc hội cũng gửi lời thăm hỏi, tri ân sâu sắc đối với các Anh hùng Liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những thành tựu kinh tế, xã hội mà Thừa Thiên Huế đã đạt được, đồng thời nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất Cố đô, kết hợp với tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 83 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54; Nghị quyết 38 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Sớm tổ chức sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 38 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024.

Nhấn mạnh, việc thực hiện mục tiêu tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị có ý nghĩa lịch sử đối với địa phương và cũng rất quan trọng với cả nước, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, vấn đề trăn trở nhất đối với những địa phương có nhiều di sản như Thừa Thiên Huế là làm thế nào để vừa gìn giữ, bảo tồn vừa phát huy được các giá trị của di sản, bảo tồn phải song hành với phát triển. Tỉnh cần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế vào năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; đến năm 2030, là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và được thụ hưởng các thành quả của phát triển kinh tế - xã hội.

Với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan trung ương có ý kiến trao đổi; Văn phòng quốc hội tổng hợp gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Uỷ ban thường vụ quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Nguyễn Tuấn

Theo: Báo Công Thương