Chủ tịch Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

(Banker.vn) Sáng 11/6/2024, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khai mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nếu chuẩn bị tốt, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức vào thời gian giữa 2 đợt họp của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Phiên họp diễn ra trong 3 ngày từ 11-13/6, cho ý kiến về 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua đợt 2 của kỳ họp, và 5 nội dung khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Khai mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội, đợt 1 của Kỳ họp thứ 7 đã thành công rất tốt đẹp, được cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi, công tác nhân sự được tiến hành kịp thời, theo đúng quy định, quy trình, với số phiếu bầu của đại biểu Quốc hội rất cao.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, tại kỳ họp này việc tài liệu gửi chậm đã được khắc phục cơ bản. Đây là nỗ lực cố gắng của các cơ quan liên quan. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các bộ ngành để gửi tài liệu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban cũng nỗ lực rất cao trong công tác thẩm định.

"Tuy rằng so với yêu cầu là chưa đạt nhưng lần này có tài liệu nào đã gửi ngay cho đại biểu Quốc hội. Sau đó, nếu có tài liệu bổ sung lại gửi tiếp. Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban sau khi thẩm tra sẽ gửi tiếp tục cho đại biểu. Chính vì thế, đại biểu có tài liệu để nghiên cứu từ Tờ trình cho đến báo cáo, các nội dung có liên quan” -Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, không khí thảo luận ở hội trường, ở tổ, phiên chất vấn sôi nổi dân chủ, trọng tâm, ngắn gọn, nhiều đại biểu phát biểu, nhiều ý kiến sâu sắc thiết thực trên tinh thần trách nhiệm cao, xây dựng, tìm ra giải pháp để phục vụ cho nội dung điều hành kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của Chính phủ, các bộ ngành.

Quốc hội hoàn thành việc thảo luận, cho ý kiến với 10 dự án luật, 6 dự thảo Nghị quyết, và thông qua 2 Nghị quyết với số phiếu biểu quyết rất cao. Đó là Nghị quyết về chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2024; Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội 2025.

Tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội cho hay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về các dự án, dự thảo có nhiều nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau như: Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp, Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Bên cạnh đó là 3 dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khai mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ và thể hiện quan điểm rõ ràng dự án nào đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại đợt 2, nhất là các dự án có tác động lớn như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Quy hoạch không gian biển quốc gia, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các Nghị quyết thí điểm của Nghệ An, Đà Nẵng.

Ông Trần Thanh Mẫn cũng thông tin, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn 2065; cho ý kiến về 4 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề nào xin cấp có thẩm quyền, cấp thẩm quyền đã cho chủ trương thì bất cứ giá nào cũng phải bàn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề đã được bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024 đã được Quốc hội thông qua. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật; và nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng là nội dung cấp thiết. Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí và ủng hộ trình thông qua để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Mặt khác, đề nghị các thành viên góp ý cụ thể, là cơ sở để các cơ quan hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội bổ sung vào chương trình kỳ họp xem xét thông qua quy trình tại 1 kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định 2 nội dung theo thẩm quyền gồm: Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023.

Còn một số dự án, dự thảo Luật, Nghị quyết khác sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến bằng văn bản. Một số nội dung các cơ quan của Quốc hội đang nghiên cứu, thẩm tra, nếu đủ điều kiện, bảo đảm chất lượng sẽ xem xét, xin ý kiến Quốc hội, bổ sung vào chương trình của Kỳ họp.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục