Chủ tịch Phát Đạt (PDR) bị bán giải chấp, lãnh đạo liên tiếp gom hàng

(Banker.vn) Ngày 22/12, ông Lê Quang Phúc, thành viên HĐQT kiêm Cố vấn Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã PDR - HOSE) vừa đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu.

Trước đó, ông Lê Quang Phúc sở hữu 1.564.985 cổ phiếu PDR, chiếm tỷ lệ 0,23%. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Phúc sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Phát Đạt lên 3.564.985 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,53%. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 27/12/2022 đến ngày 25/1/2023.

Chủ tịch Phát Đạt (PDR) bị bán giải chấp, lãnh đạo liên tiếp gom hàng

Thời gian gần đây, Ban lãnh đạo PDR liên tiếp có động thái mua vào cổ phiếu. Vào ngày 22/11, ông Bùi Quang Anh Vũ – CEO của PDR đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 3,45% với số tiền chi dự kiến hơn 200 tỷ đồng.

Ngày 7/12, một thành viên khác trong HĐQT là ông Đoàn Viết Đại Từ cũng đăng ký mua 850.000 cổ phiếu PDR để nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,30%. Thời gian giao dịch dự kiến từ 12/12/2022 đến 12/01/2023.

Ở diễn biến ngược chiều, Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT Phát Đạt thông báo vừa bán ra 3,52 triệu cổ phiếu PDR nhằm giảm tỷ lệ sở hữu từ 292 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 43,48%) về còn 288,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 42,95%) theo phương thức khớp lệnh trong ngày 21/12/2022. Được biết, đây thực chất là hoạt động do công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.

Trong phiên này, cổ phiếu PDR giảm sàn về mức 12.000 đồng và có phiên giảm mạnh thứ 3 liên tiếp. Đây cũng là phiên giảm mạnh thứ 7/9 phiên gần nhất của mã VN30 này.

Trước đó sau chuỗi 17 phiên giảm sàn liên tiếp từ đầu tháng 11/2022, cổ phiếu PDR có thời điểm rơi về mức 11.200 đồng (thấp nhất phiên 29/11) trước khi được giải cứu với thanh khoản đột biến hơn 90 triệu đơn vị.

Lần gần nhất ông Đạt bị bán giải chấp là ngày 29/11 vừa qua với số lượng 6,7 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh. Đáng chú ý, động thái này diễn ra ngay trước phiên cổ phiếu PDR được giải cứu.

Ban Lãnh đạo PDR cho biết, giá cổ phiếu giảm là do ảnh hưởng chung của thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm ngành bất động sản. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua, cổ phiếu PDR đã chứng kiến những phiên “lội ngược dòng” và đang dần lấy lại “phong độ”, quay trở lại đúng định giá của doanh nghiệp.

Với động thái liên tiếp mua vào cổ phiếu từ các thành viên HĐQT cho thấy niềm tin vào định hướng và chiến lược phát triển của PDR trong thời gian tới. Năm 2023, PDR dự kiến triển khai các dự án tại thị trường Bình Dương, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng… với kỳ vọng doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong quý IV/2022, PDR đã chi hơn 1.300 tỷ đồng để tất toán các khoản vay và mua trái phiếu trước hạn. Phía doanh nghiệp cho biết đã có kế hoạch dòng tiền để tất toán các khoản vay theo tiến độ.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PDR có 17 phiên lao dốc với 3 lần giải trình việc cổ phiếu giảm sàn liên tục. Tuy nhiên kể từ ngày 29/11, cổ phiếu này đã bứt phá trở lại với 5 phiên trần liên tiếp. Dù vậy, hơn 3 tuần qua, giá cổ phiếu vẫn ghi nhận nhiều biến động. Chốt phiên ngày 22/12, cổ phiếu PDR tăng trần lên mức 12.800 đồng/cp. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần đây nhất đạt hơn 12,3 triệu đơn vị. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, cổ phiếu PDR đã giảm mạnh từ 69.850 đồng, tương ứng giảm hơn 80% giá trị.

Diễn biến giá cổ phiếu PDR trong vòng 3 tháng trở lại đây (Nguồn: TradingView)
Diễn biến giá cổ phiếu PDR trong vòng 3 tháng trở lại đây (Nguồn: TradingView)

Về kết quả kinh doanh, trong quý III Phát Đạt ghi nhận mức doanh thu 11 tỷ đồng, thấp nhất kể từ quý III/2018. Tuy vậy, công ty vẫn báo lãi sau thuế tới 711 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính tăng vọt do chuyển nhượng cổ phần công ty con, tức bán sỉ dự án.

Tính đến hết quý III, tổng tài sản của Phát Đạt xấp xỉ 26.000 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng tồn kho chiếm hơn phân nửa. Công ty đang nợ gần 15.400 tỷ đồng và lượng tiền mặt giảm chỉ còn 51 tỷ đồng so với con số hơn 494 tỷ đồng hồi đầu năm.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần 1.490 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 1.290 tỷ đồng, giảm 22%; song biên lợi nhuận gộp lại tăng mạnh từ 68,8% lên tới 86,5%. Công ty có lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, tăng 26%; trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1.412 tỷ đồng, tăng 27%.

Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành 14% kế hoạch doanh thu (10.700 tỷ đồng) và 38% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Phiên giao dịch ngày 23/12/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Cổ phiếu ngân hàng ngập sắc xanh, KLB 'tím lịm' với lực cầu lớn

Cổ phiếu ngân hàng phiên 22/12 ngập trong sắc xanh với khối lượng giao dịch của nhiều mã tăng vọt.

Công ty liên quan ông Nguyễn Mạnh Tuấn chỉ mua được 50% số cổ phiếu L14 đã đăng ký

Ngày 22/12, Công ty CP Đầu tư Tài chính Licogi 14 đã hoàn tất giao dịch mua vào cổ phiếu Công ty CP Licogi 14 ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán