Sau giao dịch, lượng cổ phiếu PDR ông Đạt nắm giữ hạ xuống còn hơn 283 triệu cổ phần, tương đương 42,95% vốn điều lệ công ty. Đáng chú ý, lý do thực hiện giao dịch là: Công ty chứng khoán bán giải chấp, do hiểu nhầm trong quá trình trao đổi thông tin giữa nhân viên của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT PDR và Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt nam).
Vì hiểu nhầm, Mirae Asset đã đặt lệnh bán một lượng lớn cổ phiếu PDR trong tài khoản của ông Nguyễn Văn Đạt. hình minh họa |
Theo thông cáo, vì sự hiểu nhầm không đáng có này Mirae Asset đã đặt lệnh bán một lượng lớn cổ phiếu trong tài khoản của ông Nguyễn Văn Đạt trong khi ông Đạt không đặt bất kỳ lệnh bán nào và vẫn thực hiện đúng các thỏa thuận của mình với Mirae Asset .
Theo công bố thông tin về giao dịch của người nội bộ PDR, ông Đạt bị bán giải chấp 5,268 triệu cổ phiếu, đưa tỷ lệ sử hữu từ 42,95% (tương ứng 288,499 triệu cổ phiếu) xuống còn 42,17% vốn (283,23 triệu cổ phiếu).
Thông cáo nêu, ngay sau khi phát hiện sự cố, các bên đã liên lạc với nhau và Mirae Asset cũng đã dừng lệnh bán. Ông Đạt cùng với công ty chứng khoán này đang liên lạc với nhau để giải quyết sự việc.
Đóng cửa phiên 13/2, thị giá PDR giảm sàn xuống mức 11.250 đồng/cp. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong vòng gần 4 năm trở lại đây của cổ phiếu này. Vốn hóa tương ứng chỉ còn 7.600 tỷ đồng, giảm đến 84% so với đỉnh đạt được hồi giữa tháng 10/2021. Trước đó, PDR từng có khoảng thời gian lao dốc mạnh với 17 phiên giảm sàn liên tiếp trong tháng 11 năm ngoái. Lãnh đạo công ty phải liên tục bổ sung tài sản vì cầm cố cổ phiếu để phát hành trái phiếu, đồng thời bán bớt tài sản để xử lý nợ...
Diễn biến giá cổ phiếu PDR thời gian gần đây. Nguồn: TradingView |
Thống kê cho thấy, từ khoảng tháng 11/2022 đến nay, ông Đạt đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp gần 49 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 7,3% vốn điều lệ.
Trái ngược sự sôi động nửa đầu năm 2022, nửa cuối năm, tình hình kinh doanh của PDR lao dốc không phanh. Quý III, doanh thu của công ty sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn vỏn vẹn 11 tỷ đồng. Sang quý IV, tình hình vẫn không được cải thiện khi công ty chỉ có 14 tỷ đồng doanh thu thuần (đều là doanh thu cung cấp dịch), “bốc hơi” 99% so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói, nửa cuối năm 2022, hoạt động kinh doanh bất động sản của PDR gần như “đóng băng” hoàn toàn.
Với nguồn thu hoạt động cốt lõi khiêm tốn, PDR chịu lỗ gộp 29 tỷ đồng trong quý IV này, trái ngược với khoản lãi gộp 1.117 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
Trong quý, PDR có thêm 16 tỷ đồng doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá và lãi tiền gửi. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại “phi mã” tới 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 221 tỷ đồng; trong đó, chi phí lãi vay là 140 tỷ đồng. Còn các chi phí khác biến động không đáng kể.
Không còn doanh thu tài chính đột biến (1.250 tỷ đồng - từ lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con) “giải nguy” khỏi cảnh thua lỗ như quý III/2022, quý IV này, PDR chịu lỗ trước thuế tới 296,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi trước thuế tới 947 tỷ đồng - đánh dấu quý lỗ trở lại sau hơn một thập kỷ (kể từ quý III/2011).
Theo giải trình của PDR, nguyên nhân thua lỗ trong quý là do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản khiến việc đầu tư kinh doanh vào các dự án bất động sản không thuận lợi. Bên cạnh đó, công ty đang tiến hành tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Luỹ kế năm 2022, các chỉ tiêu kinh doanh của PDR đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 58%, đạt 1.504,5 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 54%, đạt 1.276 tỷ đồng.
Trái ngược với sự trầm lắng trên, hoạt động tài chính khá sôi nổi với doanh thu tài chính đạt 1.267 tỷ đồng (cùng kỳ vỏn vẹn 7 tỷ đồng), chủ yếu đến từ khoản lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con. Cụ thể, PDR đã hoàn thành việc chuyển nhượng tiếp 26% vốn chủ sở hữu Công ty CP Địa ốc Sài Gòn KL cho Công ty TNHH Bất động sản Gemini, nâng tổng số lượng cổ phần tại Sài Gòn KL đã được chuyển nhượng lên 72% theo như kế hoạch thanh lý khoản đầu tư này.
Trong năm, chi phí tài chính của công ty tăng vọt gấp 4 lần lên 638 tỷ đồng. Chi phí vận hành (chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) cũng phát sinh thêm 66 tỷ đồng, đạt 305 tỷ đồng. Kết quả, PDR lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 1.599,5 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, công ty phát sinh thêm khoản lỗ khác 106 tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, PDR có lãi trước thuế 1.494 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.145,5 tỷ đồng, giảm 39%.
So với mục tiêu doanh thu 10.700 tỷ đồng đề ra đầu năm 2022, PDR chỉ hoàn thành được 14% kế hoạch. Về chỉ tiêu lợi nhuận (3.635 tỷ đồng), công ty mới đạt 41%.
Khánh Vân
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|