Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ báo chí

(Banker.vn) Trưa 20/6, sau lễ đón chính thức Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin đã dẫn đầu đoàn cấp cao hai nước tiến hành hội đàm. Sau khi kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về kết quả hội đàm.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19-20/6/2024.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo chung - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo chung - Ảnh: TTXVN

Hai bên đã thông qua Tuyên bố chung

Trưa 20/6, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành đón nguyên thủ quốc gia. Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin đã dẫn đầu đoàn cấp cao hai nước tiến hành hội đàm. Sau khi kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về kết quả hội đàm.

Phát biểu tại họp báo, thay mặt Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Vladimir Putin cùng đoàn đại biểu cấp cao Liên bang Nga thăm cấp Nhà nước Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp ước về nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga và hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước trong năm 2025.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Nga trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Trong quá trình triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam nhất quán coi Liên bang Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu; mong muốn cùng phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời mà các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp.

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp báo chung - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp báo chung - Ảnh: TTXVN

Thông báo về cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch nước vui mừng cho biết hai bên đã thông qua Tuyên bố chung nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước. Các bộ, ngành, cơ quan hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, tư pháp, thể dục thể thao nhằm góp phần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh hợp tác song phương đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Trong không khí cởi mở, chân thành, tin cậy, Chủ tịch nước khẳng định, hai bên đã nhất trí các định hướng, biện pháp lớn nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga; thống nhất tăng cường quan hệ trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau dựa trên nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc về luật pháp quốc tế, không liên minh thỏa thuận với bên thứ ba nhằm có hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích cơ bản của nhau, không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba nào; tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển khu vực và trên thế giới.

Hai bên cũng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh tin cậy chính trị thông qua tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao nhất, thúc đẩy các cơ chế hợp pháp của các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương.

Đánh giá hợp tác kinh tế là lĩnh vực trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, Chủ tịch nước cho biết hai bên sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả, sớm đàm phán nâng cao Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu; nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do tác động không thuận của kinh tế thế giới nhằm đẩy mạnh thương mại, đầu tư; ủng hộ tiếp tục nâng cao hiệu quả các dự án then chốt trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước mở rộng đầu tư hoạt động trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp của hai nước, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.

Bên cạnh đó, hai bên đã thống nhất sớm nghiên cứu, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch, đóng góp cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; đồng thời mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh, ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống.

Theo Chủ tịch nước, hai bên cũng thống nhất tăng cường hợp tác trên lĩnh vực giao thông vận tải, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, dạy nghề lao động, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy hợp tác văn hóa nghệ thuật, du lịch, giao lưu nhân dân, giáo dục thế hệ trẻ, nhất là tạo điều kiện thuận lợi về điều kiện đi lại của nhân dân hai nước nhằm tăng cường hiểu biết và tình cảm hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng công dân Việt Nam tại Nga và công dân Nga tại Việt Nam sinh sống, học tập, lao động ổn định, làm cầu nối quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo chung - Ảnh: TTXVN
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo chung - Ảnh: TTXVN

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên ủng hộ xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế dân chủ, công bằng, minh bạch dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mới, mở rộng, bao trùm, minh bạch, công khai mà không phân biệt đối xử dựa trên nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới; ủng hộ một cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương bình đẳng, không chia tách, minh bạch với vai trò trung tâm của ASEAN dựa trên luật pháp quốc tế; thúc đẩy liên kết kinh tế, bao gồm cả trong khuôn khổ APEC, G-20, ASEAN và Hợp tác kinh tế Á-Âu; hoan nghênh Nga tăng cường hợp tác với tiểu vùng Mekong, đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung của khu vực trên thế giới.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên ủng hộ và bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương của Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982, ủng hộ thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đàm phán, tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng chuyến thăm sẽ góp phần tạo xung lực quan trọng cho hợp tác Nga - Việt

Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin chân thành cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Tổng thống và đoàn sự đón tiếp trọng thị, chân tình và chu đáo. Ôn lại truyền thống quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh chuyến thăm lần này của đoàn đại biểu cấp cao Liên bang Nga nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Tô Lâm đã diễn ra trong không khí tốt đẹp, thực chất, qua đó thông qua được Tuyên bố chung, ủng hộ các nguyên tắc của mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Nga-Việt Nam. Hai bên đã thảo luận cụ thể về phương hướng phát triển trọng tâm cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong thời gian tới; đề cập đến các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, một trụ cột quan trọng trong tổng thế mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực và được triển khai vào năm 2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước tiếp cận được thị trường của nhau, cũng như mở rộng các lĩnh vực đầu tư.

Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ hy vọng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này sẽ góp phần tạo xung lực quan trọng, thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, cũng như giúp hai bên xác định và thống nhất phương hướng, biện pháp đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước được ký kết nhân dịp chuyến thăm - Ảnh VGP/Đức Tuân
Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước được ký kết nhân dịp chuyến thăm - Ảnh VGP/Đức Tuân

Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước được ký kết nhân dịp chuyến thăm, bao gồm: Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học; Chương trình hợp tác giai đoạn 2024-2025 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Nga;

Bản ghi nhớ về lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom; Bản ghi nhớ giữa Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt-Nga và Cơ quan Liên bang Nga về giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an sinh con người về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm để phòng, chống dịch bệnh;

Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh Lô 11-2 cho Tập đoàn Zarubezhneft; Thỏa thuận hợp tác trao đổi khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA); Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Hà Nội và RANEPA; Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông (FEFU); Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Kinh tế cao cấp (HSE); Bản ghi nhớ về hợp tác tại Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần NOVATEK; Biên bản ghi nhớ giữa Công ty cổ phần Quản lý BVIM và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán