Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”

(Banker.vn) Tối 15/6, tại tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” và khai mạc Lễ hội Nho - Vang.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm làng gốm Bàu Trúc Loạt sự kiện độc đáo tại Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023

Tối 15/6, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp và khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp và khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023.

Cùng tham dự còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đại diện UNESCO cùng đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán một số nước tại Việt Nam.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”
Các đại biểu tham dự buổi lễ.
Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (thứ hai từ trái qua).

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chúc mừng đến các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh ThuậnBình Thuận và cộng đồng người Chăm về niềm vinh dự, tự hào khi Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, nghề thủ công truyền thống đầu tiên, trở thành di sản thứ 15 của Việt Nam được ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam được tạo tác từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm với những dụng cụ đơn giản làm từ tre, vỏ sò, vải…, tạo nên những vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hay những sản phẩm mỹ nghệ.

Mỗi sản phẩm gốm Chăm luôn có những nét độc đáo, riêng có, thể hiện sáng tạo, kỹ năng của mỗi phụ nữ Chăm được trao truyền thông qua thực hành, đồng thời là lăng kính phản chiếu cuộc sống cũng như những nét văn hóa hàng ngày và gửi gắm những khát vọng tươi đẹp của cộng đồng dân cư.

“Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới; đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Di sản văn hóa Nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Chúng ta cùng có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy, tạo sức sống mới cho di sản”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”
Trao Bằng công nhận của UNESCO ghi danh” Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” cho tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ trân trọng sự đóng góp của các thế hệ nghệ nhân, các hộ gia đình, cơ sở làm gốm Chăm và đồng bào dân tộc Chăm đã nỗ lực gìn giữ, trao truyền di sản quý báu này. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của UNESCO, bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam sự hợp tác, giúp đỡ quý báu để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được gìn giữ, ngày càng lan tỏa sâu rộng, hòa cùng dòng chảy của tinh hoa văn hóa nhân loại.

Ninh Thuận là vùng đất giàu tiềm năng với vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa quan trọng, nhiều lợi thế về các ngành kinh tế biển, du lịch và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Ninh Thuận đang đối mặt với thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, thiếu hụt nguồn nước,…

Để khai thác những tiềm năng, tận dụng cơ hội, chuyển hóa được những thách thức đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị: Tỉnh Ninh Thuận cần tạo những đột phá về quy hoạch, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo, năng lượng tái tạo,…

Phó Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng kết nối để nâng cao năng lực cạnh tranh của Ninh Thuận; thu hút doanh nghiệp, khai mở tiềm năng du lịch, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển. Mở đường cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh đến với thị trường trong nước và quốc tế.

Do đó, Ninh Thuận cần khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, liên kết công nghiệp, dịch vụ, đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật; hình thành các hệ sinh thái công nghiệp năng lượng xanh; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chủ động thích ứng với tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu.

Chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đón đầu các làn sóng đầu tư mới, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế dựa vào tri thức và những định hướng ưu tiên phát triển của địa phương. Đặc biệt, Ninh Thuận phải định vị được những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có, làm nền tảng để khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, khát vọng cống hiến trong từng người dân, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của địa phương.

Từ nghệ thuật gốm Chăm đến những vườn nho Ninh Thuận cho thấy các giá trị văn hóa được bồi đắp lâu dài, bền bỉ trong đời sống hàng ngày của người dân sẽ trở thành “nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Thuận cần có những kế hoạch cụ thể, thiết thực trong gìn giữ, bảo tồn, chấn hưng, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, tạo lập môi trường văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là trong không gian văn hóa gia đình và cả trên không gian mạng.

Các cấp, các ngành và toàn xã hội cần chung tay gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn đồng hành trong mọi bước đường phát triển của dân tộc, đóng góp và làm giàu cho văn hóa thế giới.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”
Toàn cảnh buổi lễ.

Phát biểu đáp từ, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trân trọng cảm ơn, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Đồng thời cam kết sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, sớm đưa Nghệ thuật làm gốm của người Chăm phát triển bền vững về mọi mặt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”
Sắc màu văn hóa đồng bào dân tộc Chăm được thể hiện tại đêm lễ.

Tại buổi lễ, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên Thường trú Liên hiệp quốc, đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp cho đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao và lãnh đạo UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Sau lễ đón Bằng của UNESCO, các đại biểu dự lễ cùng bước vào không gian nghệ thuật qua Khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023. Đây là Lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Thuận được tổ chức 2 năm/1 lần nhằm mục đích xây dựng thương hiệu Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận độc đáo, khác biệt, giàu bản sắc và tôn vinh tinh hoa văn hóa của các dân tộc trong tỉnh.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được tái hiện trên sân khấu.

Hiện nay, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận còn duy trì nghề thủ công làm gốm truyền thống tại làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và làng gốm Bình Đức, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Sản phẩm gốm Chăm được sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng cũng như làm quà tặng, trang trí các công trình nghệ thuật. Nghề làm gốm của người Chăm không chỉ đơn thuần là kỹ thuật sản xuất, tạo ra sản phẩm cụ thể mà ở đó hội tụ, chứa đựng rất nhiều bí quyết, kỹ năng, kinh nghiệm được trao truyền từ đời này qua đời khác tạo thành một nghệ thuật, đó là “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.

Với những giá trị được ghi nhận từ Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, ngày 29/11/2022, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Sự kiện này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trong năm 2022. Việc tổ chức đón Bằng của UNESCO sẽ tạo sự lan tỏa đến Nhân dân, du khách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trong thời gian tới.

Đức Thảo - Kim Xuyến

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục