Chủ tịch Hóa chất Đức Giang (DGC) dự chi gần 60 tỷ đồng gom cổ phiếu "dưới sàn"

(Banker.vn) Nếu giao dịch hoàn tất, ông Đào Hữu Huyền sẽ tăng sở hữu tại DGC từ gần 68,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,11%) lên gần 69,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,38%).

Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Cụ thể, giao dịch được thực hiện từ ngày 17/11 - 16/12 theo phương thức khớp lệnh qua sàn chứng khoán. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Huyền sẽ tăng sở hữu tại DGC từ gần 68,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,11%) lên gần 69,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,38%).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/11, cổ phiếu DGC có giá 57.200 đồng/cp, giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp và giảm hơn 25% kể từ đầu tháng 11. Tạm tính với mức giá này, ông Huyền sẽ phải chi xấp xỉ hơn 57,2 tỷ đồng để mua số cổ phiếu trên.

Diễn biến giá cổ phiếu FRT. Nguồn TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu FRT thời gian gần đây. Nguồn TradingView

DGC vừa công bố kế hoạch kinh doanh quý IV/2022 với doanh thu hợp nhất đạt 3.299 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.100 tỷ đồng. So với kết quả quý IV/2021, kế hoạch này giảm 5% về doanh thu và giảm 21% về lợi nhuận. Còn so với quý III vừa qua, mục tiêu trên thấp hơn lần lượt 11% và 27%.

Bên cạnh đó, DGC có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản cho nhà máy NPK Đắk Nông với mức giải ngân quý IV là 80 tỷ đồng (đã giải ngân đến hết ngày 30/9/2022 là 19,95 tỷ đồng). Đồng thời, công ty chuẩn bị khởi công Nhà máy Xút-Clo Nghi Sơn.

Được biết, Nhà máy Xút-Clo Nghi Sơn có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.000 tỷ đồng trong đó 5.500 nghìn tỷ đồng trích từ vốn chủ sở hữu (lợi nhuận giữ lại, nếu không đủ sẽ phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu), phần còn lại huy động từ nợ vay ngân hàng. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động ổn định từ năm 2025, đóng góp 8.723 tỷ đồng doanh thu và 1.800 lợi nhuận ròng cho DGC.

Dự báo về kết quả kinh doanh quý cuối năm của DGC, CTCK KIS Việt Nam (KIS) đánh giá vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng ổn định. Nguyên nhân là đơn giá phốt pho vàng (P4) khoảng 137 triệu đồng/tấn tại tháng 10, tăng 3% so với tháng 9 và cao hơn nhiều so với mức giá trung bình trong quý III.

"Đơn giá này có thể duy trì hết quý IV vì nhu cầu P4 trong sản xuất chất bán dẫn và pin xe điện vẫn còn. Đồng thời, do Trung Quốc vẫn đang hạn chế xuất khẩu phân lân, điều này khiến các nhà sản xuất dè dặt hơn trong việc khai thác quặng apatite. Vì vậy, Trung Quốc có thể tiếp tục tìm đến các nhà cung cấp tại Việt Nam để bù đắp lượng P4 thiếu hụt trong các ngành sản xuất công nghệ cao", KIS nhận định.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của DGC đạt 11.333 tỷ đồng, tăng mạnh 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.917 tỷ đồng, tăng cao 4,4 lần. Với kết quả này, DGC đã hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và vượt 40% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của DGC tăng 54% so với đầu năm. Tài trợ chính cho sự tăng trưởng của tài sản là khoản đầu tư tài chính tài chính ngắn hạn (đều là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng), đạt 7.383 tỷ đồng, tăng 3.751 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền gửi này đã đem lại cho Công ty 195 tỷ đồng tiền lãi trong kỳ.

Về nguồn vốn, tính đến cuối tháng 9/2022, nợ phải trả của DGC đã giảm 18,7% so với đầu năm, còn 1.777 tỷ đồng. Nợ vay hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn ngân hàng, không biến động nhiều, đạt 877 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của DGC hiện tại là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) (405 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (388 tỷ đồng).

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán