Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam: Xây dựng một đạo luật mới về một ngành công nghệ rất mới chắc chắn là một thách thức

(Banker.vn) Ngành công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ và tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhờ các tính năng quan trọng như tính bảo mật và quyền riêng tư. Tuy nhiên, nghiên cứu và xây dựng một đạo luật mới về một ngành công nghệ rất mới chắc chắn là một thách thức lớn đối với các nhà lập pháp của bất kỳ quốc gia nào.

Ngày 29/9, tại trụ sở các cơ quan Quốc hội (Hà Nội), Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số” diễn ra với sự tham gia của các Đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban: Kinh tế, Pháp luật, Tài chính - Ngân sách, Tư pháp, Xã hội, Quốc phòng - An ninh, Đối ngoại,...

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trên thực tế, công nghệ blockchain đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, đến thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, bảo hiểm, logistics và nhiều ngành dịch vụ khác.

img_20230929_094513.jpg
Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Trong tương lai, các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng blockchain còn tiếp tục được mở rộng sang các lĩnh vực xương sống của đất nước là an sinh xã hội, quản lý dân cư, an ninh, quốc phòng...

Về tổng giá trị, theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), đến năm 2023, tài sản mã hóa sẽ đạt mức 16.000 tỷ USD, chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu. Đây là một con số thực sự ấn tượng mà tôi tin rằng không một chính phủ nào cảm thấy không quan tâm và muốn đứng ngoài xu hướng này.

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Huây cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra các tồn tại vô hình và thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các nhà lập pháp trong quá trình nghiên cứu và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, vừa thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, vừa đảm bảo sự quản lý của nhà nước, ổn định tài chính, thúc đẩy sự cạnh tranh minh bạch và công bằng…

Ông Hoàng Văn Huây cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành luật và các văn bản pháp lý tương đương về quản lý tài sản số như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan,...

Trong đó có những đạo luật đã có hiệu lực thi hành, có những đạo luật chưa được đưa vào thực thi. Tuy nhiên, đánh giá chung thì các đạo luật này đều sẽ giúp tăng cường sự bảo vệ người dùng và nhà đầu tư, phòng chống và giảm thiểu tội phạm tài chính - rửa tiền - tài trợ khủng bố - thao túng thị trường, giảm phát thải khí nhà kính do khai thác tài sản tiền mã hóa, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng vượt trội và nhanh chóng.

"Về mặt pháp lý, Việt Nam mặc dù chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cụ thể về tài sản số nhưng gần đây, các cơ quan nhà nước đã có nhiều động thái tích cực trong việc tiếp cận hình thái tài sản mới này", ông Hoàng Văn Huây chia sẻ.

img_20230929_094530.jpg
Quang cảnh hội thảo

Đơn cử, có thể kể đến việc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phối hợp cùng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tổ chức chương trình tập huấn dành cho các Chánh án, Công tố trên toàn quốc về chủ đề “Tiền điện tử” và những biện pháp truy vết tội phạm liên quan hồi cuối tháng 8/2023 vừa qua.

Gần đây hơn, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức liên tiếp 2 hội thảo về “Phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền điện tử”, trong ngày 20/9 và 22/9, với sự tham dự của hơn 2.000 người, trực tiếp ở hai đầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trực tuyến ở Ngân hàng Nhà nước 61 tỉnh thành còn lại.

Ngày 23/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành khuyến cáo về một số sàn giao dịch tiền mã hóa, forex,... nhằm bảo vệ người dùng.

Trước đó, các định nghĩa về Tài sản ảo, Nhà cung cấp tài sản ảo đã gián tiếp được thừa nhận khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay mặt Chính phủ Việt Nam ký cam kết với Lực lượng Hành động Tài chính (FATF) nhằm thúc đẩy tăng cường khung thể chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (AML/CFT). Bản cam kết này được thực hiện với mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “xám”.

"Chính vì vậy, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đánh giá, đây là thời điểm mà Việt Nam cần gấp rút nắm bắt thời cơ để triển khai hệ thống pháp lý hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ blockchain nói riêng", ông Hoàng Văn Huây nhấn mạnh và cho rằng: "Việc tiếp cận, nghiên cứu và xây dựng một đạo luật mới về một ngành công nghệ rất mới chắc chắn là một thách thức lớn đối với các nhà lập pháp của bất kỳ quốc gia nào mà Việt Nam cũng không hề ngoại lệ".

Ngô Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ