Chủ tịch GP.Invest 'kêu khổ' về dự án 10 năm không xong giải phóng mặt bằng

(Banker.vn) Tại tham luận gửi tới Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest), cho biết một dự án tại tỉnh Phú Thọ của doanh nghiệp này hơn 10 năm qua chưa giải phóng xong mặt bằng.

GS Đặng Hùng Võ: 'Khó giải cứu bất động sản bằng biện pháp vốn'

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, ngoài các dự án tại Hà Nội, GP.Invest đang mở rộng hoạt động sang địa bàn các tỉnh, nổi bật là dự án Palm Manor ở Việt Trì - Phú Thọ giai đoạn 1 (quy mô 28ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.270 tỷ đồng).

Dự án này được phê duyệt quy hoạch năm 2012 và phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2013 với quy mô cả hai giai đoạn là 58,5ha. Ở thời điểm đó, dự án được Bộ Tài Nguyên Môi Trường chấp thuận cho thực hiện công tác giải phóng mặt theo hình thức nhà nước thu hồi đất bàn giao cho chủ đầu tư.

“Giá đền bù từ năm 2013 đến nay không thay đổi. Tuy nhiên quá trình đền bù kéo dài dẫn đến tình trạng so kè giữa người nhận trước và nhận sau. Nếu đền bù theo mặt bằng giá mới thì người nhận trước lại đòi bổ sung, còn nếu tự thoả thuận lại vi phạm quy định về dự án nhà nước thu hồi. Mặt khác mặc dù chính quyền địa phương ủng hộ tích cực nhưng khi đưa ra giá đền bù theo quy định thì lại vấp phải sự không đồng thuận của người dân”, ông Hiệp cho biết.

Chủ tịch GP.Invest thông tin thêm, tháng 08/2022, với sự vào cuộc quyết liệt của cả bộ máy, chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế bảo vệ thi công cho chủ đầu tư đợt 1 được 7,2ha. Tuy vậy, phần còn lại của dự án vẫn đang chờ cách tháo gỡ về giá đền bù và phương pháp xử lý cụ thể để có thể dứt điểm được công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.

“Palm Manor là dự án được tỉnh Phú Thọ xếp vào dự án trọng đểm của địa phương. Vì dự án ‘vắt’ qua hai đời Luật Đất đai (2003 và 2013) nên vướng mắc ở cơ chế đền bù, khiến việc giải phóng mặt bằng kéo dài hơn 10 năm nay làm phát sinh nhiều chi phí và thời gian của chủ đầu tư”, ông Nguyễn Quốc Hiệp than.

Một vấn đề bất hợp lý khác, theo ông Hiệp, là trường hợp chủ đầu tư đã tự bỏ kinh phí ra để hạ ngầm đường cáp điện trung thế qua dự án theo chủ trương được Điện lực đồng ý nhưng khi bàn giao đưa vào quản lý thì chưa có văn bản hướng dẫn nên Điện lực không nhận (vì theo QĐ 41/2017 của Thủ tướng chỉ được nhận bàn giao từ vốn nhà nước chứ không có hướng dẫn nhận tài sản từ nguồn vốn khác).

Cũng tại tham luận, Chủ tịch GP.Invest thông tin thêm, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho một loạt dự án ở trên nhiều tỉnh thành. Bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu, vốn đối tác nước ngoài, doanh nghiệp này tính toán cần phải vay tín dụng ngân hàng khoảng 8.000 tỷ đồng khi triển khai các dự án.

Bởi vậy, ông Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án xin vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%.

“Với bất động sản nói chung, tín dụng vẫn là ‘nguồn sữa’ chính cho các doanh nghiệp nên chúng tôi kính đề nghị về chính sách tín dụng cần có ‘dự lệnh’ trước khi ra ‘động lệnh’ để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp. Và về tổng thể xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất”, ông Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ.

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục