Sau giao dịch, số cổ phiếu HPX ông Hải nắm giữ giảm từ gần 57,9 triệu cổ phiếu còn hơn 54,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của ông Hải tại Hải Phát cũng giảm từ 19,03% còn 17,84% vốn điều lệ công ty, giao dịch được thực hiện ngày 11/1/2023.
Từ ngày 28/11/2022 đến nay, công ty chứng khoán đã bán giải chấp khoảng 61,5 triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của ông Hải. Hình minh họa |
Tạm tính theo thị giá đóng cửa cùng phiên của cổ phiếu HPX là 5.300 đồng/cp, lượng cổ phần trên có giá trị khoảng 19 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ ngày 28/11/2022 đến nay, công ty chứng khoán đã bán giải chấp khoảng 61,5 triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của ông Hải. Cùng thời gian này, công ty chứng khoán cũng bán giải chấp khoảng 10 triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của các thành viên khác trong gia đình ông Hải.
Đáng chú ý, ông Hải mới đây đã đăng ký bán thêm 8 triệu cổ phiếu HPX cũng với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 5/1 đến 3/2.
Được biết, từ ngày 27-28/12/2022, ông Đỗ Quý Hải đã bán ra 10 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 22,32% về còn 19,03% vốn điều lệ.
Liên tiếp động thái thoái vốn của ông Hải diễn ra khi thị giá HPX lình xình quanh vùng đáy. Chốt phiên 11/1, thị giá đạt 5.300 đồng/cp. So với thời điểm trước khi giảm mạnh vào đầu tháng 11, thị giá HPX đã “bốc hơi” gần 80%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay 6.200 tỷ đồng trong chưa 2 tháng, chỉ còn khoảng 1.600 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu HPX thời gian gần đây. Nguồn: TradingView |
Ở một diễn biến khác, bà Nguyễn Thị Lệ Dung, mẹ ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty vừa bán ra 1.216.600 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 1.216.677 cổ phiếu, tương ứng 0,4% vốn điều lệ về còn 77 cổ phiếu, giao dịch được thực hiện từ ngày 8/12/2022 đến ngày 6/1/2023.
Trong bối cảnh cơ cấu sở hữu liên tiếp có nhiều biến động, ngày 6/1, HPX đã công bố kế hoạch họp ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến tổ chức trong quý I.
Nội dung họp được HĐQT Hải Phát nêu ra là thông qua chủ trương thay đổi đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Chi tiết các tờ trình chưa được công ty công bố.
Tính tới 30/9/2022, Hải Phát đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 4.754,7 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng nguồn vốn và bằng 1,31 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 1.518,6 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.236,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.
Theo thuyết minh của Báo cáo tài chính quý III/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ 2.650,04 tỷ đồng dài hạn liên quan tới 8 lô trái phiếu.
Cụ thể, lô trị giá 449,82 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Navibank; lô 349,79 tỷ đồng được tư vấn bởi Navibank; lô 300 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 255,47 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán MB; lô 496,45 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 298,73 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam; lô 249,78 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Dầu khí; và lô 250 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Bảo Việt.
Khánh Vân
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|