Chủ tịch Đầu tư Hải Phát đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu HPX

(Banker.vn) Ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX) vừa đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu HPX với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.

Cụ thể, ông Đỗ Quý Hải đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu HPX, giao dịch dự kiến thực hiện theo phương pháp khớp lệnh/thỏa thuận từ ngày 27/12/2022 đến 24/1/2023. Nếu thoái bớt vốn thành công, tỷ lệ sở hữu của vị lãnh đạo này tại HPX sẽ giảm còn 19,6% vốn điều lệ.

Chủ tịch Đầu tư Hải Phát đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu HPX
Ông Đỗ Quý Hải đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu HPX.

Diễn biến ngược chiều, em trai ông Hải là ông Đỗ Quý Đường đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu HPX trong cùng khoảng thời gian và phương thức như trên, mục đích cũng là cơ cấu danh mục đầu tư. Nếu giao dịch thành công, ông Đường sẽ nâng sở hữu lên 10,5 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 3,46% vốn của Hải Phát. Không loại trừ khả năng số cổ phiếu trên sẽ được “sang tay” giữa Chủ tịch Hải Phát và em trai.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh gia đình Chủ tịch Hải Phát đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp một lượng lớn cổ phiếu. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, tổng số cổ phiếu bị bán giải chấp của gia đình ông Đỗ Quý Hải đã lên đến khoảng 65 triệu đơn vị, tương đương hơn 21% vốn điều lệ HPX.

Trên thị trường, từ ngày 4/11 đến ngày 21/12, cổ phiếu HPX giảm gần 80% từ 25.600 đồng/cp về 5.130 đồng/cp và nếu nhìn rộng ra từ ngày 26/11/2021 tới nay, cổ phiếu HPX đã giảm 87,2% từ 40.000 đồng/cp. Đến phiên sáng 22/12, cổ phiếu HPX tiếp tục giảm 2,34% xuống mức 5.000 đồng/cp. Tạm chiếu theo mức này, ước tính ông Hải sẽ thu về 50 tỷ đồng nếu bán hết lượng cổ phiếu đã đăng ký.

Biểu đồ giá cổ phiếu GEX thời gian qua.
Biểu đồ giá cổ phiếu HPX thời gian qua.

Đầu tư Hải Phát đang có dư nợ trái phiếu dài hạn lên tới 2.650,04 tỷ đồng

Tính tới 30/9/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 4.754,7 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng nguồn vốn và bằng 1,31 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 1.518,6 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.236,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Theo thuyết minh của Báo cáo tài chính quý III/2022, Đầu tư Hải Phát đang có tổng dư nợ 2.650,04 tỷ đồng dài hạn liên quan tới 8 lô trái phiếu.

Cụ thể, lô trị giá 449,82 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Navibank; lô 349,79 tỷ đồng được tư vấn bởi Navibank; lô 300 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 255,47 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán MB; lô 496,45 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 298,73 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam; lô 249,78 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Dầu khí; và lô 250 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Bảo Việt.

Về tình hình kinh doanh của Hải Phát, quý III/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 725,7 tỷ đồng, tăng gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 92,9 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Hải Phát đạt gần 1.308 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30%. Song, lợi nhuận sau thuế giảm 35% so với cùng kỳ, đạt hơn 123 tỷ đồng do chi phí tài chính lũy kế tăng cao.

Tính tới 30/9/2022, Hải Phát đang có tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 4.754,7 tỷ đồng, chiếm 46,2% tổng nguồn vốn và bằng 1,31 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 1.518,6 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.236,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục