Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tại đại hội, cổ đông đã đưa ra câu hỏi đối với lãnh đạo ngân hàng về hoạt động bán bảo hiểm trong thời gian tới khi Ngân hàng Nhà nước đang siết chặt kiểm soát dịch vụ này.
Chủ tịch HĐQT ABBank, ông Đào Mạnh Kháng. (Nguồn: ABBank). |
Phản hồi tới cổ đông, Chủ tịch ABBank Đào Mạnh Kháng cho biết, ABBank không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 có nguyên nhân đến từ việc phát sinh chi phí bồi thường cho đối tác bảo hiểm.
Theo đó, trong kế hoạch năm 2022 trình bày tại cuộc họp năm trước, ngân hàng đặt mục tiêu có phí trả trước từ đối tác bảo hiểm.
Song thực tế trong năm 2022, ngân hàng không lựa chọn được đối tác bảo hiểm để có nguồn thu trả trước, thậm chí còn phải trả phí bồi thường 223 tỷ đồng cho Tập đoàn FWD (FWD) để dừng hợp đồng độc quyền.
Vào năm 2016, ABBank đã ký thoả thuận hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền 15 năm với FWD khi FWD hoàn tất việc mua lại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern Việt Nam (Great Eastern Việt Nam).
Tuy nhiên vào cuối năm 2022, ABBank đã tìm được đối tác mới là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam).
Trước những lo ngại của cổ đông về những lùm xùm liên quan đến bảo hiểm sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2023, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước kiểm soát hoạt động bảo hiểm, chiến lược của ngân hàng trong năm 2023 là lấy khách hàng làm trọng tâm.
Ngân hàng mong muốn mang lại giải pháp cho khách hàng trên cơ sở hiểu nhu cầu khách hàng và không ép buộc khách hàng mua sản phẩm nếu họ không muốn mua.
Với những thay đổi về cơ cấu tổ chức, ngân hàng đang có khối mới là khối thúc đẩy bán và xây dựng công cụ mới có dữ liệu thông tin khách hàng nhằm đoán trước nhu cầu của khách hàng. Đội ngũ nhân viên chỉ tập trung vào khách hàng có nhu cầu để chào bán sản phẩm bảo hiểm.
"Hôm nay khách hàng ở vị trí khó khăn, chúng ta có thể ép khách hàng một lần nhưng lần sau khách hàng sẽ quay lưng lại với chúng ta. Chúng tôi không đợi lúc khách hàng khó khăn để ép khách hàng mua sản phẩm dịch vụ mà mong muốn mang lại giá trị cho khách hàng, từ đó ngân hàng sẽ phát triển bền vững," ông Kháng cho hay.
Lãnh đạo ABBank cũng cho rằng cần phải hiểu khách hàng và cung cấp giải pháp để phục vụ đúng nhu cầu thay vì chỉ bán những sản phẩm đại trà. Điều này khác so với quan niệm từ trước đến nay là bán sản phẩm đồng loạt, để cho khách hàng sử dụng những sản phẩm giống nhau.
Ngoài ra, việc NHNN cấm các ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm là rất đúng, nhằm gia tăng niềm tin cho thị trường và tránh việc ép mua bảo hiểm. Sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm rất tiên tiến cho thị trường, không mất đi được và sẽ là công cụ hữu hiệu để cung cấp giải pháp tài chính. Nhu cầu khách hàng với sản phẩm bảo hiểm sẽ ngày càng tăng.
Quang Huy
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|