Chủ sở hữu nhà xe Thành Bưởi: Doanh thu gần 500 tỷ đồng vẫn thua lỗ, hé lộ mối quan hệ với Giáo dục G Sài Gòn

(Banker.vn) Nhà xe Thành Bưởi do vợ chồng ông Lê Đức Thành gây dựng năm 2000, từ một đơn vị chuyên vận tải hành khách và hàng hóa, sau hơn hai thập kỷ phát triển, đã trở thành một doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực.
Chủ sở hữu nhà xe Thành Bưởi: Doanh thu gần 500 tỷ đồng vẫn thua lỗ, hé lộ mối quan hệ với Giáo dục G Sài Gòn
Nhà xe Thành Bưởi

Nhà xe Thành Bưởi làm ăn ra sao?

Thời gian gần đây, hãng xe Thành Bưởi đang là cái tên chiếm sóng trên các trang mạng xã hội. Sau vụ việc tài xế gây tai nạn thương tâm cách đây hơn 1 tháng, hãng xe này bị truy thêm sai phạm, dẫn tới phải tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, Phó giám đốc hãng xe Thành Bưởi cũng đã bị bắt.

Theo tìm hiểu, hãng xe này được sở hữu bởi Công ty TNHH Thành Bưởi - một doanh nghiệp có lịch sử hoạt động hơn hai chục năm. Công ty Thành Bưởi được thành lập tháng 3/2000, có trụ sở chính tại số 266 – 268 Lê Hồng Phong, phường 4, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Người sáng lập doanh nghiệp là ông Lê Đức Thành (sinh năm 1956), hiện đang giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, sau 24 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, tại thời điểm năm 2017, Công ty Thành Bưởi có vốn điều lệ là 80 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông gồm có hai cá nhân là ông Lê Đức Thành nắm 84,71% vốn điều lệ và ông Lê Khánh (con trai đầu ông Thành) nắm 15,29%.

Trong lần thay đổi gần nhất được tiến hành hồi năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận biến động về cổ đông. Theo đó, toàn bộ số cổ phần mà ông Lê Khánh nắm giữ được chuyển lại cho em trai là ông Lê Dương, cũng là con trai thứ của ông Thành. Riêng ông Thành vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.

Từ những chuyến xe do ông Thành làm tài xế, còn vợ là bà Bưởi làm lơ xe, vợ chồng người đàn ông này đã gây dựng nên một thương hiệu vận tải mang tên Thành Bưởi, phục vụ hàng ngàn tuyến xe trên phạm vi cả nước. Thành Bưởi được biết đến là nhà xe sở hữu hệ thống cơ sở vật chất lớn, cung cấp đầy đủ dịch vụ vận chuyển khách, vận chuyển hàng hoá. Đối với mảng vận chuyển hành khách, nhà xe hoạt động trên 3 tuyến chính là TP HCM - Đà Lạt, TP. HCM - Cần Thơ, Đà Lạt - Cần Thơ. Đối với mảng vận tải, Thành Bưởi có 4 loại xe, gồm xe tải đông lạnh, xe container, xe tải 2 tấn và xe tải 10 tấn.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn lấn sân sang các mảng kinh doanh khác như du lịch lữ hành nội địa, dịch vụ quảng cáo, chuyển tiền nhanh chóng, trồng - chế biến sản phẩm từ rừng.

Hệ sinh thái Thành Bưởi ngày nay còn được phát triển và mở rộng bởi những người con trai của ông Thành bà Bưởi.

Năm 2009, con trai đầu Lê Khánh đã thành lập Công ty TNHH Vận tải Lê Khánh, đặt trụ sở tại đường Trần Phú, phường 4, quận 5, TP HCM. Thời điểm đó, ông Lê Khánh giữ chức Chủ tịch HĐTV. Được biết, Vận tải Lê Khánh có vốn điều lệ là 7 tỷ đồng, trong đó ông Thành góp 60%, ông Khánh góp 40%.

Đến tháng 06/2020, khi doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Môi trường Thành Lê, chức vụ Chủ tịch HĐQT được chuyển cho ông Thành.

Hai năm sau đó, doanh nghiệp có tên gọi mới là Công ty TNHH Môi trường Du lịch Thành Lê. Lúc này, ông Khánh trở lại ghế Chủ tịch HĐTV, còn cổ phần công ty được chia lại theo tỷ lệ 60:40 cho ông Khánh và em trai là ông Lê Dương.

Song song với đó, ông Lê Dương cũng có hướng lập nghiệp riêng. Tháng 6/2022, con trai thứ của nhà sáng lập hãng xe Thành Bưởi mở Công ty TNHH TB Tech có trụ sở chính tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ngành nghề chính là cho thuê xe có động cơ. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 3 tỷ đồng, do ông Dương làm Giám đốc.

Ngoài ra, ông Dương còn đứng tên và làm Giám đốc Công ty CP Đầu tư Giáo dục & Đào tạo Sài Gòn, thành lập tháng 01/2022, trụ sở tại quận 10, TP Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục, có số vốn điều lệ là 16 tỷ đồng, do ông Lê Đức Thành góp 70%, hai cổ đông còn lại là bà Lê Thị Hồng Vân và ông Lê Dương mỗi người góp 15%.

Về tình hình kinh doanh, theo dữ liệu của Kinhtechungkhoan.vn, năm 2020 hãng xe này ghi nhận gần 500 tỷ đồng doanh thu. Sang năm 2021, giai đoạn cực kỳ khó khăn do Covid-19, doanh thu Thành Bưởi sụt giảm mạnh hơn 50% so với năm trước.

Tiếp đến năm 2022, khi việc di chuyển gần như đã được phục hồi hoàn toàn sau thời khoản thời gian dịch bệnh Covid 19, nhà xe Thành Bưởi ghi nhận doanh thu tăng 131%, lên mức gần 490 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn lỗ sau thuế tới 85 tỷ đồng, cao gấp 7 lần khoản lỗ của năm 2021.

Tính đến thời điểm cuối năm 2022, Thành Bưởi ghi nhận khoản vay nợ tài chính ngắn hạn trên 250 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong nhiều năm, Thành Bưởi cũng đã phát sinh nhiều giao dịch bảo đảm, thuê tài chính ở nhiều ngân hàng và công ty cho thuê tài chính nhằm vay hàng chục tỷ đồng để có vốn mở rộng đội ngũ xe ô tô, tài sản thế chấp hầu hết là xe ô tô khách, ô tô tải.

Mối quan hệ với Công ty CP Giáo dục G Sài Gòn (SSF: UPCoM)

Sau khi những sai phạm của Thành Bưởi được phát lộ, mối quan hệ giữa nhà xe này và Công ty CP Giáo dục G Sài Gòn cũng được quan tâm chú ý nhiều hơn.

Được biết, Giáo dục G Sài Gòn - chủ sở hữu khu "đất vàng" hơn 10.00m2 tại số 419 Lê Hồng Phong đã lấy đất công cho Thành Bưởi thuê làm bến xe và đón trả khách với hợp đồng có thời hạn 5 năm. Đáng nói, hoạt động này đã vi phạm quy hoạch sử dụng đất (đất công nghiệp sạch, không quy hoạch bến bãi vận tải) và từng bị cơ quan chức năng Quận 10 yêu cầu chấm dứt từ năm 2016. Tuy nhiên, để trá hình, Công ty Giày Sài Gòn hủy hợp đồng cho thuê và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Thành Bưởi thời hạn từ ngày 1/7/2016 đến 30/6/2021 và thu tiền thuê nhà xưởng hàng tháng.

Và đến nay, sau hơn 2 năm kể từ khi TP Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi, Giáo dục G Sài Gòn vẫn chưa trả lại khu đất nói trên. Hiện Thanh tra sở Tài nguyên môi trường đã trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất đối với khu đất vàng này.

Đáng chú ý, Thành Bưởi cũng đang tăng cường hiện diện tại Giáo dục G Sài Gòn. Theo tìm hiểu, trong đợt chào bán cổ phần tới đây của Giáo dục G Sài Gòn, ông Lê Dương, con trai thứ của nhà sáng lập Thành Bưởi là 1 trong 3 cổ đông chiến lược cho đợt chào bán 6,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ phát hành 215%. Ông Dương cũg là cổ đông tham gia nhiều nhất với khối lượng mua lên đến 2,8 triệu cổ phiếu, trong khi 2 cá nhân còn lại là ông Nguyễn Thành Sơn và bà Nguyễn Thị Mai chỉ mua 2 triệu cổ phiếu mỗi người.

Cần biết, mục đích phát hành cổ phiếu của Giáo dục G Sài Gòn là nhằm trả nợ. Giáo dục G Sài Gòn cho hay, trong giai đoạn khó khăn nhất, doanh nghiệp này đã vay của ông Lê Đức Thành (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi) số tiền 9 tỷ đồng và đang còn nợ 3 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp cần khoản tài chính để thanh toán nợ cho ông Thành và một cá nhân khác với số tiền 20 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Giầy Sài Gòn tiền thân là Nhà máy Giày Bata của Pháp, được thành lập năm 1950. Doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Giày Sài Gòn năm 1994 và cổ phần hóa năm 2004. Mới đây vào 7/7/2023, Công ty lại đổi tên thành Giáo dục G Sài Gòn để phù hợp với chiến lược mới. Cần nhấn mạnh, giáo dục cũng là một trong số những lĩnh vực trong hệ sinh thái Thành Bưởi hiện nay.

Bên cạnh đó, tại báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015 Giáo dục G Sài Gòn có thể thấy khoản phải thu ngắn hạn từ Thành Bưởi là 323 triệu đồng, nhưng đến cuối năm 2022 khoản mục này đã ghi nhận lên đến mức 2,4 tỷ đồng.

Chủ sở hữu nhà xe Thành Bưởi: Doanh thu gần 500 tỷ đồng vẫn thua lỗ, hé lộ mối quan hệ với Giáo dục G Sài Gòn
Khoản phải thu ngắn hạn từ Thành Bưởi tại thời điểm cuối năm 2022 là 2,4 tỷ đồng

Ngoài ra, tại báo cáo tài chính đã soát xét năm 2022, Giáo dục G Sài Gòn cũng có khoản phải trả hơn 2 tỷ đồng đối với ông Lê Đức Thành và hơn 1 tỷ đồng đối với công ty Thành Bưởi tính vào thời điểm cuối năm ngoái.

Chủ sở hữu nhà xe Thành Bưởi: Doanh thu gần 500 tỷ đồng vẫn thua lỗ, hé lộ mối quan hệ với Giáo dục G Sài Gòn
Khoản phải trả khác của Giáo dục G Sài Gòn

Chưa kể, Giáo dục G Sài Gòn còn có khoản vay nợ thuê tài chính với cá nhân ông Lê Đức Thành với dư nợ đến hết năm 2022 là 5 tỷ đồng. Trong đó, hợp đồng vay ban đầu 3 tỷ đồng được thế chấp bằng quyền mua lại cổ phiếu quỹ của công ty khi công ty có nhu cầu bán ra. Hợp đồng 2 tỷ sau đó là vay tín chấp.

Chủ sở hữu nhà xe Thành Bưởi: Doanh thu gần 500 tỷ đồng vẫn thua lỗ, hé lộ mối quan hệ với Giáo dục G Sài Gòn
Tình hình kinh doanh của SSF trong những năm qua

Về tình hình kinh doanh của Giáo dục G Sài Gòn, công ty chỉ báo lãi đúng 3 năm đầu lên sàn, sau đó liên tục thua lỗ, mà đỉnh điểm là khoản lỗ 28 tỷ đồng năm 2016, ngay sau khi SCIC thoái vốn.

Một doanh nghiệp lọc hóa dầu sắp chi gần 2.200 tỷ đồng trả cổ tức năm 2022

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vừa phát đi thông báo, vào 23/8 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối ...

BSR có định hướng niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã đề ra kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu ...

Xung đột Israel - Hamas đẩy giá dầu thô tăng lên, nhóm cổ phiếu "nhà P" kỳ vọng hưởng lợi

Bên cạnh xung đột Nga - Ukraine kéo dài từ năm 2022 đến nay, cuộc xung đột địa chính trị giữa Israel và nhóm vũ ...

Lợi nhuận của Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sẽ được cải thiện khi Crack spread tăng mạnh

Hoạt động kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn dự kiến sẽ thuận lợi hơn trong nửa cuối năm nay khi mức crack spread ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán