Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp: Thi vào lớp 10 hiện nay còn khó hơn thi đại học

(Banker.vn) Thực trạng áp lực đối với học sinh khi vào lớp 10 ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh diễn ra nhiều năm. Thậm chí, thi vào lớp 10 hiện nay còn khó hơn thi vào đại học.
Phụ huynh, học sinh lưu ý tỷ lệ "chọi" thi vào lớp 10 tại Hà Nội Thời gian Hà Nội và các tỉnh công bố điểm thi vào lớp 10 Tuyển sinh vào lớp 10: Phụ huynh “hớt hải” tìm trường ngoài công lập nộp hồ sơ

Ngày 12/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023.

Phát biểu tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội phản ánh, thực trạng phụ huynh xếp hàng “thâu đêm” để xin nộp hồ sơ cho con học lớp 10 gây băn khăn, lo lắng trong dư luận.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp: Thi vào lớp 10 hiện nay còn khó hơn thi đại học
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Theo bà Lê Thị Nga, thực trạng áp lực đối với học sinh khi vào lớp 10 ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là thực trạng trong nhiều năm. Có thể ví thi vào lớp 10 hiện nay còn khó hơn cả thi vào đại học.

“Đề nghị Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cần vào cuộc. Có phải chúng ta thiếu trầm trọng trường công cấp 3 không? Thực tế này giải quyết thế nào? Do đó, cần bổ sung vấn đề trên vào Báo cáo công tác Dân nguyện” - bà Lê Thị Nga nói.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay tỷ lệ số lượng trường THPT thấp hơn so với các trường THCS và Tiểu học.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, tỷ lệ học sinh vào THPT được giải quyết bằng điểm thi, phân luồng. Ai điểm thi cao thì có quyền vào trường công, còn thấp hơn thì vào các trường khác là các trường tư thục do cá nhân đầu tư, giáo dục thường xuyên, hoặc học nghề.

Trong khi đó, nhu cầu của phụ huynh và học sinh là muốn vào cấp 3 công lập nên tìm mọi cách để cho con vào trường công lập cấp 3 do chi phí thấp hơn nhiều so với trường tư thục. “Đây là nhu cầu học rất chính đáng của học sinh và phụ huynh nên cần nghiên cứu giải quyết vấn đề này” - ông Vinh nêu vấn đề.

Ông Vinh cho hay, ở Hà Nội hàng năm đầu tư cho xây, phát triển trường học rất lớn. Nhưng bên cạnh việc đầu tư phát triển xây mới thêm trường, việc cải tạo làm lại cũng rất nhiều, tức là nâng cấp, nâng cao chất lượng. Vì vậy, kinh phí bị san sẻ. Do đó, phần phát triển mới cũng chưa hết tiềm năng.

Chưa kể cần có quỹ đất xây thêm trường mới. Bên cạnh đó, xây thêm trường mới còn liên quan đến vấn đề giáo viên, tăng thêm phòng học, lớp học sẽ phải bố trí thêm giáo viên. Trong khi hiện biên chế giáo viên đang khống chế, thậm chí điều tiết giảm. Từ đó, dẫn đến việc phát triển thêm trường lớp không đơn giản.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê dân số có 9,2 triệu người. Nhưng thực tế ước tính gồm cả vãng lai khoảng 14 triệu người. Như vậy, chênh 5 triệu người. Do đó, nếu không thống kê chính xác sẽ gây khó khăn trong việc thiết kế chính sách, hay đưa ra chính sách phù hợp. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh bị thiếu gần 7.000 phòng học là như vậy.

Để giải quyết, theo ông Vinh cần các giải pháp rất tổng thể. Chính phủ, các địa phương phải tính toán cẩn thận. “Không đơn giản bỏ nhiều tiền ra là được, đi kèm với đó phải tính phân bổ giáo viên. Dân số tăng ít nhưng chuyện thừa thiếu là do cục bộ, dân dịch chuyển từ nông thôn lên các địa phương. Số giáo viên tại các địa phương giảm nhưng tại các đô thị lớn tập trung dân nhiều lại thiếu giáo viên" - ông Vinh nói, đồng thời cho biết, thời gian tới, Uỷ ban sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ về vấn đề này và cần thời gian để giải quyết.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương