Chủ hộ kinh doanh cá thể: Sẽ là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bền vững

(Banker.vn) Chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ nhóm tham gia bảo hiểm xã hội ở mức đóng cao và bền vững, góp phần cho tính ổn định của hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
BHXH Việt Nam lên tiếng về hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của chủ hộ kinh doanh cá thể Doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội mang tính chất “luân phiên”

Trong báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có giải trình chính thức vấn đề thu bảo hiểm xã hội trái luật đối với chủ hộ kinh doanh tại nhiều bảo hiểm xã hội địa phương.

Chủ hộ kinh doanh cá thể: Sẽ là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bền vững

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh là không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ tháng 1/2003 tới tháng 12/2021, cơ quan bảo hiểm xã hội nhiều địa phương đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với những trường hợp này. Tại thời điểm tháng 9/2016 đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ, đặc biệt có nhiều trường hợp đã đóng bảo hiểm xã hội được gần 20 năm.

Liên quan đến 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2003 đến năm 2016 đang được đông đảo cử tri quan tâm, ngày 6/6, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu: Về bản chất và đạo lý thì không có gì sai nhưng quy định pháp luật thì phải có hợp đồng giao kết mới tham gia bảo hiểm xã hội.

Trong khi, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhân viên của họ do có giao kết hợp đồng thì được nộp nhưng với chủ hộ kinh doanh cá thể không có hợp đồng lao động nên không được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Về bản chất, chủ hộ kinh doanh là người lao động nên việc tham gia bảo hiểm xã hội thì chấp nhận được nhưng pháp luật không quy định.

Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong quá trình sửa Luật Bảo hiểm Xã hội tới đây cần nghiên cứu cho phép chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vì họ là vừa là người lao động, vừa là người có thu nhập”- ông Phớc nhấn mạnh.

Trước đó, thảo luận tại Hội trường ngày 31/5, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, về chủ hộ kinh doanh cá thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như: Khi triển khai thực hiện Nghị định số 01 (năm 2003) của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ bảo hiểm xã hội do nhận thức chưa đầy đủ và áp lực của việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, nên một số tỉnh, thành đã thực hiện thu bảo hiểm xã hội bắt buộc và giải quyết chính sách đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, số đông chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, chủ hộ vừa là chủ sử dụng lao động, vừa là người lao động, nên nhu cầu tham gia để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như người lao động là chính đáng.

Mặt khác, thời gian này chưa có chính sách cho người tham gia bảo hiểm xã hộ tự nguyện, nên việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội của chủ hộ cũng không phải thuộc điều cấm của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia đóng bảo hiểm xã hội - về bản chất là tích cực góp phần tăng thêm diện bao phủ bảo hiểm xã hội, phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, đến thời điểm hiện nay, các quy định liên quan chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, mới nảy sinh câu chuyện trên. Nói cách khác, thực tiễn luôn vận động phát triển nhưng khung thể chế chưa theo kịp, nên mới dẫn đến sự việc này. Như vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý cho phù hợp để đảm bảo lợi ích của người dân.

Hiện nay, toàn quốc có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khi các quy định pháp lý được sửa đổi thì đây sẽ là nhóm đối tượng rất lớn, tăng thêm diện bao phủ bảo hiểm xã hội phù hợp với định hướng bảo hiểm xã hội đa tầng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đây cũng sẽ là nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế, có thể tham gia bảo hiểm xã hội ở mức đóng cao và bền vững, góp phần cho tính ổn định của hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Vì vậy, vấn đề của hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể trong tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay, tuy chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc nhưng rất cần có sự đánh giá, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan trong thời gian tới.

Về việc hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể bị thu bảo hiểm xã hội trái luật, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - Nguyễn Thế Mạnh cũng đã cho biết, trước mắt cơ quan này vừa đề xuất Quốc hội cho phép giải quyết quyền lợi với chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; cho phép họ được hưởng các quyền lợi như những người đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khác. Về dài hạn, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với các bộ ngành thống nhất đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, quy định mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể, quyền lợi người lao động tham gia, trong đó có chủ hộ kinh doanh sẽ được đảm bảo tốt nhất theo nguyên tắc đóng - hưởng.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục