Chủ dự án 'đình đám' Aqua City của Novaland báo lỗ nặng, nợ phải trả vượt ngưỡng nửa tỷ USD

(Banker.vn) Thời điểm cuối năm 2022, cấu trúc tài chính của Công ty TNHH Thành phố Aqua có phần nghiêng về hướng thiếu tích cực, khi vốn chủ sở hữu giảm từ 1.625 tỷ đồng xuống 1.489 tỷ đồng (bị 'mài mòn' bởi khoản lỗ), đồng thời, nợ phải trả tăng thêm khoảng gần 2.000 tỷ đồng và vượt ngưỡng 500 triệu USD (gần 12.000 tỷ đồng).
Chủ dự án 'đình đám' Aqua City của Novaland báo lỗ nặng, nợ phải trả vượt ngưỡng nửa tỷ USD
Phối cảnh dự án Aqua City quy mô 112ha tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Trong một báo cáo mới gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Thành phố Aqua - đơn vị thành viên của Novaland và được biết đến rộng rãi là chủ đầu tư dự án quy mô "khủng" Aqua City (Đồng Nai), đã công bố tình hình tài chính không mấy "khỏe mạnh" của mình.

Theo đó, kết thúc năm 2022, "sếu đầu đàn" của Novaland ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 135 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn năm trước đó khi báo lãi hơn 730 tỷ đồng. Đối với kết quả kinh doanh, chủ dự án Aqua City chỉ đăng tải lượng thông tin ít ỏi về lợi nhuận, còn các chỉ tiêu khác như doanh thu thuần - tài chính, hay nhóm chi phí liên quan đều được giữ kín.

Tiếp đó, cùng thời điểm cuối năm 2022, cấu trúc tài chính của Thành phố Aqua có phần nghiêng về hướng thiếu tích cực, khi vốn chủ sở hữu giảm từ 1.625 tỷ đồng xuống 1.489 tỷ đồng (bị 'mài mòn' bởi khoản lỗ trên). Đồng thời, nợ phải trả tăng thêm khoảng gần 2.000 tỷ đồng và vượt ngưỡng 500 triệu USD (gần 12.000 tỷ đồng).

Điểm sáng là dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp được giảm bớt, từ gần 4.600 tỷ đồng còn xấp xỉ 3.000 tỷ đồng sau một năm hoạt động. Trên thực tế, trong tháng cuối năm 2022, Thành phố Aqua đã thực hiện 2 đợt mua lại trái phiếu trước hạn, với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng (lô trái phiếu TPACH2123003 và TPACH2123004).

Cũng trong năm qua, chủ đầu tư dự án Aqua City đã có 30 đợt thanh toán lãi và gốc cho 9 lô trái phiếu. Theo đó, tổng số tiền lãi đã trả khoảng 416.5 tỷ đồng, số tiền gốc trái phiếu hoàn tất thanh toán là 1.600 tỷ đồng.

Nhìn chung, áp lực tài chính đang đè nặng lên Thành phố Aqua trong bối cảnh doanh nghiệp rơi vào giai đoạn đầy sóng gió. Thời gian qua, dự án Aqua City (quy mô 112 ha, tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vấp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc, gây tác động lớn lên hoạt động của tập đoàn mẹ.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland từng nhiều lần kiến nghị lên Chính phủ: "Aqua City là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện nay. Nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng".

Sau đó, Aqua City đã được Tổ công tác của Thủ tướng chọn là nơi thí điểm tháo gỡ khó khăn.

Theo tìm hiểu, hiện toàn bộ các khoản lợi thu được từ dự án Aqua City được thế chấp tại MBBank - Chi nhánh Bắc Sài Gòn từ năm 2020. Ngoài ra, Thành phố Aqua còn thế chấp toàn bộ các quyền lợi, lợi ích phát sinh từ 99,99% vốn Công ty TNHH Bất động sản Phúc Hoa (trị giá gần 4.300 tỷ đồng) và gần toàn bộ vốn Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Green Land (giá trị gần 2.860 tỷ đồng) do doanh nghiệp sở hữu.

Tại Đồng Nai, Novaland và các thành viên cũng đang là chủ đầu tư của loạt dự án khác, chủ yếu là các dự án thành phần của dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (gồm 3 dự án thành phần: Khu dân cư Long Hưng; Khu đô thị Đồng Nai WaterFront; Khu đô thị Aqua City) và dự án Khu đô thị Dịch vụ Thương mại cao cấp Cù lao Phước Hưng.

Về tình hình làm ăn của Novaland, theo số liệu quý I/2023 vừa công bố, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hơn 600 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau trừ các khoản chi phí, Novaland báo lỗ sau thuế hơn 377 tỷ đồng, là lần đầu lỗ theo quý kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2016.

Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Novaland đạt hơn 256.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp đang có gần 5.500 tỷ đồng tiền và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn; hàng tồn kho ghi nhận gần 136.905 tỷ đồng - tăng so với cùng kỳ và tăng so với quý liền trước (91% hàng tồn kho của Novaland - tương đương 125.107 tỷ là giá trị quỹ đất và dự án đang xây dựng,...).

Nợ phải trả của Novaland giảm 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ về còn gần 211.800 tỷ (gấp gần 4,8 tỷ đồng vốn chủ sở hữu), trong đó 62.740 tỷ là nợ vay.

Novaland hiện ghi nhận 23 lô trái phiếu ngắn hạn với tổng dư nợ 20.924 tỷ đồng (Chứng khoán VPS là chủ nợ lớn nhất với 7.000 tỷ đồng); các công ty Chứng khoán MBS, Chứng khoán Dầu khí, Chứng khoán BIDV cũng là chủ nợ lớn khi góp mặt ở hàng loạt lô trái phiếu Novaland.

Novaland cũng đang có 15 lô trái phiếu dài hạn (tổng dư nợ gần 23.000 tỷ đồng) trong đó Credit Suisse AG - Chi nhánh Singapore là chủ nợ lớn nhất với 7.056 tỷ đồng; SSI với 5.774 tỷ đồng tại 2 lô trái phiếu; MBS với 5.330 tỷ đồng (tại 7 lô trái phiếu).

Trước đó ít ngày, Novaland cho đang tiến hành đàm phán với các chủ nợ để tiến hành gia hạn hoặc sẽ thanh toán một phần số nợ vay và phát hành trái phiếu bằng cách thanh lý một số tài sản thuộc sở hữu của bên liên quan.

Hai cổ đông lớn Novaland đăng ký bán 88 triệu cổ phiếu NVL

Trên thị trường chứng khoán, thị giá NVL từ đầu năm 2023 đến nay vẫn đang duy trì quanh mốc 14.000 đồng/cổ phiếu và chưa ...

Thị trường chứng khoán ngày 5/5/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Cổ phiếu vốn hóa lớn "nặng gánh", VN-Index lùi sâu; Phó Tổng Giám đốc ACL muốn thoái toàn bộ gần 5%; Chứng khoán Quốc Gia ...

NovaGroup tiếp tục bị CTCK bán giải chấp cổ phiếu NVL

Trong một tháng qua (từ ngày 27/3), NovaGroup đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp tổng cộng khoảng 5,8 triệu cổ phiếu NVL, ...

Thanh Phong

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán