Chủ động bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trước hàng rào phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ

(Banker.vn) Xuất khẩu tăng trưởng nhanh, vì vậy hàng hoá Việt Nam đang đối diện với các thách thức khi thị trường Hoa Kỳ gia tăng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại dây cáp nhôm Việt Nam Cảnh báo sớm, giảm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp

Hệ quả tất yếu khi xuất khẩu tăng trưởng nhanh

Trong danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại tính đến tháng 6/2023 được Bộ Công Thương công bố mới đây cho thấy, nhiều sản phẩm như gỗ dán, ghế sofa, pin mặt trời, đá nhân tạo bằng thạch anh... của Việt Nam đang nằm trong diện cảnh báo nguy cơ bị Hoa Kỳ điều tra phòng vệ thương mại khi xuất khẩu vào thị trường này.

Chủ động bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trước hàng rào phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ
(Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tính đến tháng 9/2023, Hoa Kỳ là quốc gia đứng thứ nhất về số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với 57 vụ việc, chiếm khoảng 24% tổng số các vụ việc.

Đáng chú ý, Hoa Kỳ đã sử dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam, trong đó ngoài các vụ điều tra chống bán phá giá, Hoa Kỳ còn gia tăng số lượng các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Riêng trong năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng 11 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng số vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với Việt Nam từ trước tới nay.

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Hoa Kỳ hiện là một trong các quốc gia tích cực sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Vì thế, việc hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ là một hệ quả tất yếu khi xuất khẩu hàng hoá của ta tăng trưởng nhanh, trong đó có một số mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn và ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Đánh giá về việc Hoa Kỳ gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam, nhất là các vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, ngoài xuất khẩu tăng trưởng, nhiều hàng hoá của các quốc gia khác thường “mượn đường” Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, vì thế doanh nghiệp Việt Nam thường bị oan, vạ lây và bị đưa vào "danh sách đen". Nhất là khi Việt Nam xuất khẩu mạnh, đột ngột một mặt hàng nào đó, Hoa Kỳ sẽ nâng mức cảnh báo.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nên các nước càng có nhiều động lực để gia tăng sức ép đối với hàng hoá nhập khẩu thông qua việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại. Đối với thị trường Hoa Kỳ, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhìn nhận, trên tế trên cho thấy, ở thị trường Hoa Kỳ kiện phòng vệ thương mại luôn hiện hữu, đặc biệt đối với những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu tăng trưởng mạnh vào thị trường này.

Nhấn mạnh về nguy cơ, thiệt hại từ các vụ điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khuyến cáo, nếu Việt Nam nằm trong "danh sách đen" điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, từ đó các thị trường như EU, Nhật Bản cũng đưa vào danh sách điều tra phòng vệ thương mại. "Từ đó tạo ra hệ quả chồng chất khi chúng ta bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế rất cao. Vì thế, Chính phủ và các doanh nghiệp phải hết sức chú ý vấn đề này"- ông Phong nhấn mạnh.

Tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng

Ông Chu Thắng Trung cho biết, các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ luôn được tiến hành chặt chẽ, đòi hỏi cung cấp thông tin trả lời từ các doanh nghiệp một cách nghiêm ngặt. Vì vậy, đây cũng là nguy cơ nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ, qua đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trước các khó khăn đặt ra từ hàng rào phòng vệ thương mại của thị trường, ông Chu Thắng Trung cho biết, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác cảnh báo, hỗ trợ nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để đáp ứng các tiêu chuẩn cũng như hạn chế các nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, tránh cạnh tranh bằng giá. Đặc biệt, cần xem xét mặt hàng có nguy cơ gặp rủi ro về phòng vệ thương mại để có sự ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Lưy ý thêm với doanh nghiệp, ông Chu Thắng Trung cho hay, liên quan đến mặt hàng Hoa Kỳ đang tiến hành điều tra phòng vệ thương mại với nước thứ ba dù tạo cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước nhưng đồng thời doanh nghiệp phải nhận thức rõ rằng, khi lượng xuất khẩu tăng thì rủi ro sẽ xảy ra đó là chúng ta rất dễ trở thành đối tượng tiếp theo bị điều tra phòng vệ thương mại. “Cứ sau độ trễ 2,3 năm khi một mặt hàng tương tự của nước khác bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì hàng hoá Việt Nam cũng có có thể là đối tượng tiếp theo bị thị trường Hoa Kỳ điều tra phòng vệ thương mại”- ông Trung cho hay.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần xác định, phòng vệ thương mại là hoạt động thông thường trong thương mại quốc tế, nên khi bị điều tra doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực theo đuổi vụ việc để chứng minh hàng hoá chúng ta cạnh tranh công bằng và từ đó có thể tiếp tục duy trì xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. "Đơn cử như nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra, basa lớn của Việt Nam đã nỗ lực minh chứng đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nên vẫn duy trì được mức thuế chống bán phá giá 0.00 USD/kg qua các kỳ rà soát để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường lớn như Hoa Kỳ"- ông Trung nói.

Trong xu thế nhiều quốc gia xem phòng vệ thương mại là “phanh” hãm hiệu quả đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, doanh nghiệp Việt Nam phải phải sẵn sàng chuẩn bị các biện pháp bảo vệ mình khi ra thương trường. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, bất kỳ một vụ kiện phòng vệ thương mại nào cũng rất khó khăn, nên rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan có thẩm quyền như Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hay các hỗ trợ từ hiệp hội, VCCI…

Đồng quan điểm, thời gian tới, cùng với doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu kiến nghị, Bộ Công Thương cần bám sát được lộ trình của các nước có các FTA với Việt Nam để nắm bắt được các yêu cầu về xuất khẩu, qua đó nhằm giảm thiểu tranh chấp phòng vệ thương mại. Trong đó, nên công bố sớm các thông tin về nguy cơ các vụ điều tra phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp để họ có sự chủ động ứng phó. Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, cơ quan quản lý cần xây dựng các quy định về sản xuất, xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế để doanh nghiệp trong nước áp dụng và buộc phải áp dụng, tuân thủ qua đó có thể tránh được các tranh chấp thương mại, các nguy cơ thiệt hại từ hàng rào phòng vệ thương mại khi doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương