Chủ doanh nghiệp mất, nợ ngân hàng giải quyết thế nào?

(Banker.vn) Chủ doanh nghiệp đã mất trong quá trình giải quyết nợ xấu, cùng với đó, bên mua tài sản bảo đảm không thanh toán đầy đủ giá trị hợp đồng khiến việc xử lý khoản nợ ngân hàng bị kéo dài…

Năm 2014, Ngân hàng B. và Công ty TNHH Lương thực Vạn Lộc ký hợp đồng tín dụng, theo đó, Công ty Vạn Lộc vay ngân hàng số tiền 24,7 tỷ đồng trong thời hạn 60 tháng để đầu tư thực hiện dự án mua bán, nâng cấp và xây dựng nhà máy sấy khô, bảo quản chế biến lúa.

Để đảm bảo khoản vay, Công ty Vạn Lộc thế chấp gồm 4.500m2 tại An Giang và tài sản gắn liền với đất là nhà kho chuyên dùng và toàn bộ máy móc thiết bị như hệ thống sấy, bóc vỏ, hệ thống lau bóng, tách màu. Quá trình thực hiện hợp đồng, công ty đã trả vốn lãi nhưng không đầy đủ.

Quá trình xử lý nợ, Ngân hàng B. (bên nhận thế chấp) đồng ý để Công ty Vạn Lộc (bên thế chấp) chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho Công ty cổ phần Lương thực Châu Phú, giá trị thỏa thuận là 40 tỷ đồng, thời hạn thanh toán là 45 ngày kể từ ngày 19/9/2017. Ngay sau khi ký hợp đồng, Công ty Vạn Lộc đã bàn giao tài sản cho Công ty Châu Phú để khai thác, sử dụng được 2 tháng thì Ngân hàng B. tự tiếp quản tài sản, trong khi Công ty Châu Phú chỉ thanh toán được 4,5 tỷ đồng rồi ngưng cho đến nay.

Do đó, ngân hàng khởi kiện yêu cầu Công ty Vạn Lộc trả số tiền gốc và lãi, đồng thời yêu cầu duy trì hợp đồng thế chấp để đảm bảo thi hành án.

Được biết, Công ty Vạn Lộc có 2 thành viên là vợ chồng ông Nguyễn Văn D. và bà Bùi Kim L. Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc ông Nguyễn Văn D. đã mất. Doanh nghiệp cũng đã chấm dứt hoạt động từ lâu nhưng chưa xóa đăng ký kinh doanh. Bà Bùi Kim L. được triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của Công ty Vạn Lộc.

Tại phiên tòa, bà L. cho rằng trong quá trình xử lý nợ, ngân hàng B. đã tiếp quản tài sản, Công ty Châu Phú chỉ thanh toán được 4,5 tỷ đồng rồi ngưng đến nay là do lỗi Công ty Châu Phú không phải là lỗi của Công ty. Bà L. yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nói trên

Tại phiên tòa, người đại diện cho Công ty Châu Phú trình bày chờ bán tài sản khác mới có tiền thương lượng mua lại Công ty Vạn Lộc và hẹn trong thời hạn 1 tháng.

Tòa án cho rằng theo hợp đồng tín dụng thì Công ty Vạn Lộc có trách nhiệm trả nợ gốc và lãi. Việc hợp đồng chuyển nhượng không thực hiện xong là lỗi của Công ty Châu Phú, không phải là lỗi của ngân hàng. Đối với đề nghị của Công ty Châu Phú hẹn 1 tháng để thu xếp tiền, phía ngân hàng không đồng ý. Phía bị đơn đã nhiều lần đề nghị hoãn phiên tòa với nhiều lý do khác nhau nên vụ án đã kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của phía nguyên đơn. Do đó, Tòa án tuyên buộc Công ty Vạn Lộc có trách nhiệm trả số nợ gốc và lãi là 33,2 tỷ đồng và được quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mãi tài sản thế chấp  để thu hồi nợ nếu Công ty Vạn Lộc không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ.  

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục