- Đi thôi con, muộn rồi!
Thằng bé gật đầu rồi nhanh nhảu trèo lên xe máy. Chiếc xe xé màn sương đi vào con đường đèo hun hút. Mặt đường mấp mô, dưới là vực sâu, trên cheo leo vách, sương xuống lạnh buốt mặt.
|
Đã tròn một năm rồi, Kiệt lên ở trên đơn vị. Hùng vẫn nhớ như in cái ngày anh theo các anh em đi tặng quà Tết những gia đình trong các bản lân cận đơn vị đóng quân.
- Nhà cụ Giang ở trên sườn Mác Lịch. Cán bộ mà leo đến đó cũng tối mất đường lô! Mình quay lại thôi.
Bà lão vội vã lùa đàn trâu xuống đồi bảo thế. Minh đi cùng từ trưa đến giờ xem chừng cũng thấm mệt, gợi ý:
- Hay để mai đi anh Hùng ơi. Đường sá vừa mưa xong. Em oải lắm rồi.
Hùng quả quyết.
- Đến được đây rồi thì lên xem nhà cụ thế nào. Mai còn chuyển hướng sang bản khác. Chú yên tâm, chốc để anh đèo cho.
Ấy mà, con xe máy không bò được lên con dốc đất đỏ ấy. Nó cứ đảo bánh xoay ngang chực hất người xuống đường. Mồ hôi vã ra như tắm, Hùng vác phần quà lên vai, Minh vác nửa tải gạo, quyết định bỏ xe máy để dưới chân đồi, phăm phăm leo dốc. Căn nhà gỗ ọp ẹp bám vào sườn đồi, leo lét ánh đèn. Con chó thấy tiếng động ra đầu sân nghếch mõm lên sủa. Một cụ già lưng đã còng, mặc chiếc áo bông trần màu tro ra nheo nheo mắt ngó xuống. Hùng vội lên tiếng:
- Con là bộ đội biên phòng lên thăm nhà mình đây, cụ Giang đuổi chó cho con với.
Cụ già cười móm mém đáp lời:
- Sớm sủa chả đi. Giờ các anh đến thế này thì vất vả quá. Bà ơi, pha nước chè, nhà có khách.
Cẩn thận đặt thùng quà và nửa tải gạo lên tấm ván kê gần cửa, Hùng và Minh ngồi xuống bàn uống nước. Hai cụ già thì thào với nhau chuyện dọn cơm. Hùng biết ý bèn bảo:
- Cháu xin thưa với hai bác, đơn vị cử chúng cháu đi tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong bản. Mưa dầm, đường xa, tối mới đến đây được, mong hai bác thông cảm. Chúng cháu xin phép uống chén nước và trở về đơn vị báo cáo cho kịp ạ.
Cụ Giang bối rối:
- Cảm ơn hai chú bộ đội. Nhưng nhà tôi cũng chuẩn bị dọn mâm, có gì ăn nấy nhé các chú. Nhà tôi là thế đấy.
Minh đỡ lời và mời hai ông bà ngồi xuống nói chuyện. Hùng trông căn nhà đơn sơ không có vật gì đáng giá, thấy có ai đứng nấp sau tấm phên làm cửa bếp từ nãy giờ liền hỏi cụ Giang:
- Bác ơi, đấy là ai ạ?
Cụ cười, đến kéo thằng bé con đứng thập thò từ nãy. Nó nấp sau lưng ông, không dám ló mặt ra nhìn. Hùng chỉ thấy đôi dép tổ ong vá chằng vá chịt:
- Nó là cháu nội tôi, tên là Kiệt. Bố nó nghiện thuốc phiện, đi tù rồi chết năm kia. Mẹ nó sang huyện khác làm lẽ người ta từ năm ngoái đến giờ chả có tin gì. Khổ thế đấy hai chú ạ!
Hùng hỏi:
- Cháu học lớp mấy rồi, bác?
- Hai ông bà tôi... không có tiền cho nó đi học. Mà nhà thì xa trường quá. Phải ở bán trú cơ, các chú ơi.
Cụ bà nghèn nghẹn. Thấy chồng nhìn, bà lặng lẽ dắt cháu vào bếp thổi lửa chuẩn bị bữa tối. Hùng ra hiệu cho Minh, hai anh em xin phép ra về. Hai cụ nhiệt tình giữ khách ở lại, Hùng nhanh nhẹn trả lời:
- Vài hôm nữa, cháu lại đến gặp hai bác có việc quan trọng. Cháu sẽ ở lại ăn cơm.
Cụ Giang cười móm mém:
- Nhớ đấy nhé! Bộ đội không giữ lời hứa là không được đâu.
Vật lộn với con đường trơn trượt hơn hai tiếng đồng hồ, Hùng và Minh mới về đến đơn vị. Đêm hôm ấy, Hùng trằn trọc. Đôi dép tổ ong đổi màu, vá chằng chịt và đôi bàn chân tím ngắt đứng run sau lưng ông nội của thằng bé cứ hiện lên trong đầu anh. Anh nhớ đến những ngày mình còn nhỏ, mơ mẹ về mua cho đôi dép quai để theo chúng bạn đến trường. Nhưng mẹ anh mất sớm. Cha anh là người thực hiện ước mơ đó. Theo nghiệp cha, anh lên biên giới đóng quân khi vừa tốt nghiệp học viện. Còn Kiệt, ở nơi hẻo lánh ấy, với ông bà già yếu, em biết víu vào đâu để viết tiếp tương lai? Hôm sau, Hùng quyết định lên gặp Chỉ huy trưởng Mạnh xin ý kiến. Nghe qua hoàn cảnh và ý tưởng của anh, anh Mạnh bảo:
- Tốt. Tôi sẽ tổ chức cuộc họp, nếu các đồng chí đồng ý chúng ta sẽ thực hiện thôi.
Hai hôm sau, tin vui đến. Hùng một mình lái xe đến nhà cụ Giang vào buổi trưa. Anh kịp tạt qua chợ mua chút đồ ăn và bánh kẹo, bộ quần áo cho Kiệt. Bữa cơm đầm ấm trong căn nhà gỗ bốn phía gió lùa. Khi bà cụ dọn dẹp xong xuôi, rửa tay lên ngồi trò chuyện, Hùng bảo:
- Thưa hai bác, hôm trước cháu có nói là có việc quan trọng muốn bàn cụ thể, xin ý kiến hai bác thế nào. Đơn vị cháu đang nhận nuôi bốn em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như gia đình mình đây. Các cháu được ăn ngủ nghỉ tại đơn vị, được đưa đón đến trường học chữ. Cháu thấy gia đình mình cũng khó khăn, mà Kiệt bỏ học thì thiệt thòi cho em ấy. Hai bác đồng ý, thì cháu sẽ về trả lời chỉ huy và phối hợp với chính quyền, liên hệ nhà trường cho cháu theo kịp bạn bè.
Cụ Giang nói:
- Ôi, thế thì tốt quá, tốt quá rồi ấy bà ơi. Tôi có chết cũng nhắm mắt được rồi.
Cụ bà thì e dè bảo:
- Thằng Kiệt nó thiệt thòi từ nhỏ nên nhát lắm chú à. Tôi sợ nó chịu không nổi lại phiền các anh em.
Hùng trấn an:
- Kiệt đã sáu tuổi rồi. Vào đơn vị vẫn được làm anh nhé. Em Tâm bé nhất, mới ba tuổi thôi. Nhà chẳng còn ai. Thế này hai bác ạ! Ăn Tết xong, hai bác đồng ý thì cho Kiệt lên đơn vị cháu ở và học. Khi nào Kiệt được nghỉ thì về thăm ông bà. Ông bà nhớ cháu, lên thăm lúc nào cũng được. Kiệt nhé! Đi học có nhiều bạn, nhiều trò chơi hay, biết đọc, biết viết thì sau này mới giúp đỡ được ông bà.
Khi hoa đào còn thắm trên cành, người người còn mải mê du xuân thì Đồn biên phòng có thêm một người con nuôi nữa. Ông bà Giang chia tay cháu mừng mừng tủi tủi. Mấy hôm đầu, Kiệt nhớ nhà, lạ giường cứ lặng lẽ khóc thút thít, không chịu ăn cơm. Hùng khuyên bảo mãi mới đỡ. Đến ngày mùng mười, trường học mở cửa trở lại, Kiệt có quần áo mới, giày mới, cặp sách mới đi học. Cậu bé tủm tỉm ngắm nghía mình trong gương. Hùng đưa con trai nuôi đi đến lớp. Thằng bé líu lô hát. Tiếng hát bay qua núi, qua suối, lẫn vào mây, tiếng hát bay từ trường học về đơn vị, anh em chiến sỹ xa nhà cũng vơi bớt nỗi nhớ con cái. Từ chỗ gặp ai cũng tìm chỗ nấp, ăn cơm không biết mời, mấy tháng sau, Kiệt đã vào nề nếp, dậy đúng giờ kẻng báo, vệ sinh thân thể, tập thể dục buổi sáng, đi thưa, về gửi. Nhưng chẳng được bao lâu, Hùng thấy Kiệt thường hay cáu gắt. Dò hỏi mãi mới biết cu cậu tiếp thu bài chậm, cô giáo thường xuyên gọi đứng dậy đánh vần. Hùng dành thời gian buổi tối kèm cu cậu tập viết, tập đọc. Kiệt bảo:
- Học khó thế này, con về nhà với ông bà thôi.
Hùng an ủi:
- Ba ra thử thách mới. Từ sáng mai, con đọc thuộc các khẩu hiệu ở trong khuôn viên, cuối tuần, ông Định sẽ dẫn con đi chợ phiên ăn bánh mì no nê và mua quà về thăm ông bà.
Kiệt reo lên thích thú, ôm chầm lấy cổ Hùng, hôn lấy hôn để. Sáng sáng, nó tập thể dục xong thì đi đến các nơi có khẩu hiệu, ê a đọc. Ai đi qua cũng phải tủm tỉm cười. Mọi người khen Hùng mát tay chăm con. Thằng bé tiến bộ trông thấy. Cô giáo gửi lời khen. Cuối tuần, nó như con én nhỏ đậu ở đuôi xe máy theo ông Định đi chợ phiên và lại theo Hùng về thăm ông bà. Ông bà Giang nhìn thấy cháu sạch sẽ gọn gàng thì không cầm nổi nước mắt. Hùng chứng kiến cảnh đấy thấy mũi mình cũng cay cay. Tiếng cười của Kiệt khiến ông bà nội khỏe hẳn ra. Đôi bàn tay xù xì của ông nắm chặt tay của Hùng như một người thân lâu ngày mới gặp. Kiệt cùng bố nuôi dọn dẹp nhà cửa, rào lại chiếc cổng đã ọp ẹp. Đến bữa ăn cơm, em biết gắp thức ăn vào bát cho ông bà nội và bảo:
- Ông bà ăn cá này mềm. Ba Hùng nói cá không có xương dăm.
Cả nhà cùng cười. Nắng lên đầy thềm. Từng đàn chim chao trên các ngọn cây sau chưa trút hết lá đỏ. Cụ Giang kể cho Hùng nghe chuyện của gia đình. Về người con tội lỗi đã sớm lìa bỏ thế gian khi chưa kịp làm nên việc có ích. Cụ không trách người con dâu đi tìm hạnh phúc mới. Cuộc hôn nhân dở dang để lại trong lòng người ta bao vết thương. Hi vọng của cụ đặt hết vào đứa cháu nội. Bây giờ, Kiệt có bàn tay của các chiến sỹ biên phòng chăm sóc. Cụ không mong gì hơn. Hùng cũng nói thêm cho cụ yên tâm:
- Các cháu được các anh bên Quân y sang thăm khám sức khỏe thường xuyên, bác ạ. Ở trong môi trường quân đội, các cháu sẽ sớm trưởng thành hơn. Bao giờ Kiệt học hết lớp chín thì đơn vị lại tính. Hai bác giữ gìn sức khỏe. Nếu có gì khó khăn thì nhắn cháu.
Hùng lại cùng cậu con nuôi trở về đơn vị. Cậu bé không còn hay khóc nhè như trước nữa. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều người tìm cách vượt biên trái phép qua các đường mòn lối mở. Hùng được phân công công các chiến sỹ lên chốt trạm trên Phia Lim. Việc đưa Kiệt đi học được Chỉ huy giao lại cho Minh. Trước hôm đi, Kiệt sang phòng thỏ thẻ:
- Ba đi đến hôm nào thì về ạ?
Hùng tính tìm câu nào đó đùa nhưng thấy mắt con thoáng buồn, anh đứng lên xoa đầu Kiệt bảo:
- Hết dịch thì ba về.
- Ở đó có nguy hiểm không ba?
- Có chứ. Việc gì cũng khó khăn hết. Nhưng, bộ đội biên phòng sẽ vượt qua hết. Quyết thắng mà!
- Quyết thắng!
- Con ở nhà, nghe lời ba Minh, ông Thường, ông Định. Học bài chăm chỉ. Ba sẽ về đột xuất. Làm sai quy định là kỷ luật nghiêm!
Lán trại được lập lên giữa núi đồi heo hút. Việc nấu ăn cũng muôn vàn bất cập. Nước uống phải xuống bản thồ lên. Đêm ở rừng, muỗi lâu nhâu theo sát hơi người. Rắn bò qua chân. Hùng và đồng đội vẫn thay phiên canh gác. Có vài vụ vượt biên trái phép được các anh phát hiện kịp thời, chuyển về nơi cách ly tập trung. Hùng vẫn luôn nhớ đến Kiệt. Cậu bé sẽ quen với việc anh đi công tác. Trăng sáng trên bầu trời biên giới. Những cây lau vươn mình khỏi bờ vực hun hút chứng minh sức sống hoang dại mãnh liệt. Đất nước sẽ vượt qua thử thách này thôi!
Ngày giáp Tết, vùng biên giới se lạnh. Sau những ngày đông, nụ đào bích, đào phai cựa mình bung nở, đem lại sắc xuân rộn rã, tươi vui. Những nếp nhà sàn cheo leo sườn núi, cờ đỏ sao vàng thấp thoáng sau những triền đào, triền mận trải dài. Hùng được nghỉ phép không phải trực Tết. Trước khi đón chuyến xe về đồng bằng, anh chuẩn bị đồ đạc cho Kiệt về ăn Tết với ông bà. Học kì một vừa qua, nhà trường khen em có thành tích học tập tiến bộ, là tấm gương vượt khó cho các bạn trong lớp noi theo. Kiệt tự hào khoe với các bạn, mình có nhiều bố, nhiều ông nhất lớp. Cả nhà đều mặc đồng phục, đeo quân hàm xanh. Ngồi sau xe máy, em cất tiếng hát theo chú chim én chao liệng trên trời. Ngược chiều, các bà, các mẹ, có cả các em gái nhỏ đi rừng lấy lá dong về nép vào gốc khóm hoa dã quỳ, nhìn theo chiếc xe bám đường leo dốc cua. Dịch bệnh còn tiềm ẩn ở khắp mọi nơi, Hùng mong ai cũng được đón cái Tết vui vẻ, an toàn.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|