Chống thất thu thuế trong thương mại điện tử: Bộ Tài chính đề xuất 7 giải pháp

(Banker.vn) Năm 2023 số thuế đã thu trong lĩnh vực thương mại điện tử là 97 nghìn tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024, con số này là trên 50 nghìn tỷ đồng.
Lời giải nào cho "bài toán" chống thất thu thuế trong thương mại điện tử? Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ ''điểm nghẽn'' trong triển khai Đề án 06

Phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu

Báo cáo kết quả 1 năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra sáng 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0.

Hiện nay, theo đánh giá của Bộ Công Thương, thương mai điện tử của Việt Nam hiện đang ghi nhận 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, từ đó đặt ra yêu cầu về quản lý thuế, quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo. Thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh và chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử, chống thất thu thuế. Có 4 nội dung giao cho Bộ Tài chính đã được thực hiện quyết liệt và đạt những kết quả tích cực.

Chống thất thu thuế trong thương mại điện tử: Bộ Tài chính đề xuất 7 giải pháp
Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Về hoàn thiện pháp lý, hiện nay Bộ Tài chính đang thực hiện việc định danh và xác thực điện tử; thực hiện các Nghị định 72, Nghị định 59 và rà soát lại các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho hay, theo báo cáo của Bộ Công an, có 3 việc Bộ Tài chính đã hoàn thành. Thứ nhất, Nghị định về chi thường xuyên cho các dự án đã có, hiện nay đã trình và đang chờ Chính phủ ban hành. Thứ hai, Nghị định về giá dịch vụ công đã hoàn thành, đang trình. Thứ ba, là vấn đề phân bổ vốn cho các bộ, ngành, chúng tôi đã phân bổ vốn cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thủ tướng cũng đã có quyết định. Còn các bộ, ngành khác theo đăng ký từ đầu năm. Như vậy, chưa phân bổ, chưa báo cáo Thường vụ Quốc hội vì phải chờ Nghị định về vấn đề chi thường xuyên.

Tuy nhiên có 2 vấn đề. Thứ nhất, một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi số và thực hiện về thương mại điện tử, phát triển công nghệ thông tin. Về phân cấp quản lý quản lý ngân sách, phải dùng ngân sách địa phương nhưng có những địa phương ngân sách yếu, Nhà nước phải hỗ trợ. Một số bộ, ngành cũng chưa có đăng ký từ đầu năm, nên cơ sở phân bổ rất khó. Sau khi các bộ, ngành có đề xuất, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng có thể dùng 1 phần dự phòng ngân sách để cấp cho phần này.

Về xây dựng và chia sẻ dữ liệu, hiện nay, việc chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân, đến 3/6/2024 đã đạt 97,57%. Đây là một sự tích cực của ngành tài chính bởi phải làm sạch dữ liệu, tập hợp dữ liệu, công nghệ phù hợp thì mới chia sẻ được.

Bộ Công Thương đã chia sẻ dữ liệu về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử tương ứng với 847 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (1 doanh nghiệp có thể sở hữu nhiều sàn) và 284 ứng dụng bán hàng trên mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất danh mục dữ liệu kết nối, chia sẻ với Bộ Tài chính (Cơ quan thuế) 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình.

Về kê khai, nộp thuế, Bộ Tài chính đã áp dụng định danh và xác thực điện tử đối với: cá nhân thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế; dịch vụ chữ ký số, viễn thông, tên miền; cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; đang triển khai khuyến khích các sàn giao dịch thương mại điện tử áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn.

Về kết quả quản lý thuế với thương mại điện tử tại Việt Nam, triển khai hóa đơn điện tử, máy khởi tạo tính tiền, Bộ Tài chính đã triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đến nay, đã có 61.009 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 464,8 triệu hóa đơn.

Đối với việc áp dụng hóa đơn điện tử trong lĩnh vực kinh doanh vàng thì 100% các doanh nghiệp (9.419 doanh nghiệp) đã áp dụng hoá đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có 7.225 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 1,34 triệu hóa đơn.

Theo số liệu quản lý thuế đến năm 2024 thì ngành thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó: cá nhân là 88.147, doanh nghiệp bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử là 35.131, doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử là 361, doanh nghiệp lớn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là 24, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam là 96.

Về số thu Ngân sách Nhà nước, số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 15,6 nghìn tỷ đồng.

Đề xuất 7 giải pháp

Về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc đề xuất 7 giải pháp. Thứ nhất, kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thứ hai, rà soát hoàn thiện pháp luật. Các bộ luật liên quan đến thương mại điện tử từ năm 2014, cho nên cần phải rà soát lại các nghị định, thông tư liên quan để sửa.

Thứ ba, xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế.

Thứ tư, là định danh và xác thực điện tử, đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa.

Thứ năm, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều thì quản lý và thu thuế càng cao.

Thứ sáu, sửa đổi Nghị định 117 năm 2018 về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Thứ bảy, quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế vì giờ người ta livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương