Chống tham nhũng: Sự thật đanh thép!

(Banker.vn) Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài phát biểu tham luận (tóm tắt) của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại hội nghị.

Vai trò, hiệu quả của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Báo chí là tấm gương soi xã hội. Những năm qua, báo chí đã phản chiếu một sự thật sáng rõ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành rất quyết liệt, tạo được bước chuyển có tính đột phá và đạt những kết quả toàn diện. Tham nhũng từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Trong chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, xử lý đúng theo Điều lệ Đảng, quy định của pháp luật, bất kể người vi phạm là ai. Đó là một sự thật đanh thép, có sức thuyết phục lớn.

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, báo chí là lực lượng rất quan trọng, luôn ở trên tuyến đầu, là vũ khí rất sắc bén, và đã tỏ rõ hiệu quả to lớn. Thực tiễn những năm qua cho thấy báo chí đã luôn là địa chỉ cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn hành vi tham nhũng có tinh vi đến đâu, cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng, nhờ sự phát hiện, tố cáo của nhân dân, thường trước hết tố cáo với các cơ quan báo chí, thông qua báo chí. Trong quá trình xét xử, báo chí tiếp tục đồng hành để làm rõ sự thật. Báo chí chính là lực lượng tiếp sức cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong toàn Đảng, toàn dân.

Hội thảo báo chí bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo năm 2017 tại Quảng Ngãi

Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, có gần 27 nghìn hội viên đang làm việc tại hơn 900 cơ quan báo chí của cả nước. Để giới báo chí tham gia tích cực phòng chống tham nhũng, Đảng đoàn, Ban Thường vụ  Hội nhà báo Việt Nam đã chú trọng chỉ đạo các cấp hội, đội ngũ người làm báo cả nước phát huy tốt vai trò trong nhiệm vụ quan trọng này.

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII), trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí. Để triển khai tốt các chương trình hành động nói trên, Hội Nhà báo Việt Nam đã chú trọng thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:

Một là, thông qua chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã thường xuyên khuyến khích nhà báo vừa tích cực phát hiện, phản ánh các vụ tham nhũng, đồng thời vạch trần những mưu đồ, hành động lợi dụng chống tham nhũng để xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng Nhà nước  và chế độ ta.

Hai là, tuyên truyền hướng dẫn công dân thực hiện các khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật. Đấu tranh với những hoạt động công vụ sai lệch vì mục đích tham nhũng... Đồng thời lên án mạnh mẽ, đấu tranh quyết liệt ngăn chặn “lợi ích nhóm”, tham nhũng từ khâu xây dựng đến khâu thực thi chính sách pháp luật.

Ba là, kịp thời phối hợp các cơ quan chức năng bảo vệ các nhà báo - hội viên làm nhiệm vụ tác nghiệp phòng chống tham nhũng. Lên tiếng mạnh mẽ trước công luận khi nhà báo bị xâm hại, hoặc bị đe doạ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự.

Bốn là, phối hợp tổ chức các giải báo chí phòng chống tham nhũng, lãng phí, vừa động viên giới báo chí tham gia thực hiện nhiệm vụ quan trọng phòng chống tham nhũng, vừa lựa chọn được những tác phẩm tốt, cung cấp thêm thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công hai Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (2017, 2019), thu hút được 2.172 tác phẩm dự giải và hiện nay đang tổ chức Giải lần thứ ba. Trong các Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa Liềm Vàng những năm gần đây, số lượng các tác phẩm có nội dung phòng, chống tham nhũng chiếm tới 30 – 40%, trong đó nhiều tác phẩm đã đoạt giải cao.

Năm là, xây dựng và thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Đây là văn bản rất quan trọng không chỉ điều chỉnh nhà báo, hội viên giữ đạo làm nghề mà còn có giá trị nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng quả cảm, tinh thần dấn thân và cống hiến của nhà báo đối với nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí.  

Để giám sát các hoạt động báo chí đúng pháp luật, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, chống suy thoái trong nội bộ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng phần mềm theo dõi đăng, gỡ bài, sửa bài trên báo điện tử. Nhờ đó, trong 3 năm qua, số lượng bài bị gỡ, bị sửa có dấu hiệu tiêu cực giảm hẳn. Từ chỗ một tháng có hàng trăm bài bị gỡ, nay chỉ có từ 3 - 5 bài, chấm dứt về cơ bản tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Việc sử dụng phần mềm ứng dụng này không chỉ có giá trị chống tiêu cực trong báo chí mà còn góp phần ngăn chặn sự “đi đêm” vì “lợi ích nhóm”, đưa thêm được nhiều vụ việc tham nhũng ra ánh sáng.

Hàng loạt khó khăn của nhà báo trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, thực tế vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc đối với báo chí trong phòng, chống tham nhũng.

Thứ nhất, hạn chế lớn nhất là báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc tham nhũng tiêu cực, lãng phí mà nhân dân đã phát hiện, đã cung cấp thông tin. Mặt khác, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, một số cơ quan báo chí còn thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức… Nhiều vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được theo đuổi đến cùng, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí, trông cậy vào báo chí.

Thứ hai, việc cung cấp thông tin cho báo chí về các vụ tham nhũng, tiêu cực chưa kịp thời. Trong nhiều trường hợp, báo chí không được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận những thông tin cần thiết và tin cậy. Còn có tình trạng ngăn cản, phong toả thông tin liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. 

Thứ ba, còn thiếu một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan để cùng báo chí giải quyết các vụ việc đặc biệt là các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, cơ chế bảo vệ những nhà báo viết về lĩnh vực chống tham nhũng, tiêu cực còn thiếu chặt chẽ, ngay cả nguồn tin cung cấp cho báo chí cũng thiếu sự bảo vệ một cách an toàn. Thực tế, những năm qua đã xẩy ra khá thường xuyên các vụ ngăn cản, thu giữ, phá huỷ máy móc, trang thiết bị tác nghiệp, huỷ hoại tư liệu, đe doạ, hành hung, truy sát, xúc phạm các nhà báo và gia đình các nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực. Đây đang là vấn đề giới báo chí rất quan tâm và không khỏi lo lắng.

Báo chí góp “lửa” chống tham nhũng, trừ quan tham

Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, có những quy định cụ thể để báo chí của các ngành, các địa phương có điều kiện bóc trần các vụ việc tham nhũng tại chính ngành mình, địa phương mình. Đồng thời, trong kiểm soát quyền lực, phải ngăn chặn sự can thiệp không chính danh, lạm quyền vào hoạt động chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí.

Hai là, nghiên cứu, ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên trên mạng xã hội. Phát động cán bộ đảng viên sử dụng mạng xã hội để nắm hiểu tình hình, nâng cao nhận thức, tham gia đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc sự thật, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là trước những vấn đề thời sự nóng bỏng, bức xúc...

Ba là, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; thường xuyên tổ chức các hội thảo, diễn đàn để nâng cao tinh thần chiến đấu, đạo đức nghề nghiệp, trình độ tác nghiệp, hiệu quả truyền thông về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cần có quy chế phối hợp để theo dõi các sản phẩm báo chí có dấu hiệu tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động báo chí, các nhà báo có động cơ trục lợi.

Bốn là, đề nghị có cơ chế, biện pháp mạnh mẽ hơn, hữu hiệu hơn để bảo vệ các nhà báo tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cấp, các ngành cần phối hợp kịp thời xử lý nghiêm hành vi cản trở, đe dọa, hành hung các nhà báo hoạt động đúng pháp luật.

***

Chống tham nhũng là trận đánh lớn của toàn Đảng, toàn dân tộc, thử thách bản lĩnh cầm quyền của Đảng ta. Đó là một trận chiến có tính chất sống còn, hết sức cam go, quyết liệt. Đó là nơi rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí vì báo chí thể hiện sức mạnh của công khai, minh bạch, sức mạnh của sự thật.

Những vụ tham nhũng mà chúng ta xử lý vừa qua đã tạo được niềm tin trong xã hội, nhưng đòi hỏi báo chí phải tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Đồng thời cũng đòi hỏi xã hội hỗ trợ báo chí mạnh mẽ hơn nữa để những người làm báo chống tham nhũng không bao giờ cảm thấy bị đơn độc, luôn đủ niềm tin và sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ.

Làm sao để tiêu cực phải run sợ trước tích cực, để trong xã hội chúng ta tinh thần chiến đấu chống tiêu cực phải mạnh hơn nữa. Chiến đấu để bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý, lẽ phải chính là lúc ngọn lửa nhân văn trong xã hội tỏa sáng. Trong trận đánh lớn không khoan nhượng này vì sự tồn vong của chế độ, vì tương lai của đất nước, các nhà báo, các cơ quan báo chí tiếp tục nêu cao tinh thần chiến đấu, bản lĩnh, năng lực tác nghiệp và đạo đức nghề báo, thể hiện sức mạnh của ý Đảng, lòng dân quyết diệt trừ tham nhũng.

Hồ Quang Lợi

Theo Người làm báo (link gốc)

Theo: