"Choáng váng" trước sự suy giảm của thị trường chứng khoán và trái phiếu toàn cầu

(Banker.vn) Cuộc chiến ở Ukraine càng làm gia tăng áp lực lên thị trường với việc kéo lạm phát lên cao hơn nữa và gây hại tới triển vọng tăng trưởng. Trong tình huống này, các nhà quản lý quỹ đang khuyến nghị khách hàng đa dạng hóa danh mục đầu tư và điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận.

Thị trường suy giảm đồng bộ tồi tệ nhất

Các nhà quản lý quỹ đang bị choáng váng khi thị trường chứng khoán và trái phiếu toàn cầu sụt giảm cùng lúc. Chỉ số chứng khoán FTSE All World, bao gồm cổ tức, hao hụt 5,1% trong ba tháng đầu năm 2022, cho thấy ảnh hưởng của việc tăng lãi suất và chiến sự ở Ukraine.

Cùng lúc đó, lạm phát phi mã và chính sách tiền tệ thắt chặt lấy mất 6% của chỉ số trái phiếu Bloomberg Global Aggregate Bond, làm mất đi chỗ dựa đáng tin cậy của những người muốn rút chân khỏi chứng khoán.

"Choáng váng" trước sự suy giảm của thị trường chứng khoán và trái phiếu toàn cầu
"Choáng váng" trước sự suy giảm của thị trường chứng khoán và trái phiếu toàn cầu.
Hai thị trường chủ chốt làm nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu ít khi biến động cùng chiều với nhau và những động thái như vậy thường hiếm hoi và ngắn ngủi. Cú sảy chân trong ba tháng đầu năm nay là lần suy giảm đồng bộ tồi tệ nhất của hai thị trường trong lịch sử FTSE All World và Bloomberg Global Aggregate Bond. Theo Financial Times, tình huống này đang buộc nhà đầu tư phải đặt câu hỏi rằng họ nên làm thế nào để cân bằng rủi ro trong danh mục.

Ông Seth Bernstein, CEO công ty quản lý tài sản AllianceBernstein với quy mô 779 tỷ USD, nhìn nhận: “Quý đầu tiên là khoảng thời gian đầy thử thách. Nhà đầu tư không còn chỗ nào để trốn”.

Trong suốt nhiều năm, chiến lược 60/40 đã là trụ cột của các danh mục đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư phân bổ 60% tỷ trọng trong danh mục cho cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận và 40% cho trái phiếu để kiếm thêm thu nhập và giảm thiểu rủi ro.

Danh mục 60/40 hoạt động tốt trong vài thập kỷ qua khi chứng khoán gần như đi theo đường thẳng để lên đỉnh mới và lãi suất liên tục giảm mạnh, giúp giá trái phiếu tăng vọt. Nhưng mô hình cổ điển này giờ đang gặp phải thách thức nghiêm trọng.

Ông Duncan MacInnes, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Ruffer quy mô 33 tỷ USD, cho biết: “Các danh mục thông thường đang gặp phải rắc rối lớn. Mối tương quan giữa các loại tài sản hiện cao hơn nhiều so với trước và nhà đầu tư nhầm tưởng rằng danh mục của họ vẫn đang được đa dạng hóa. Mọi người đều đang mất mát nhiều hơn suy nghĩ ban đầu”.

Theo Goldman Sachs Asset Management, danh mục đầu tư 60/40 đã tạo ra tỷ suất sinh lời trung bình khoảng 11,1% mỗi năm trong giai đoạn 2011 - 2021, hay 9,1% mỗi năm sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Nhưng các nhà quản lý quỹ cảnh báo rằng lợi nhuận cao như vậy khó có thể được duy trì trong thập kỷ tới.

Chứng khoán đang ở gần đỉnh lịch sử, định giá đã đi lên quá cao và thị trường chứng khoán Mỹ ngày càng tập trung vào 6 công ty công nghệ lớn nhất - Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google và Microsoft. Trong khi đó, trái phiếu lại phải đối mặt với thách thức của lợi suất siêu thấp, lạm phát và khả năng về một chu kỳ tăng lãi suất mới.

Hôm 11/4, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã leo lên 2,793% - mức cao nhất kể từ tháng 1/2019. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 30 năm cũng đồng loạt tăng, lần lượt lên 2,785% và 2,806%. Lợi suất trái phiếu biến động ngược chiều với giá.

Đa dạng hóa danh mục

Ông Michael Harnett, Giám đốc đầu tư tại Bank of America, nói rằng lạm phát leo thang đồng nghĩa với việc trái phiếu Mỹ đang bước vào “thị trường gấu nghiêm trọng” thứ ba trong lịch sử.

Bank of America cảnh báo lợi suất trái phiếu dài hạn sẽ tăng lên trên 4% trong năm 2024 và việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất để ghìm cương lạm phát rất có thể sẽ kéo chứng khoán Mỹ đi xuống. Ngân hàng này dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ rớt xuống dưới 4.000 điểm trong năm nay, giảm hơn 15% kể từ đỉnh tháng 12/2021.

Cuộc chiến ở Ukraine càng làm gia tăng áp lực lên thị trường với việc kéo lạm phát lên cao hơn nữa và gây hại tới triển vọng tăng trưởng. Trong tình huống này, các nhà quản lý quỹ đang khuyến nghị khách hàng đa dạng hóa danh mục đầu tư và điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận.

Quỹ LifeStrategy Moderate Growth của tập đoàn đầu tư Vanguard phân bổ 60% tài sản cho chứng khoán toàn cầu và 40% cho trái phiếu. Trong suốt một thập kỷ tính tới tháng 12/2021, quỹ này đã tạo ra tổng tỷ suất sinh lời sau phí lên tới 9,1%. Giờ Vanguard cảnh báo rằng lợi nhuận dự kiến cho danh mục 60/40 truyền thống là một nửa con số trên – thậm chí đó là còn chưa tính tới tác động của lạm phát.

Ông Peter Van Dooijeweert, Giám đốc tại công ty quản lý tài sản Man Group quy mô 148,6 tỷ USD, chỉ ra: “Rắc rối chính của nhà đầu tư là mô hình 60/40 có vẻ sẽ không có nhiều tiềm năng lợi nhuận”. Theo ông, nhà đầu tư nên đa dạng hóa sang tiền mã hóa, hàng hóa và các tài sản thực như cơ sở hạ tầng và bất động sản.

Ông cũng cảnh báo: “Khuyên người khác nên đa dạng hóa danh mục thì dễ nhưng đến khi làm thì không đơn giản, đặc biệt là vì thị trường hàng hóa đang cực kỳ biến động. Giá hàng hóa đi lên chóng mặt trong thời gian qua nhưng không ai quên rằng mới hai năm trước giá dầu thô đã về âm”.

Invesco khuyến nghị danh mục 50/30/20 cho cổ phiếu, trái phiếu và các lựa chọn thay thế. Bà Kristina Hooper, Giám đốc thị trường toàn cầu tại Invesco nhận xét: “2022 là năm mà nhà đầu tư được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc đa dạng hóa. Bạn không thể tồn tại lâu dài chỉ với cổ phiếu và trái phiếu. Và bạn không những cần đa dạng hóa giữa các loại tài sản mà còn phải trong từng loại tài sản nữa”.

Khánh Vân

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán