Cho phép mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử

(Banker.vn) Ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có).

Đây là một trong những điểm mới của Thông tư số 16/2020/TT-NHNN vừa ban hành về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Thông tư  có hiệu lực thi hành từ ngày 5/3/2021.

Thông tư số 16 bổ sung Điều 14a quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử. Theo đó, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định tại Điều này, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Quy trình bao gồm tối thiểu các bước như sau: (a) Thu thập thông tin về hồ sơ mở tài khoản thanh toán; (b) Thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng; (c) Cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử; (d) Cung cấp cho khách hàng nội dung thỏa thuận mở, sử dụng tài khoản thanh toán và thực hiện giao kết thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán với khách hàng; (đ) Thông báo số hiệu, tên tài khoản thanh toán, hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán và ngày bắt đầu hoạt động của tài khoản thanh toán cho khách hàng.

Ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có).

Về công nghệ phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau: có giải pháp công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo nhận biết đúng khách hàng; có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng đồng ý với các nội dung tại thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán; xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro; lưu trữ, bảo quản đầy đủ, đối với các thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Các ngân hàng được xác định phạm vi sử dụng và quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở bằng phương thức điện tử. Tuy nhiên, tổng hạn mức giá trị giao dịch qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng.

Hạn mức cao hơn cũng được áp dụng trong một số trường hợp như: ngân hàng áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình để xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình mở tài khoản thanh toán thì được áp dụng hạn mức thanh toán cao hơn so với hạn mức nói trên. Ngân hàng áp dụng công nghệ để kiểm tra, đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Sau khi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã thực hiện việc nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản…

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán là bản chính hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu theo quy định của pháp luật.

Các ngân hàng được thoả thuận với khách hàng về việc dịch hoặc không dịch ra tiếng Việt đối với các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, phải đảm bảo các nguyên tắc: kiểm tra, kiểm soát và đảm bảo tính chính xác, đầy đủ về nội dung được dịch ra tiếng Việt so với nội dung của các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài; các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bản dịch phải có xác nhận của người có thẩm quyền của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Hoàng Duy

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: