Phiên giao dịch ngày hôm nay (7/2/2023) tiếp tục ghi nhận 100 cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG được khớp lệnh ở mức giá trần. Cụ thể, lệnh giao dịch này được khớp vào lúc 09h38 sáng ở mức giá trần 587.500 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/02, cổ phiếu của Công ty CP VNG vẫn đứng ở mức giá trần, đây là phiên thứ 5 liên tiếp giá cổ phiếu VNZ tăng trần. Khối lượng giao dịch, vẫn giống như 4 phiên liền trước, chỉ 100 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch hơn 58,7 triệu đồng.
Nếu so với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu thời điểm trước 01/02 - khi VNZ có lệnh khớp đầu tiên kể từ khi lên sàn, thị giá đã cao hơn gấp 2,4 lần.
Theo quy định từ UBCKNN, tổ chức niêm yết hoặc đăng ký giao dịch sẽ phải giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp 5 phiên. Như vậy, VNZ chắc chắn sẽ phải có văn bản giải trình.
Hiện tại, với hơn 28,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của VNZ đã tăng lên gần 16,9 nghìn tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với trước ngày 01/02. Giá trị tài sản của ông Lê Hồng Minh - nhà đồng sáng lập VNZ đồng thời là cựu Chủ tịch HĐQT (miễn nhiệm Chủ tịch từ ngày 01/01/2023) - đã vượt mốc 2 nghìn tỷ đồng. Ông Minh hiện đang sở hữu 12,3% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 3,53 triệu cổ phiếu.
Phiên giao dịch ngày 7/2 là phiên thứ 5 liên tiếp giá cổ phiếu VNZ tăng trần |
Về tình hình kinh doanh, VNG CŨNG vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022 với khoản lỗ 1.315,4 tỷ đồng. Cụ thể, trong quý IV/2022, doanh thu thuần của VNG đạt 2.036,6 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, doanh thu tài chính của VNG giảm hơn 1 nửa so với qíu IV/2021 còn 27,7 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lại tăng gấp 6 lần lên 50,2 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG cũng tăng lần lượt 4,2% và 22,7% so với cùng kỳ lên 699,3 tỷ đồng và 448,4 tỷ đồng. Ngoài ra, VNG còn ghi nhận khoản lỗ trong công ty liên kết 39,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 10,7 tỉ đồng) và lỗ khác lên tới 446,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 197,7 tỷ đồng).
Nguồn thu không đủ bù đắp chi phí khiến quý IV/2022 VNG ghi nhận khoản lỗ 547,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 267,5 tỷ đồng của quý IV/2021. Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của VNG đạt 7.800,5 tỷ đồng, tăng 1,9% so với năm 2021; lợi nhuận âm 1.315,4 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của VNG đạt hơn 9.092 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tập đoàn công nghệ này sở hữu 3.079 tỷ đồng tiền, tương đương tiền cũng như tiền gửi ngân hàng, chiếm 1/3 tổng tài sản, so với đầu năm đã giảm 2.000 tỷ đồng.
Trong năm vừa qua, VNG đã rót thêm hơn 1.000 tỷ đồng cho các startup. Tuy nhiên, trong danh mục này chỉ có duy nhất khoản đầu tư vào Dayone là ghi nhận lãi trong năm.
Tính đến ngày 31/12/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỷ đồng, dẫn đầu là khoản đầu tư vào Tiki Global với số lỗ 510,1 tỷ đồng, tiếp đến là Telio (lỗ 58,1 tỷ đồng), Funding Asia (lỗ 44 tỷ đồng), Ecotruck (lỗ 23,8 tỷ đồng).
Còn trên báo cáo tài chính riêng lẻ, VNG ghi nhận tổng giá trị khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết tại ngày 31/12/2022 đạt 4.843,6 tỷ đồng, tăng 89,6% so với đầu năm.
Trong đó, khoản đầu tư của VNG vào CTCP Zion – chủ sở hữu ví điện tử ZaloPay - chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị đầu tư lên tới 2.962,7 tỷ đồng, tăng 1.081,6 tỷ đồng (tăng 57,4%) so với đầu năm.
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Công ty CP Zion đã được nâng lên mức 69,98%, tăng so với mức 60% tại thời điểm đầu năm. Ngoài ra, báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2022 của VNG còn cho thấy, doanh nghiệp này đã trích lập dự phòng tới 2.861 tỷ đồng cho các khoản đầu tư tài chính dài hạn, tăng 1.320,2 tỉ đồng, tăng 85,6% so với đầu năm.
Thanh Tùng
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|