Chính thức gia hạn Thông tư 02 về giãn, hoãn nợ đến hết năm 2024

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước đã chính thức gia hạn Thông tư 02 về giãn, hoãn nợ thêm 6 tháng, kéo dài đến hết năm 2024 thay vì kết thúc vào ngày 30/6 như ban đầu.
Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng Ngân hàng Nhà nước dự kiến gia hạn Thông tư 02 đến hết năm 2024 Gia hạn thông tư 02 - cổ phiếu ngân hàng "nổi sóng"

Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024. Theo đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vào ngày 18/6, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, tức là sẽ kéo dài đến hết hết năm 2024 thay vì kết thúc vào ngày 30/6.

Trước đó, trong bản thuyết minh cho dự thảo thông tư, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Quốc hội và Chính phủ đều chủ trương tiếp tục tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.

Chính thức gia hạn Thông tư 02 về giãn, hoãn nợ đến hết năm 2024
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, đối với tổ chức tín dụng, việc kéo dài thông tư 02 đến hết năm 2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.

Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến cuối năm nay sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ cho khách hàng.

Kéo dài Thông tư 02 là nguyện vọng của nhiều ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu.

Đại diện các ngân hàng cho rằng, Thông tư 02 hết hạn sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các doanh nghiệp trong khi đó, việc xử lý nợ xấu lại đang gặp khó khăn. Ông Nguyễn Đình Tùng - Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) - đánh giá, quyết định gia hạn Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước giúp giãn áp lực trả nợ cho các khách hàng để họ có điều kiện phục hồi tốt hơn. Ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ quyết định này khi khách hàng hồi phục tốt, tăng khả năng trả nợ, giảm áp lực nợ xấu phát sinh tại ngân hàng.

“Trong thời gian qua, áp lực nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng, đến từ khó khăn trả nợ của khách hàng. Dù ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng do thanh khoản của thị trường bất động sản yếu nên việc thanh lý tài sản đảm bảo giai đoạn này rất khó khăn. Như vậy, việc kéo dài thời hạn cơ cấu nợ cũng tạo điều kiện để ngân hàng giảm áp lực nợ xấu, áp lực trích lập dự phòng rủi ro, từ đó có thêm nguồn lực để hỗ trợ cho khách hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - ông Nguyễn Đình Tùng khẳng định.

Chính thức gia hạn Thông tư 02 về giãn, hoãn nợ đến hết năm 2024
Việc kéo dài thời hạn cơ cấu nợ tạo điều kiện để ngân hàng giảm áp lực nợ xấu

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho hay, việc kéo dài Thông tư 02 là cần thiết trong bối cảnh rất nhiều khách hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn 2024 - 2025. Người đi vay có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp.

“Với việc gia hạn Thông tư 02, cũng có thể giúp giảm áp lực xử lý nợ xấu cho phía ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho phía các doanh nghiệp cho dù chỉ kéo dài thêm 6 tháng” - ông Đỗ Thanh Sơn nói.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia việc tiếp tục áp dụng Thông tư 02 có thể có lợi trước mắt cho người đi vay và cả ngân hàng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn khi nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) không được thể hiện một cách chính xác. Với quy định này những con số tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ thấp hơn thực tế.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế cảnh báo, hệ thống ngân hàng cần chuẩn bị tâm lý đối mặt với “cơn bão” mới đó là nợ xấu ngày hôm nay chưa được xử lý xong thì lại có thêm nợ xấu mới và như vậy sẽ gây áp lực rất lớn đến tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại.

“Nếu tính cả việc giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, thì nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi” - vị chuyên gia nhận định.

Theo số liệu mới nhất từ tổ chức tín dụng, tính đến 31/12/2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục