Chính sách tín dụng với nội dung gồm các quy định của NHTW về hoạt động tín dụng, các cơ chế chính sách về tín dụng, về lãi suất, các chương trình tín dụng của ngân hàng trung ương (NHTW)… nhằm định hướng hoạt động tín dụng và thông qua đó đạt được các mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế và trong từng năm theo mục tiêu cụ thể. Với ý nghĩa đó, chính sách tín dụng của NHTW hiện nay đã và đang mang lại hiệu quả trong việc điều hành chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu kinh tế vĩ mô và có tác động tích cực đến các thị trường: tài chính; bất động sản; lao động và thị trường hàng hóa.
Việc phân tích đánh giá những tác động này có ý nghĩa quan trọng về nhìn nhận hiệu quả tín dụng cũng như phát huy vai trò của tín dụng đối với nền kinh tế và sự phát triển bền vững của các thị trường.
Thúc đẩy và phát triển thị trường hàng hóa, kết quả này phản ánh trên 3 phương diện chính sau:
Thứ nhất, chính sách tín dụng với các quy định về lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng; lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đã tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh nhờ lãi suất vay hợp lý, ổn định. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song vẫn đảm bảo đạt được các mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thứ hai, chính sách tín dụng với các chương trình tín dụng chuyên đề cho một số ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế (như: tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp chế biến…) cùng với các cơ chế chính sách phù hợp trong từng giai đoạn, linh hoạt, rất kịp thời và hiệu quả như: cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi suất và cho vay mới lãi suất thấp đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; cho vay thu mua lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long; cho vay khắc phục bão lụt, hạn hán; dịch bệnh; cho vay cây cà phê, tiêu ở Tây Nguyên… đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ các ngành lĩnh vực của nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi và tăng trưởng. Trong đó, việc các doanh nghiệp vượt qua đại dịch, phục hồi mạnh mẽ là dấu ấn đậm nét về chính sách tín dụng hỗ trợ của ngành ngân hàng, với cơ chế của thông tư 01, thông tư 03 và thông tư 14; cũng như các chính sách cho vay xuất nhập khẩu, đã tạo điều kiện cho thị trường hàng hóa phát triển, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế.
Thứ ba, chính sách tín dụng thông qua việc định hướng tín dụng tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Qua đó hình thành nên cơ cấu tín dụng hợp lý giữa tín dụng VND và ngoại tệ; giữa tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn; giữa tín dụng lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác. Trong đó tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 68-70%) trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trong suốt thời gian nhiều năm qua.
Chính sách tín dụng góp phần bảo đảm thị trường tài chính, bất động sản tăng trưởng bền vững, phát huy được vai trò của nguồn vốn tín dụng ngân hàng với bản chất là đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn cho nền kinh tế. Theo đó việc điều chỉnh các chính sách tín dụng của NHTW nhằm tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh là phù hợp không chỉ phát huy vai trò và hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đáp ứng được yêu cầu phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch mà trong trung, dài hạn còn góp phần quan trọng để thị trường tài chính và thị trường bất động sản tăng trưởng và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các chương trình tín dụng chuyên đề: như cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội; cho vay nhà ở; các chương trình dự án nhà ở cho công nhân, cho người lao động thu nhập thấp, cho chương trình tín dụng chính sách về nhà ở… góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội cũng như phát triển bền vững thị trường bất động sản với cơ cấu và thị phần hợp lý, hạn chế hiện tượng đầu cơ và những rủi ro tiềm ẩn khi thị trường biến động.
Chính sách tín dụng tạo điều kiện để thị trường lao động phát triển thông qua việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế, cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng và phát triển, tạo việc làm và thu hút nguồn lao động thúc đẩy thị trường lao động phát triển. Đồng thời, thông qua chương trình tín dụng chính sách, cho vay giải quyết việc làm; cho vay học sinh sinh viên… đã tạo việc làm và giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho các đối tượng chính sách. Điều đó không chỉ góp phần bảo đảm an sinh xã hội mà còn tạo điều kiện cho thị trường lao động phát triển bền vững giữa các vùng, các lĩnh vực của nền kinh tế.
Số liệu thực tế đã phản ánh rõ nhất kết quả nổi bật về cho vay các doanh nghiệp trong KCN-KCX liên tục tăng trưởng qua từng năm. Tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tổng dư nợ cho vay KCN-KCX đạt trên 400 nghìn tỷ, tăng 23,4% so với cuối năm 2021 với trên 3.700 doanh nghiệp vay vốn, sản xuất không ngừng mở rộng và tăng trưởng kéo theo nhu cầu lao động tăng, kích thích thị trường lao động tăng trưởng nhanh trong thời gian qua;
Dư nợ cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố luôn là chương trình có dư nợ tín dụng cao nhất, chiếm gần 60% tổng dư nợ của ngân hàng này.
Cũng phải nói thêm rằng, để các chính sách tín dụng của NHTW phát huy hiệu quả và tác động tích cực đến thị trường, thì luôn cần có sự quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện tốt của các tổ chức tín dụng. Trong đó, nổi bật là việc tôn trọng triệt để, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, về quy chế cho vay, về các chương trình tín dụng, về định hướng tăng trưởng tín dụng và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Một khi tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và bền vững ở các thị trường thì cũng sẽ tác động tích cực trở lại đối với hiệu quả chính sách tín dụng của NHTW.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|