Chính sách tiền tệ năm 2023 cần ưu tiên hạ lãi suất

(Banker.vn) Theo chuyên gia, mặc dù hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều khả quan nhưng lãi suất như hiện nay vẫn ở mức khá cao, đặc biệt là lãi suất thực, tức là lãi suất trừ đi lạm phát thì đang ở trong nhóm cao nhất thế giới.

Lãnh đạo NHNN: Công cụ hạn mức tín dụng là cần thiết

Cổ phiếu ngân hàng giao dịch ảm đạm, VBB “lao dốc” sau chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp

Báo cáo chiến lược năm 2023 mới đây của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho thấy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

MASVN chỉ ra thực tế, so với lãi suất điều hành của Mỹ vốn đã vượt mức trước dịch Covid-19, mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Bên cạnh đó, FED vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong năm 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%. Vì vậy, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá.

Nguyên nhân thứ hai, theo MASVN, tăng trưởng tiền gửi vẫn ở mức thấp, đến cuối quý III/2022 chỉ tăng 4,8% so với cuối năm 2021, do đó, lãi suất huy động vẫn tiếp tục tăng để thu hút tiền gửi. Nhất là các ngân hàng lớn, đặc biệt là ngân hàng quốc doanh sẽ có nhiều lợi thế trong việc huy động tiền gửi với mức chi phí huy động thấp.

Lãi suất quá cao doanh nghiệp không chịu nổi, năm 2023 chính sách tiền tệ cần ưu tiên hạ lãi suất. Ảnh minh họa
Lãi suất quá cao doanh nghiệp không chịu nổi, năm 2023 chính sách tiền tệ cần ưu tiên hạ lãi suất. Ảnh minh họa

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng nhận định, lãi suất điều hành có thể tăng thêm 2%/năm trong năm 2023, trong khi lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ tiền đồng. Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VNĐ và USD liên ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá, tuy nhiên, do FED còn duy trì chính sách lãi suất cao, Ngân hàng Nhà nước khó có thể giảm mạnh lãi suất liên ngân hàng trong thời gian tới.

Thực tế, hiện lãi suất huy động đã hạ nhiệt nhưng vẫn có những ngân hàng đưa ra mức xấp xỉ 10%/năm gồm cả khuyến mãi và thưởng. Một số ngân hàng mới điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Đơn cử, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động một số kỳ hạn ngắn, tăng lần lượt 0,8%/năm và 0,3%/năm đối với lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 và 3 tháng, đưa mức lãi suất lên thành 6%/năm. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng mới đưa ra biểu lãi suất mới, tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng lên mức 9,5%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng lên thành 6%/năm.

Phân tích về yếu tố lãi suất năm 2022, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, khi nói đến lãi suất, người ta quan tâm nhiều đến lãi suất thực, tức là lãi suất đó trừ đi lạm phát.

Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm đang khoảng 9,4% mà lạm phát 6,2% thì lãi suất thực khoảng 6,2%. Lãi suất cho vay hiện đang khoảng 12,6% mà lạm phát có 3,2% thì lãi suất thực cho vay hiện trên 9%.

Tại Mỹ, lạm phát đang ở 8%, lãi suất 3,5% - 4% thì lãi suất thực là -4% còn Việt Nam đang là 9%, tức cao hơn lãi suất thực của Mỹ hơn 13%. Nếu so sánh với châu Âu, lạm phát 10% mà lãi suất cho vay còn thấp hơn của Mỹ thì lãi suất thực của Việt Nam còn cao hơn nữa.

"Đây là một trong những lãi suất thực cao nhất thế giới hiện nay. Thử hỏi doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ, châu Âu trong bối cảnh chi phí tài chính cao như vậy thì họ có chịu được không?", TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề.

Theo chuyên gia, điều này có nghĩa là doanh nghiệp Việt đang bị đẩy lùi, nhường chỗ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên chính thị trường nội địa, bởi các doanh nghiệp FDI họ không phải chịu lãi suất từ hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Theo một nghiên cứu, chỉ khoảng 27%-30% doanh nghiệp Việt tận dụng được lợi thế từ các FTA còn lại là doanh nghiệp FDI hưởng lợi, nhưng trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay còn số này chắc chắn sẽ càng thấp đi.

"Chúng ta có thể bằng lòng với tỷ lệ tăng trưởng, lạm phát cũng như tỷ giá của năm 2022 nhưng không thể bằng lòng với lãi suất", ông Nghĩa nói.

Với chính sách tiền tệ năm 2023, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thế giới không có khủng hoảng kinh tế nên thách thức từ bên ngoài sẽ sớm giảm áp lực. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2023.

Lạm phát từ bên ngoài đang giảm, tỷ giá cũng đang giảm xuống. Nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là Trung Quốc đã gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Chỉ còn một yếu tố chúng ta chưa thể dự đoán được, đó là xung đột Ukraine – Nga. Cuộc chiến này có thể kéo dài nhưng quy mô của nó sẽ giảm dần, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Theo ông Nghĩa, mục tiêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm tới nên theo hướng giảm lãi suất. Muốn giảm lãi suất thì phải giải quyết từ các nguyên nhân của nó,.

Lãi suất tăng không phải do room tín dụng mà do cung tiền. Năm 2022, cung tiền của Việt Nam khoảng 7-8% nhưng hiệu quả chưa cao, ngoài ra còn gặp một số trục trặc về chính sách tiền tệ.

Hơn nữa, vòng quay tiền tệ của Việt Nam rất thấp, theo tính toán, vòng quay tiền tệ năm 2022 chỉ được 0,66 vòng/năm, năm 2021 được 0,6 vòng/năm, năm 2020 được 0,51 vòng/năm trong khi ở Mỹ vòng quay tiền M2 là từ 1,6-2 vòng/năm. Đây là điều mà NHNN cũng phải đưa vào trong việc tính toán của mình, để xem là khối lượng cung tiền để đảm bảo cho tăng trưởng là bao nhiêu.

"Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ 2023 là phải nghiên cứu làm sao để giảm lãi suất ở mức hợp lý, tăng trưởng room tín dụng và ổn định tỷ giá hối đoái", TS. Nghĩa phân tích.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán