Chính sách tài khóa có thể giúp Trung Đông, Trung Á giảm phát thải khí nhà kính như thế nào?

(Banker.vn) Việc sớm triển khai các chiến lược giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu sẽ giúp các quốc gia đáp ứng cam kết của Hiệp định Paris, đồng thời có thể tiến hành thuận lợi quá trình chuyển đổi sang công nghệ carbon thấp.

 

Phần lớn các quốc gia ở Trung Đông và Trung Á đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu của Hiệp định Paris. Tuy nhiên, để đáp ứng được các cam kết đó, những nước này cần khẩn trương lồng ghép các chính sách khí hậu vào chiến lược kinh tế quốc gia. 

Nghiên cứu mới IMF cho thấy, hai lộ trình cần thiết để thực hiện mục tiêu này là đánh giá cam kết giảm phát thải khí nhà kính và quyết định các chính sách tài khóa.

IMF ước tính rằng, các quốc gia ở Trung Đông và Trung Á đã cùng cam kết giảm phát thải khí nhà kính hàng năm vào năm 2030, từ 13% đến 21% so với xu hướng hiện tại và tùy thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Do đó, khu vực này sẽ cần giảm lượng khí thải bình quân đầu người xuống 7% trong vòng 8 năm tới, trong khi chỉ có một số nước đạt được mức giảm như vậy mà vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong số các chính sách đáp ứng cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính của khu vực, IMF tập trung vào sự cân bằng giữa 2 loại chính sách tài khóa để hạn chế phát thải khí nhà kính: thứ nhất, các biện pháp tăng giá nhiên liệu hóa thạch; thứ hai, đầu tư công vào các nguồn năng lượng tái tạo.

Tăng giá nhiên liệu hóa thạch

Đầu tiên, các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính năm 2030 của khu vực có thể được đáp ứng thông qua việc loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, cùng với việc áp dụng từng giai đoạn thuế carbon ở mức 8 USD cho mỗi tấn khí thải CO2 tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Afghanistan và Pakistan (MENAP), và 4 USD mỗi tấn ở Caucasus và Trung Á (CCA).

Một số quốc gia đã và đang thực hiện các bước theo hướng này. Ví dụ, Kazakhstan đã giới thiệu kế hoạch mua bán khí thải, Jordan đã dần loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và Ả Rập Saudi gần đây đã xây dựng thị trường tín chỉ carbon khu vực.

Tăng giá nhiên liệu hóa thạch mang đến những thách thức trong ngắn hạn vì thế hệ hiện tại có thể phải chịu gánh nặng của quá trình chuyển đổi năng lượng. Những hộ gia đình và các doanh nghiệp dễ bị tổn thương do phụ thuộc vào giá năng lượng rẻ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Mặc dù nguồn lực tài chính bổ sung từ thu thuế và giảm trợ cấp có thể hạn chế những tác động này, nhưng tăng trưởng kinh tế có thể tạm thời chậm lại và lạm phát có thể tăng lên.

Tuy nhiên, về lâu dài, sự chuyển đổi này sẽ để lại cho thế hệ tương lai một nền kinh tế sạch, tiết kiệm năng lượng và có tiềm năng cạnh tranh hơn do được thừa hưởng nguồn tài nguyên ít biến dạng, tài chính công mạnh hơn và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo

Thứ hai, từ năm 2023 đến năm 2030, các khoản đầu tư công bổ sung vào năng lượng tái tạo trị giá 770 tỷ USD tại MENAP và 114 tỷ USD tại CCA - chiếm hơn 1/5 tổng sản phẩm quốc nội hiện tại của khu vực - có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với việc giảm trợ cấp nhiên liệu chỉ bằng 2/3 so với hiện tại và không có bất kỳ khoản thuế carbon nào.

Các dự án tái tạo quy mô lớn đã và đang phát triển trong khu vực. Ví dụ, Qatar đã phát triển nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới với công suất 800 megawatt, có thể đáp ứng khoảng 1/10 nhu cầu ở mức đỉnh của đất nước, trong khi đó, Dubai xây dựng công viên năng lượng mặt trời 5.000 megawatt, cũng là dự án lớn nhất của loại hình này.

Các dự án này sẽ mang lại một số lợi ích cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong việc thay đổi thói quen tiêu thụ năng lượng. Hơn nữa, các khoản đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo sẽ tạo ra việc làm và tăng trưởng nhanh hơn, đồng thời cải thiện an ninh năng lượng của các nước nhập khẩu dầu mỏ.

Tuy nhiên, phương án tiếp cận này cũng kéo theo một số chi phí trong dài hạn. Các khoản trợ cấp nhiên liệu còn lại có khả năng tiếp tục bóp méo giá năng lượng, hạn chế mức tăng giá nhiên liệu hóa thạch và khiến lượng khí thải ở nhiều nền kinh tế hầu như không suy giảm. Mức chi tiêu công lớn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng có thể làm suy yếu các vị thế tài khóa và ổn định kinh tế vĩ mô, khiến thế hệ tương lai có ít tài nguyên hơn.

IMF ước tính rằng, nợ chính phủ ròng vào năm 2030 có thể tăng 12% GDP ở MENAP và 15% ở CCA. Do đó, quá trình chuyển đổi năng lượng ở thời điểm hiện tại có thể khiến thế hệ tương lai đi vào con đường tăng trưởng thấp trong dài hạn.

Thời điểm hành động 

Các nhà chức trách trong khu vực đang đối mặt với một quyết định khó khăn: làm thế nào để chia sẻ gánh nặng kinh tế do giảm thiểu thiệt hại khí hậu qua các thế hệ? Những phương án kết hợp của chiến lược tài khóa này cũng phù hợp với cam kết đạt được các mục tiêu phát thải ròng của nhiều quốc gia.

Các quốc gia nên chọn một phương án phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình và các nguồn ngân sách hiện có. Chiến lược tài khóa được áp dụng sớm sẽ giúp đáp ứng các cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính đúng hạn, đồng thời hạn chế những rủi ro kinh tế tiềm ẩn.

Việc bắt đầu thực hiện sớm các chính sách tài khóa sẽ giúp công chúng có đủ thời gian để thích ứng, giúp khu vực tư nhân điều chỉnh theo những thay đổi chính sách dự kiến ​​và cơ quan chức năng có thể thực hiện các chính sách nhằm giải quyết các tác dụng phụ tiềm ẩn, bao gồm cả việc cải thiện mạng lưới an toàn xã hội.

Cuối cùng, khởi đầu sớm sẽ thúc đẩy các chính sách và cải cách cơ cấu hoạt động, giúp các quốc gia trong khu vực định hướng một con đường suôn sẻ và hướng tới các nền kinh tế xanh hơn.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ