Tóm tắt: Những làn sóng dịch COVID-19 liên tiếp xuất hiện với diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống cũng như sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã suy yếu nguồn dự trữ, thậm chí vắt kiệt tài chính nhằm vượt qua dịch bệnh. Để đối phó với dịch bệnh, nhiều chính sách tài khóa- tiền tệ được Chính phủ gấp rút triển khai. Bên cạnh những tác động tích cực nhằm hỗ trợ nền kinh tế, vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được hết hiệu quả chính sách đưa ra. Bài viết này của nhóm tác giả tập trung chỉ ra thực trạng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Từ khóa: COVID-19, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
POLICIES SUPPORTING VIETNAM BUSINESSES AFFECTED BY COVID - 19: REALITY AND SOLUTIONS
Abstract: The consecutive waves of COVID-19 pandemic with complicated developments have seriously affected all aspects of lives as well as production business. Reserves of many businesses have seriously weakened, even their capital are squeezed in order to overcome the pandemic. To cope with the pandemic, many fiscal and monetary policies were urgently launched the Government. Beside positive effects, there are still limitations and obstacles, leading to the fact that these policies can not fully be promoted. This article tries to point out the implementation of solutions to support Vietnamese businesses affected by the COVID-19 pandemic.
Keywords: COVID-19, solutions to support businesses
Đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vào tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và liên tục lan rộng trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Kể từ khi bắt đầu xuất hiện, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn bùng phát dịch với gần 10 triệu ca nhiễm (JHU CSSE COVID Data, ngày 4/4/2022).
Việc liên tục phải chống đỡ với sự biến đổi của dịch bệnh cũng như tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như người lao động. Trong thời gian tới, đại dịch COVID-19 dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi cần tiếp tục triển khai kịp thời, linh hoạt và hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sớm ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
I. Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với các doanh nghiệp Việt Nam
* Về tình hình đăng ký kinh doanh:
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 là 116.839 doanh nghiệp, giảm 13,4% so với năm 2020, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 43.116 doanh nghiệp, giảm 2,2% so với năm 2020. Sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm qua. Số doanh nghiệp mới ra đời giảm 13,4% so với năm 2020, là mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay. Số vốn đăng ký thành lập trong năm 2021 cũng chỉ đạt 1.661.109 tỷ đồng, giảm 27,9% so với năm 2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2021 là 4.135.966 tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm 2020. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8%. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 54.960 doanh nghiệp, tăng 18% so với năm 2020, chủ yếu thuộc các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ (36,9%), xây dựng (13,8%), công nghiệp chế biến, chế tạo (11,9%). Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 48.127 doanh nghiệp, tăng 27,8% so với năm 2020 và tăng ở 16/17 lĩnh vực, trong đó các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là bán buôn, bán lẻ (35,7%), xây dựng (12,9%), công nghiệp chế biến, chế tạo (12%). * Về tình hình sức khỏe doanh nghiệp:
Kết quả điều tra khảo sát do VCCI thực hiện tháng 9/2021 trên gần 3.000 doanh nghiệp, cho thấy:
Về chuỗi giá trị, trung bình có 96,2% doanh nghiệp gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị. Các vấn đề này có thể là khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, khó khăn khi quản lý nhân công hay đứt gãy chuỗi cung ứng. Tương tự, dịch bệnh trên toàn cầu gây ra trở ngại lớn về duy trì chuỗi cung ứng với 51,4% doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, dịch bệnh gây đình đốn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khiến việc quản lý tài sản, dòng tiền trở thành một thách thức lớn. 57,6% doanh nghiệp gặp phải khó khăn này. Việc triển khai các biện pháp giãn cách xã hội đòi hỏi doanh nghiệp phải tổ chức lại mô hình làm việc và duy trì trong một thời gian dài tình trạng làm việc từ xa. Chính vì thế, khoảng 57,2% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong quản lý nhân sự trong thời kỳ dịch bệnh.
Về doanh thu, khoảng 71% doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020, trong đó có 87,5% doanh nghiệp trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các ngành khác cũng có doanh thu giảm mạnh, với tỷ lệ doanh nghiệp dự tính giảm doanh thu dao động trong khoảng từ 45,9 - 87%.
Sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh,... kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không tiếp tục bị đóng băng gần như mọi hoạt động, kéo theo hơn 2 triệu lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh lượng công việc. Theo đánh giá của ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra cho nền kinh tế Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 ước tính lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ đô la Mỹ.
Bên cạnh đó, nếu các doanh nghiệp bị dừng hoạt động quá lâu, làn sóng phá sản doanh nghiệp có thể sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Đáng quan ngại, với các doanh nghiệp FDI, nếu bị thiệt hại quá nhiều do dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc rút khỏi thị trường. Trường hợp đó sẽ dẫn tới đình đốn ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam, kéo theo đó là giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ sụt giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu ngân sách nhà nước. Những vấn đề về thất nghiệp, gánh nặng chi an sinh xã hội của Nhà nước theo đó có thể gia tăng đáng kể.
II. Thực trạng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Đứng trước những khó khăn gây ra bởi dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa có tiền lệ nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua đại dịch.
1. Giải pháp hỗ trợ liên quan đến gia hạn, miễn giảm thuế
Trong năm 2020, để hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, bao gồm:
- Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được Chính phủ ban hành theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020.
- Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 được Chính phủ ban hành theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020.
- Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng.
Theo đó, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng).
Năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong khi diễn biến dịch COVID-19 còn hết sức phức tạp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Để Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế gồm:
- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019.
- Miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021.
- Giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.
- Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.
Nghị định có hiệu lực thi hành đồng thời với ngày có hiệu lực của Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 (ngày 19/10/2021). Việc ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 nhằm triển khai kịp thời các giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội.
2. Giải pháp hỗ trợ liên quan đến lãi suất
Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế, đồng thời đối phó với tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động, liên tục giảm các mức lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm). Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).
Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, 16 ngân hàng này đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng là 21.244 tỷ đồng, đạt 105,13% so với cam kết.
3. Giải pháp hỗ trợ liên quan đến cơ cấu thời hạn trả nợ
Ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, NHNN đã ban hành Thông tư 01 cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sau đó là Thông tư 03, sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 01.
Ngày 7/9/2021, Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN tiếp tục sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng COVID-19. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà:
- Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022.
- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
- Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/6/2022.
Tính đến cuối tháng 10/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 260.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ ngày 23/1/2020 khoảng 550.000 tỷ đồng.
Việc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ không chỉ giúp doanh nghiệp không phải chịu lãi phạt quá hạn, mà còn giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận với các khoản vay mới do không bị vướng vào nợ xấu. Đó là điều vô cùng quan trọng khi mà dự báo thời gian tới doanh nghiệp cần thêm rất nhiều vốn để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các đơn hàng. Giải pháp này vừa giúp khách hàng vượt qua khó khăn mà cũng giúp chính ngân hàng thu được nợ.
4. Giải pháp hỗ trợ liên quan đến cấp tín dụng
NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng... Tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tính đến ngày 31/12/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 13,53% so với cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình khác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Đối với Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất (theo Nghị quyết số 68/ NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ), NHNN đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với NHCSXH để cho vay theo Nghị quyết số 68/ NQ-CP số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động (tính đến cuối tháng 9/2021).
NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai tín dụng chính sách, hỗ trợ tín dụng để góp phần không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giá trị, chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa, đánh giá khó khăn của nền kinh tế, các địa phương, các đối tượng, ngành nghề và loại hình doanh nghiệp để có các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, một trong những giải pháp được triển khai rất hiệu quả thời gian qua, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Như vậy có thể thấy, hàng loạt chính sách đã được Chính phủ liên tiếp đưa ra dựa trên sự biến động liên tục và bối cảnh thực tế thích ứng với dịch bệnh nhằm duy trì sản xuất, ổn định đời sống cũng như vẫn giữ vững các quan điểm điều hành trong việc chống dịch ở mỗi thời kỳ. Tuy vậy, sự lây lan mạnh mẽ cùng với những biến chủng liên tục thay đổi đã khiến kinh tế Việt Nam năm 2021 thực sự rơi vào khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm nghiêm trọng trong quý III/2021 đã tạo ra áp lực mạnh mẽ trong việc điều chỉnh chính sách nhằm thích ứng với diễn biến dịch.
III. Một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động đối phó với những khó khăn trong thời kỳ dịch COVID-19, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch COVID-19, tuy nhiên trong quá trình triển khai các giải pháp còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như:
(1) Việc triển khai một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
(2) Tỷ lệ doanh nghiệp, người lao động tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp.
(3) Chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của COVID-19 hiện cho thấy nhiều bất cập ở khâu thực thi khi doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn, gồm: lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ. Với các thủ tục này, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhóm cần hỗ trợ nhất, có thể lại là nhóm khó tiếp cận chính sách nhất. Sự sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai cũng có thể khiến tiến độ hỗ trợ bị chậm trễ.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh hiện nay, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:
(1) Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công cụ thuế cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ trên cơ sở đánh giá tác động của dịch COVID-19.
(2) Trong quá trình thực thi chính sách, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.
(3) Trong quá trình triển khai các giải pháp, cần lưu ý một số rủi ro sau: rủi ro thể chế làm chậm tiến độ bơm tiền kích thích tiêu dùng và đầu tư, rủi ro tham nhũng và sợ trách nhiệm có thể làm giảm hiệu lực và hiệu quả của gói kích thích, rủi ro chệch mục tiêu, các chính sách hỗ trợ cần hướng vào đúng và trúng đối tượng.
(4) Về phía các địa phương, cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó có giải pháp tiếp sức doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Một vấn đề quan trọng khác là phối hợp với các doanh nghiệp thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp.
(5) Đối với cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, để trụ vững, cần tiếp tục nỗ lực, phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn, chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Trong hơn 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững niềm tin, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ; tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể. Trong bối cảnh các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ kịp thời, có ý nghĩa quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động, từ đó có nguồn lực để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hơn nữa, thông qua việc duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, các chính sách này cũng sẽ góp phần duy trì và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tuy vậy, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp đòi hỏi các chính sách đưa ra phải liên tục linh hoạt, thay đổi phù hợp bối cảnh.
Tài liệu tham khảo:
- Châu Thanh, 2022, Tổng hợp chế độ, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn do COVID-19, Thư viện pháp luật, tháng 1/2022.
- Nguyễn Minh Phong, 2021, Linh hoạt chính sách tài chính- tín dụng giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch, Báo Chính phủ, tháng 11/2021.
- Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2021.
- VCCI, Báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại “Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp” ngày 26/9/2021.
- Moh.gov.vn; gso.gov.vn;...
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 8 năm 2022
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|