Chính sách chuyển đổi số tại Singapore và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(Banker.vn) Phong trào Kỹ thuật số Singapore (SG:D) là sự hưởng ứng của Singapore đối với chuyển đổi số - giải pháp được quốc gia này xác định là cánh cửa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Chuyển đổi số đã và đang tác động đến nhiều mặt lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt là sự phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, nền tảng của chuyển đổi số là công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu và chuyển đổi số. Công nghệ thông tin là sử dụng các phương tiện, chủ yếu là máy vi tính để số hóa dữ liệu. Số hóa dữ liệu là hình thức chuyển đổi thông tin từ dạng vật lý hay Analog sang định dạng kỹ thuật số, là bước đệm hướng tới số hóa quy trình. Chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp giành được khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư của mình. Chuyển đổi số cũng tạo ra những cơ hội và giá trị mới cho doanh nghiệp. Ở cấp độ vĩ mô, chuyển đổi số diễn ra ở ngành, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thậm chí cả quốc gia. Chuyển đổi số cấp vĩ mô là quá trình xây dựng các thành phố thông minh, chính phủ số. Ứng dụng chuyển đổi số sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong quá trình đó, các doanh nghiệp sẽ phải đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh từ mô hình truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng... Qua việc sử dụng công nghệ, các thông tin về sản phẩm dịch vụ được phản ánh từ người sử dụng sẽ được dùng để điều chỉnh sản phẩm dịch vụ sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới như: Grab, Uber, AirBnb... Hiện nay, phong trào Kỹ thuật số Singapore là phản ứng của Singapore với chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp và lực lượng lao động của quốc gia này chuẩn bị và thích ứng với nền kinh tế số.

1. Thực trạng áp dụng chuyển đổi số của Singapore

Phong trào Kỹ thuật số Singapore (SG:D) đã được giới thiệu vào năm 2017 để khuyến khích Chính phủ, công ty, tổ chức và các cá nhân hợp tác cùng nhau phát triển kinh tế số.

Từ năm 2018 đến nay, Singapore đặt ra những mục tiêu rõ ràng liên quan đến việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia bằng việc thúc đẩy áp dụng trí tuệ nhân tạo và kỹ năng phân tích dữ liệu cho các doanh nghiệp, người dân và người lao động trong nước. Các dự án chiến lược được thiết lập và đặt mục tiêu đến năm 2023, yêu cầu các công chức phải có kỹ năng đọc viết, kỹ thuật số cơ bản và các cơ quan bộ, ngành phải có ít nhất một dự án AI để cung cấp dịch vụ hoặc hoạch định chính sách. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự cần thiết của chuyển đổi số, trong đó việc xây dựng Chính phủ số là tối quan trọng. Điều đó đã một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của Chính phủ Singapore trong việc theo đuổi xây dựng Chính phủ số. Với bản chất của cuộc khủng hoảng, người dân cần có sự chấp nhận các dịch vụ số giúp giảm thiểu tiếp xúc vật lý và sử dụng các công cụ công nghệ thông tin (CNTT) để giữ an toàn cho mọi người. Nhận thức được tình hình chung này, nhiều cơ quan Chính phủ đã nắm bắt cơ hội đẩy nhanh việc sử dụng dữ liệu và công nghệ để tương tác tốt hơn với người dân, để hiểu rõ tình hình và thực hiện hiệu quả các hoạt động khác nhau, từ truy tìm vết đến phân phối khẩu trang. Các dịch vụ giao hàng và các chương trình hỗ trợ cũng đều được đẩy lên môi trường mạng để phục vụ người dân tốt hơn. Nền kinh tế số tận dụng lợi thế của công nghệ mới nhất để số hóa các quy trình và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Điều này thu hút các khoản đầu tư nước ngoài, do đó, tạo ra việc làm và cơ hội mới cho những người ở Singapore. Môi trường ủng hộ doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng công nghệ đầu tư, kết nối chặt chẽ với các nền kinh tế lớn của châu Á cũng như sự sẵn sàng đầu tư giúp quốc gia này có một vị trí thuận lợi để phát triển nền kinh tế số mạnh mẽ. Ba chiến lược chính đã được xác định trong Khung hành động của nền kinh tế số (Digital Economy Framework for Action) để tận dụng thế mạnh của Singapore là:

- Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore bằng cách số hóa các ngành công nghiệp và doanh nghiệp (DN).

- Phát triển một hệ sinh thái để giúp các DN luôn sôi động và cạnh tranh.

- Biến ngành Truyền thông Infocomm trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, Singapore thúc đẩy việc thanh toán ví điện tử tại quốc gia này và được cho là sẽ vượt thẻ tín dụng để trở thành phương thức thanh toán trực tuyến phổ biến nhất tại Singapore vào năm 2024. Trong năm 2020, thẻ tín dụng, ví điện tử và chuyển khoản ngân hàng là những phương thức thanh toán trực tuyến phổ biến nhất tại Singapore, với tỷ lệ tương ứng trong khối lượng giao dịch là 45%, 20% và 12%. Trong các phương thức thanh toán trên, các ví điện tử như GrabPay và DBS PayLah! được dự kiến sẽ chiếm khoảng 27% thị trường Singapore vào năm 2024.

Phong trào SG:D là sự hưởng ứng của Singapore với chuyển đổi số - để trợ giúp các doanh nghiệp và lực lượng lao động chuẩn bị và nắm lấy những khả năng này.

2. Chính sách chuyển đổi số của Singapore

Thứ nhất, Chính phủ Singapore luôn nỗ lực phát triển nền kinh tế số. Từ năm 2014, Thủ tướng Singapore đã phát động sáng kiến “Quốc gia thông minh”, được thiết lập tập trung vào 3 chủ thể quan trọng: người dân, Chính phủ và doanh nghiệp; với mục tiêu then chốt là “bất cứ ai cũng được tiếp cận công nghệ số trong các lĩnh vực: giao thông, nhà ở, môi trường, kinh doanh, y tế và các dịch vụ công”. Chính phủ còn khuyến khích đưa các ý tưởng, sáng kiến vào thử nghiệm và chấp nhận rủi ro. Mỗi năm, Chính phủ đầu tư 1% GDP cho việc nghiên cứu và phát triển CNTT, vì thế CNTT đã trở thành một phần của cuộc sống tại Singapore với 75% hộ gia đình có ít nhất một máy tính, trên 50% có kết nối Internet băng thông rộng, CNTT cung cấp 172.000 việc làm và đóng góp tới 6,5% vào GDP với .

Thứ hai, Singapore luôn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng số. Singapore đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng số hóa, qua đó thúc đẩy tăng cường năng lực và mở rộng ứng dụng số hóa trong các hộ gia đình và doanh nghiệp. Từ năm 2018, Singapore đã thực hiện quá trình chuẩn bị để triển khai mạng 5G trên toàn quốc sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý và đấu giá giấy phép. Cơ quan Phát triển Thông tin - Truyền thông Singapore (IMDA) đã dành 40 triệu SGD để nghiên cứu, phát triển và thúc đẩy ứng dụng 5G. Singapore luôn nằm trong nhóm đầu các quốc gia có tốc độ kết nối Internet nhanh nhất thế giới, một phần nhờ liên tục đầu tư cải thiện hạ tầng mạng. Tốc độ Internet nhanh hơn thúc đẩy các hộ gia đình Singapore chuyển dần nhiều hoạt động của mình vào không gian kỹ thuật số như đặt xe công nghệ, mua sắm trực tuyến và các giao dịch tài chính trực tuyến. Các doanh nghiệp cũng tăng cường sử dụng các công cụ số trong các hoạt động kinh doanh thường nhật, tăng cường áp dụng thanh toán điện tử và các dịch vụ di dộng trong kinh doanh.

Thứ ba, Singapore chú trọng phát triển ngành CNTT làm động lực nền tảng cho phát triển nền kinh tế số. Sự gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số giữa các cá nhân và các doanh nghiệp đã thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) trong những năm gần đây. Tốc độ tăng việc làm trong lĩnh vực CNTT&TT trong cùng giai đoạn đạt 2,5% mỗi năm, tuy có chậm hơn mức tăng trưởng việc làm chung của nền kinh tế (3,2%/năm). Theo đó, năng suất của ngành CNTT&TT tính bằng giá trị gia tăng trên một công nhân tăng tới hơn 4,6%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng năng suất chung của nền kinh tế (0,6%/năm) trong giai đoạn 2011-2015. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT&TT đã nâng mức đóng góp của ngành cho nền kinh tế tăng từ 7,4% trong GDP danh nghĩa năm 2011 lên 8,3% năm 2015. Giá trị gia tăng danh nghĩa của ngành đạt 32 tỷ USD trong năm 2015, trong đó ba phân ngành chiếm phần lớn giá trị gia tăng danh nghĩa bao gồm: phần cứng chiếm 40%, viễn thông 16% và dịch vụ CNTT chiếm 15%.

3. Bài học kinh nghiệm của Việt Nam

Thứ nhất: Chính phủ Việt Nam cần có chiến lược hợp lý, phù hợp, cấp thiết để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số quốc gia. Việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số cần được tiến hành theo hướng hiện đại với tính thực tiễn cao, phù hợp với định hướng phát triển quốc gia đã đặt ra. Các cơ quan quản lý của Nhà nước cần thường xuyên cập nhật, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy chế, văn bản pháp luật về khoa học - công nghệ số. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ những mô hình kinh doanh, chiến dịch quảng bá, khuyến khích phát triển dịch vụ, dòng sản phẩm, công nghệ số mang tính sáng tạo, đổi mới… Về phía doanh nghiệp, cần tập trung xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của công nghệ số, thúc đẩy phát triển sáng tạo những dòng sản phẩm, dịch vụ mới…

Thứ hai: Phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số. Đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, quản lý chặt chẽ và kiểm soát những hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là những giao dịch xuyên quốc gia. Chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc. Chú trọng chuyển đổi giao thức internet sang những thế hệ mới, mở rộng kết nối internet trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới, nâng cấp mạng 4G, đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G. Triển khai việc tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, quản lý đô thị. Xây dựng hệ thống hạ tầng thanh toán số quốc gia đồng bộ, thống nhất để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật số.

Thứ ba: Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực CNTT phục vụ cho chuyển đổi kinh tế số. Bên cạnh chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, nguồn nhân lực CNTT đóng vai trò hết sức quan trọng. Chương trình đào tạo nhân lực CNTT cần hướng đến đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục CNTT. Cập nhật giáo trình đào tạo CNTT gắn với các xu thế công nghệ mới như IoT, AI, Robot.

Phát triển nguồn nhân lực theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Nghiên cứu nội dung, phương pháp đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới; tập trung thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, ngoại ngữ, tin học; xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại kiến thức nghề nghiệp; cung cấp khả năng tự học tập một cách linh hoạt, phù hợp đối với từng tổ chức, cá nhân… Có chính sách kết nối với cộng đồng khoa học, công nghệ trong nước với nước ngoài, đặc biệt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

4. Kết luận

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung đã và đang mang dấu ấn mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo ra nhiều bước tiến đột phá cho cả Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo sự kết nối chặt chẽ các nền kinh tế trên thế giới. Điều đó đang đặt ra vấn đề cho các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân phải có những hành động để thích ứng với thực tế mới này. Trong khu vực, Singapore hiện là một trong số các quốc gia dẫn đầu về ứng dụng chuyển đổi số. Thông qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của Singapore, có thể rút ra những kinh nghiệm hữu ích giúp Việt Nam định hướng phát triển kinh tế số linh hoạt và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

1. Chử Bá Quyết, Hoàng Cao Cường (2020), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định ứng dụng ERP của các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam sử dụng khung TOE; Kỷ yếu hội thảo Khoa học quốc gia, Thương mại điện tử và các giải pháp công nghệ thông tin , NXB Thống kê, Hà Nội

2. Phạm Mạnh Lâm, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Thanh Tuyên, Phan Tâm, Rolf Weber, Mira Burri; Báo cáo Phân loại dịch vụ trong nền kinh tế số và những tác động đến quản lý nhà nước và đàm phán hiệp định thương mại tự do

3. MTI (2017) “The Digital Economy in Singapore”, Ministry of Trade and Industry, Singapore.

4. Paul Budde (2019) “Singapore – Fixxed Broadband Market, Digital Economy and Digital Media – Statistics and Analyses.

5. Huỳnh Thị Tuyết Ngân, Nguyễn Ngọc Tân, Phạm Hải Nam (2021). “Tác động của chuyển đổi số đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia châu Á” – Tạp chí nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, năm thứ 32, số 9 (2021), 63-83

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 1 và 2 năm 2023

ThS. Đỗ Thị Lan Anh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục