Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Tác động tích cực đến an sinh xã hội

(Banker.vn) Mặc dù mới triển khai hơn 10 năm tại Việt Nam, song chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã nhanh chóng trở thành điểm tựa an sinh xã hội vững chắc.
Tăng tính hấp dẫn cho chính sách bảo hiểm thất nghiệp Bảo hiểm thất nghiệp phải đóng vai trò là bệ đỡ hỗ trợ thị trường lao động

Bảo hiểm thất nghiệp đang được triển khai thực hiện nhằm mục tiêu chia sẻ rủi ro cho người lao động, doanh nghiệp trước những biến động của nền kinh tế, xã hội đặc biệt trong bối cảnh “làn sóng” cắt giảm giờ làm, tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng cao. Ông Lê Quang Trung – nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trao đổi về chính sách này với Báo Công Thương.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Tác động tích cực đến an sinh xã hội
Bảo hiểm thất nghiệp thực hiện mục tiêu hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Ảnh: TTXVN

Kể từ năm 2009, khi Luật Bảo hiểm Xã hội có hiệu lực cho đến năm 2015 Luật Việc làm được Quốc hội thông qua, đến nay bảo hiểm thất nghiệp có hơn 10 năm thực hiện. Ông có thể cho biết rõ hơn về cơ chế, đặc điểm của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong hệ thống lưới an sinh?

So với thế giới, Việt Nam là nước triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp muộn hơn. Và hiện là nước thứ 79 trên thế giới thực hiện chính sách này. Nguyên tắc của chính sách đó là chia sẻ rủi ro giữa người tham gia; mức đóng dựa trên cơ sở thu nhập và mức hưởng dựa trên cơ sở mức đóng thể hiện sự chia sẻ nhân văn của chính sách. Trong quá trình thực hiện, chính sách có 4 chế độ: Trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Theo đó, nếu gặp rủi ro về việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, quan trọng hơn nữa là có các biện pháp để hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, đồng thời, người thất nghiệp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.

Với ý nghĩa trên, dù chỉ mới triển khai thực thiện trong một thời gian rất ngắn, chính sách đã có tác động tích cực và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người lao động. Trong đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, với mục tiêu hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.

Đặc biệt, sau 14 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện rõ vai trò, vị trí, là giá đỡ, trụ cột đối với người lao động và người sử dụng lao động. Và điều quan trọng nhất của chính sách theo tôi đó là luôn đồng hành cùng người lao động, hỗ trợ người lao động trong quá trình làm việc cũng như khi họ mất việc.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Tác động tích cực đến an sinh xã hội
Ông Lê Quang Trung – Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Là chính sách chia sẻ rủi ro, bảo đảm cuộc sống đối với người lao động, ông có đánh giá như thế nào về các kết quả cũng như quá trình phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Hơn 10 năm qua chúng ta thành công triển khai tổ chức chính sách bảo hiểm thất nghiệp, dù bối cảnh kinh tế, xã hội đất nước có nhiều khó khăn nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành, trong đó có ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta đã thường xuyên thông tin thị trường lao động, tổ chức các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề tới người lao động, qua đó thực hiện đúng phương châm của chính sách đó là hỗ trợ "đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời gian"... nhờ đó chính sách bảo hiểm thất nghiệp mang lại kết quả tích cực.

Cụ thể, những năm qua số lượng đối tượng tham gia và quy mô của Quỹ bảo hiểm thất nghệp tăng nhanh chóng, từng bước xã hội hóa nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đơn cử, năm 2021, dù chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 nhưng đã có 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp vượt so với chỉ tiêu đề ra. Năm 2022, có khoảng hơn 15 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đáng chú ý, trong hơn 2 năm đại địch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và hàng ngàn người lao động. Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống, người lao động thất nghiệp và gia đình.

Bên cạnh đó, người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được cung cấp thông tin về thị trường lao động để tìm việc làm và sớm trở lại thị trường lao động, được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh.

Năm 2021 được xem là dấu ấn đối với chính sách bảo hiểm thất nghiệp khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người lao động với kinh phí hơn 30.000 tỷ đồng, đây là được xem là gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay. Ông nhận định như thế nào về quyết sách này?

Như chúng ta đã thấy, dịch Covid-19 đã khiến nhiều cho rất nhiều doanh nghiệp “điêu đừng” khi đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, buộc họ phải đóng cửa hoặc cắt giảm lao động. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người lao động với kinh phí hơn 30.000 tỷ đồng.

Theo tôi, đây là một quyết sách đúng đắn, kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động. Gói hỗ trợ thực hiện trong thời gian ngắn và chưa có tiền lệ. Trong quá trinh triển khai gối hỗ trợ, chúng tôi đánh giá cao sự quyết liệt, nhạy bén của cơ quan chức năng, nhất là ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam… để sớm đưa gói hỗ trợ đến kịp thời với người lao động, người sử dụng lao động.

Dù đạt nhiều kết quả, song bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động. Việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thể hiện được vai trò là công cụ quản trị thị trường hiệu quả. Theo ông cần giải pháp gì để tháo gỡ hạn chế này?

Trên thực tế triển khai, chúng ta đều nhận thấy đó là một số người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình về bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, còn xảy ra tình trạng cố tình hưởng bảo hiểm thất nghiệp sai quy định, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp gây ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, phần lớn người sử dụng lao động chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định tại Nghị định 28/2015/NĐ-CP nên không cập nhật được số liệu về tình hình lao động tại địa phương.

Đặc biệt, kinh phí và vấn đề nhân sự tại các trung tâm dịch vụ việc làm còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là, định suất nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội từ năm 2011 đến nay chưa được bổ sung trong khi số người đề nghị và hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2011 dẫn đến khối lượng công việc của nhân sự thực hiện bảo hiểm thất tại các trung tâm dịch vụ việc làm rất lớn.

Do vậy, để thực hiện bao phủ chính sách, cần nới điều kiện cho nhóm dễ tổn thương tham gia chính sách; rà soát, phát hiện, sửa đổi và bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, trong đó mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cải tiến quy trình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tổ chức, thực hiện đúng, đầy đủ các quy định hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp thông qua rà soát các đối tượng tham gia; thực hiện việc thông báo biến động lao động của các doanh nghiệp; thực hiện việc thông báo hàng năm cho từng người lao động về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; chốt sổ bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp; tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương