Chính phủ họp phiên chuyên đề pháp luật, thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

(Banker.vn) Ngày 24/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022. Tại đây, Chính phủ thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

9 nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

Chủ tịch Quốc hội: Rà soát, bảo đảm tính khả thi, thống nhất của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Phiên họp thảo luận về 4 dự án luật quan trọng trước khi trình, phục vụ Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV là: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị; dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; dự án Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính chuẩn bị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022 - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022 - Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được xác định rất rõ tại các Đại hội Đảng toàn quốc gần đây.

Chính phủ tiếp tục khẳng định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thường xuyên, xác định đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, yêu cầu bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật.

Thời gian qua, các thành viên Chính phủ đã bám sát chương trình làm việc của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chủ động, tích cực xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền, tạo những chuyển biến, kết quả tích cực trong công tác này.

Thủ tướng nêu rõ, 4 dự án luật được thảo luận tại phiên họp đều hết sức quan trọng, có phạm vi, đối tượng rộng, nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định.

Đây là những dự án luật rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội sau đại dịch và trước những cú sốc từ bên ngoài do những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường trên thế giới.

Trong 4 dự án luật trên, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được dư luận quan tâm đặc biệt. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều. Sửa đổi, bổ sung 153 điều. Bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

So với Luật Đất đai 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 7 vấn đề mới được đưa vào như công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; chủ yếu giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn, động lực phát triển, có yêu cầu về hạ tầng đồng bộ, về kiến trúc.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bỏ quy định về khung giá đất. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, bỏ khung giá đất thì bảng giá đất sẽ tiệm cận với giá đất cụ thể và góp phần tiến tới xóa bỏ cơ chế hai giá, giảm thất thoát, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán