Chính phủ đề xuất cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 27 thành viên

(Banker.vn) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa trình Quốc hội xem xét cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 27 thành viên, trong đó giảm 1 Phó Thủ tướng so với khóa XIV.

Chiều ngày 26/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình Quốc hội cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Căn cứ Điều 95 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Căn cứ Điều 2 của Luật tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13; Căn cứ Nghị quyết số 08/2021/QH15 ngày 23/7/2021 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ trân trọng trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV gồm 27 thành viên, cụ thể: Thủ tướng Chính phủ, 05 Phó Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 01 Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và 21 Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cơ bản phù hợp với giai đoạn phát triển 2016 – 2021, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng, bảo đảm khoa học, hợp lý; qua đó, hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, phù hợp, bao quát toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội; thực hiện đúng vị trí, vai trò là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp.

Với Phương án cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc xác định cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ phải căn cứ vào cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ vừa bảo đảm sự kế thừa, ổn định, vừa có sự đổi mới, thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật; cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định.

Về mục tiêu, thực hiện cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Về nguyên tắc, việc kiện toàn cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp cần điều chỉnh thì trình Quốc hội phê chuẩn để đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ trong từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

Trên cơ sở đó, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 27 thành viên, gồm:

- Thủ tướng Chính phủ.

- Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Có 04 Phó Thủ tướng Chính phủ, dự kiến phân công chỉ đạo các lĩnh vực sau: Ngoại giao và hội nhập quốc tế, xây dựng pháp luật, tổ chức bộ máy, tôn giáo, dân tộc; Kinh tế tổng hợp và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Kinh tế ngành; Khoa giáo - Văn xã.

- 18 Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế.

- 04 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

 Toàn cảnh phiên họp

Đánh giá phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV đã được Chính phủ khóa XIV chuẩn bị kỹ lưỡng, Báo cáo thẩm tra cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày trước Quốc hội cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí phương án giữ cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, gồm 18 Bộ, 04 cơ quan ngang Bộ. Việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ là cơ sở để tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ, bên cạnh những nội dung trên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần xây dựng lộ trình tiếp tục thực hiện việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội, trong đó, có yêu cầu “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, “tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số Bộ, ngành, nhất là những Bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới… ”.

Thứ hai, việc “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền” cần gắn với các điều kiện bảo đảm thực hiện, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đề cao trách nhiệm của các Bộ, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền. Vấn đề này còn liên quan chặt chẽ đến các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội , do vậy, đề nghị Chính phủ lưu ý chỉ đạo rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.

Thứ ba, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và rà soát kỹ các nội dung giao thoa giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ để sớm có phương án giải quyết triệt để, đồng thời, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các Bộ, đặc biệt là đối với các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Thanh Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục