Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu

(Banker.vn) Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói về giải pháp dự trữ xăng dầu Đảm bảo đủ nguồn cung, không để gián đoạn trong kinh doanh xăng dầu tại Thái Nguyên và Bắc Kạn Mua điện nhưng cũng tránh tình trạng trục lợi chính sách, sập hệ thống

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã cơ bản đồng tình, quan tâm đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về các báo cáo của Chính phủ đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Hầu hết các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, những kết quả đạt được đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tình hình kinh tế, xã hội 7 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có xu hướng phát triển tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính ngân sách của nhà nước tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vị đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đóng góp, gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những định hướng, giải pháp quan trọng, khả thi, sát thực tiễn trên các lĩnh vực. Trong ngày 21/8 và sáng 22/8, đã có 9 thành viên Chính phủ tham gia giải trình, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Làm rõ thêm một số vấn đề liên quan về lĩnh vực Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, về đảm bảo an ninh năng lượng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Bên cạnh đó, đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhằm đa dạng các nguồn điện xanh, sạch (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối…).

Đồng thời, đã ban hành Nghị định số 80/NĐ-CP quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, công khai, minh bạch; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện.

"Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết tại COP26" - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng cho hay, để bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, bám sát thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, sát thực tiễn; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống; quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá phù hợp, đúng quy định.

Cùng với đó, tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ xăng dầu; kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia; tiếp tục hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu; ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục