Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời chất vấn

(Banker.vn) Chiều 15/8, tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản? Bộ Nông nghiệp nói gì về bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo?

Tạo sự bứt phá cho ngành nông nghiệp

Trong buổi chiều nay 15/8/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về 3 nhóm vấn đề.

Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

Thứ nhất, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...).

Thứ hai, hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.

Thứ ba, việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 15/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có những nội dung được Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.

Bên cạnh đó, ngành cũng cần tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Vì vậy, việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực này là hết sức cần thiết với kỳ vọng sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn và tạo sự phát triển bứt phá cho ngành nông nghiệp thời gian tới - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu

Nêu các kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn 7 tháng đầu năm 2023 trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, về trồng trọt, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa và lúa Thu Đông, chăm sóc và thu hoạch lúa Hè Thu, các loại cây trồng đều phát triển tốt. Lúa gieo cấy 6.175,3 nghìn ha lúa, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; đã thu hoạch 3.677,4 nghìn ha, giảm 0,8%; sản lượng đạt 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.

Về chăn nuôi, ga súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Ước tính đàn trâu giảm khoảng 1,8%, đàn bò tăng khoảng 1,0%, đàn lợn tăng 2,8%, đàn gia cầm tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, về lâm nghiệp, thời tiết chuyển nắng nóng kéo dài ở hầu hết các địa phương làm giảm tiến độ trồng rừng mới, nguy cơ cháy rừng cao. Kết quả, trồng 133,1 nghìn ha rừng, tăng 1,9%; sản lượng gỗ khai thác 10.492,9 nghìn m3, tăng 2,8%; về thủy sản, hoạt động nuôi trồng tăng khá do đang là thời điểm thu hoạch, hoạt động khai thác chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi mùa mưa bão. Tổng sản lượng 5,09 triệu tấn, tăng 1,9%; trong đó nuôi trồng 2,81 triệu tấn, tăng 3,1%; khai thác 2,28 triệu tấn, tăng 0,4%.

"Các cân đối cung - cầu, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm vững chắc; nguồn cung, sản lượng lúa gạo, thịt hơi, sữa tươi, trứng gia cầm, thuỷ sản… đáp ứng tiêu dùng nội địa và cho xuất khẩu" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về tiêu thụ, phát triển thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 52,37 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước (vẫn duy trì xuất siêu 5,88 tỷ USD). Đáng chú ý, thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%.

Một số nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: Nông sản đạt gần 15 tỷ USD, tăng 13,2% (trong đó: hàng rau quả 3,23 tỷ USD, tăng 68,1%; Gạo 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; Hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; Cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%); sản phẩm chăn nuôi đạt 276 triệu USD, tăng 27,4%.

Còn về thị trường xuất khẩu, 7 tháng đầu năm, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 20,4%, giảm 29,3% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 6,9%.

Trong các tháng cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, nhất là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Trong đó, tập trung các nội dung, đột phá sau: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Định hướng các địa phương có kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu...); mở cửa các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi...; Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Mặt khác, phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành....

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương