Chiến sự Nga-Ukraine ngày 18/7/2024: Ukraine không thể tập trung lực lượng gần Kharkov, gửi đạn chờ tiêu hủy ra tiền tuyến

(Banker.vn) Thông tin chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 18/7/2024: Ukraine không thể tập trung lực lượng gần Kharkov, gửi đạn chờ tiêu hủy ra tiền tuyến.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày 15/7/2024: NATO 'bật đèn xanh' cho Ukraine 'mạnh tay' với Nga; Moscow kiểm soát thêm làng ở Donetsk Chiến sự Nga-Ukraine ngày 16/7/2024: Nga ra lệnh ‘cấm xâm nhập’; phương Tây cáo buộc Nga sử dụng vũ khí hóa học Chiến sự Nga-Ukraine 17/7/2024: Chiến lược phương Tây ở Ukraine thất bại; Nga trao thưởng cho phi công bắn hạ F-15, F-16

Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:

Ukraine không thể tập trung lực lượng lớn gần Kharkov

Theo giới chức Nga, lực lượng vũ trang Ukraine đang phản công theo các nhóm nhỏ gần Kharkov, do các cuộc tấn công của nhóm quân phía Bắc (Nga) khiến Kiev không thể tập trung đội hình lớn.

Các nhóm gồm 12, tối đa 15 binh sĩ của Ukraine đang phản công trên các phương tiện bọc thép hạng nhẹ như xe bọc thép Kozak, xe bọc thép chở quân M113…, Tuy nhiên, đối phương không thể đến gần vị trí của chúng tôi”, quân đội Nga cho biết.

Theo phía Nga, ngay từ khi bắt đầu giai đoạn mới của chiến sự ở Kharkov, các nhóm UAV Lancet của Nga là một trong những đơn vị có nhiệm vụ “cô lập khu vực hoạt động quân sự”.

Ukraine gửi đạn chờ tiêu hủy ra tiền tuyến

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, họ đã bàn giao lại cho lực lượng vũ trang nước này một lượng đáng kể đạn dược với nhiều cỡ nòng khác nhau. Trước khi chiến sự với Nga nổ ra vào tháng 2/2022, số đạn này đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp để tiêu hủy dưới danh nghĩa là hàng tồn kho.

Các loại đạn này - chủ yếu là đạn pháo và đạn vũ khí hạng nhẹ - đang được kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng trước khi được phân phối cho lực lượng Ukraine ở tiền tuyến.

Nga-Ukraine
Nga hạn chế đi lại tới thành phố biên giới với Ukraine. Ảnh: RIA

"Chúng tôi đang tìm kiếm đạn dược dự trữ trong nội bộ để cung cấp cho binh lính Ukraine. Vào lúc này mọi viên đạn, tên lửa và đạn dược đều quan trọng trên chiến trường. Thay vì tiêu hủy số đạn đó, chúng tôi dùng để tấn công đối phương", Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Yury Dzhyhyr cho biết.

Nga hạn chế đi lại tới thành phố biên giới với Ukraine

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết, lệnh hạn chế đi lại tới một số địa phương đông dân cư ở vùng biên giới Belgorod đã được áp dụng nhằm đảm bảo cho an ninh của người dân địa phương.

Do chiến dịch thiết lập vùng đệm ở Kharkov vẫn chưa hoàn tất, các cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng dân sự bên trong Nga vẫn tiếp diễn. Vì vậy, các biện pháp mới đã được áp dụng nhằm đảm bảo an ninh cho người dân vùng Belgorod", ông Peskov nói.

Nguyên nhân dẫn đến động thái trên của Nga là do các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc UAV nhằm vào tỉnh Belgorod, giáp biên giới Ukraine, đã trở nên phổ biến trong những tháng gần đây.

Thống đốc Vùng Belgorod, Vyacheslav Gladkov công bố hạn chế nhập cảnh tại 14 khu vực đông dân cư bắt đầu từ ngày 23/7. Cụ thể, chỉ những người đàn ông trưởng thành mới được phép vào các khu vực này với điều kiện họ lái xe bọc thép được trang bị hệ thống tác chiến điện tử, mặc áo chống đạn và đội mũ bảo hiểm, và có quân nhân hoặc quan chức thành phố đi cùng.

Các hạn chế cũng được áp dụng cho các khu định cư ở năm đô thị giáp biên giới. Các trạm kiểm soát được trang bị mô-đun trú ẩn sẽ được thiết lập trên đường đến những khu vực này. Phương tiện giao thông công cộng, bao gồm cả taxi, sẽ bị cấm vào các khu định cư.

Đức giảm viện trợ quân sự cho Ukraine

Chính phủ Đức đã phê chuẩn dự thảo ngân sách cho năm 2025, trong đó bao gồm số tiền viện trợ cho Ukraine chỉ bằng 1/2 so với năm 2024. Năm 2024, Đức phân bổ 8 tỷ Euro để trang bị và huấn luyện cho các lực lượng Ukraine nhưng năm 2025, số tiền viện trợ cho Kiev chỉ còn một nửa.

Năm 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố ‘'Zeitenwende’' - một bước ngoặt về chính sách quốc phòng của Đức. Khi đó, chính phủ liên minh của ông công bố kế hoạch trị giá 100 tỷ Euro để hiện đại hóa quân đội. Quỹ hiện đại hóa đặc biệt dự kiến ​​sẽ cạn kiệt vào năm 2028, khi Đức đáp ứng khuyến nghị của NATO về việc chi 2% GDP cho quốc phòng. Nước này cũng cùng với các thành viên khác trong khối do Mỹ đứng đầu hỗ trợ Kiev bằng vũ khí và các hình thức viện trợ khác.

New York Times: Ukraine muốn đàm phán chấm dứt xung đột

Tờ New York Times cho biết, chính quyền của Tổng thống Zelensky đang theo đuổi kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua với Nga thông qua đàm phán.

Mới đây, ông Zelensky cho biết, ông kỳ vọng Nga sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần thứ hai, dự kiến được tổ chức vào tháng 11.

"Tôi đặt ra nhiệm vụ là vào tháng 11, sẽ có một kế hoạch được vạch ra. Mọi thứ sẽ sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh mới. Chúng tôi sẽ sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai sớm nhất có thể và tôi tin rằng các đại diện của Nga nên có mặt tại hội nghị thượng đỉnh này", ông Zelensky nói.

Ông lưu ý, sẽ có 3 cuộc họp riêng biệt, tập trung vào an ninh năng lượng, tự do hàng hải và trao đổi tù nhân, để mở đường cho một hội nghị cấp cao khác.

Quan chức Nga nói về thời điểm kết thúc chiến dịch ở Ukraine

Thiếu tướng Apty Alaudinov, Phó Cục trưởng Chính trị - Quân sự của Lực lượng vũ trang Nga, đồng thời là chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Akhmat cho biết, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ kết thúc trước cuối năm nay.

"Những người như ông Trump, ông Zelensky... họ đến rồi đi, trong khi phần lớn chúng ta chỉ trông cậy vào Chúa trời. Tôi sẽ nói thế này: Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ hoàn tất trong năm nay. Tôi chắc chắn về điều đó. Tôi có lý do để khẳng định như vậy", ông Alaudinov nói.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục