Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 4/11/2023: Mỹ cắt giảm các gói viện trợ quân sự cho Ukraine

(Banker.vn) Chiến sự Nga-Ukraine ngày 4/11/2023: Mỹ đang phải giảm dần các gói viện trợ dành cho Ukraine do nguồn tài chính được Quốc hội nước này phân bổ đã cạn kiệt.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 3/11/2023: Binh sĩ Ukraine sẽ được phép xuất ngũ? Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 4/11/2023: Ông Putin nêu lý do mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine

Phát biểu với báo giới, Thư ký Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố, Mỹ đang phải giảm dần các gói viện trợ dành cho Ukraine do nguồn tài chính được Quốc hội nước này phân bổ đã cạn kiệt.

Bà Karine Jean-Pierre nhấn mạnh, các gói hỗ trợ quân sự nhỏ hơn đang bắt đầu được phân bổ cho Kiev. Nhà Trắng sẽ nỗ lực để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột “càng lâu càng tốt”.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 4/11/2023: Mỹ cắt giảm các gói viện trợ quân sự cho Ukraine

Mỹ đã phải giảm viện trợ cho Ukraine do cuộc xung đột tại Israel bùng phát. Ảnh: Getty.

Ngoài ra, bà Jean-Pierre kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về khoản tài chính bổ sung 60 tỷ USD. Nếu được thông qua, Quốc hội Mỹ sẽ chứng minh rằng “Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine”.

Trước đó, trong gói viện trợ mới, Washington dự kiến phân bổ 125 triệu USD viện trợ quân sự cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Lầu Năm Góc tuyên bố, viện trợ cho Ukraine là một khoản đầu tư giúp bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và nhiều mục đích khác. Tổng cộng, chi phí của gói hỗ trợ quân sự tiếp theo từ Mỹ dành cho Ukraine ước khoảng 425 triệu USD.

Liên quan tới tuyên bố giảm viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine, lãnh đạo Ủy ban tài chính của Verkhovna Rada, Daniil Getmantsev cho biết Kiev đang nghĩ đến “Kế hoạch B” nếu các nước phương Tây không muốn tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, ông Daniil Getmantsev nói thêm rằng cho đến nay chính quyền Kiev thấy chưa cần thiết phải bắt đầu thực hiện các biện pháp bổ sung.

Liên quan tới khả năng đàm phán giải quyết xung đột Ukraine, tờ NBC News của Mỹ đăng tải, giới chức châu Âu đang tìm cách thuyết phục Kiev nối lại đàm phán với Moscow.

Mặc dù các cuộc thảo luận vẫn có tính chất rất chung chung, nhưng trong số những vấn đề khác, châu Âu đang thảo luận về những gì Kiev sẽ phải hy sinh vì một thỏa thuận hòa bình với Moscow. Lý do cho những cuộc trao đổi như vậy là do niềm tin ngày càng tăng tại Mỹ và NATO rằng cuộc xung đột đã đi vào ngõ cụt và phải kết thúc, vì các nước phương Tây sẽ ngày càng khó hỗ trợ Kiev hơn.

“Ukraine đang cạn kiệt sức lực, trong khi nguồn dự trữ của Nga dường như vô tận”, NBC News đăng tải.

Các nguồn tin của NBC News cho biết, Ukraine có thể có thời gian đến cuối năm nay trước khi có những thảo luận ngày càng lớn về sự cần thiết phải chấm dứt xung đột thông qua đàm phán.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 4/11/2023: Mỹ cắt giảm các gói viện trợ quân sự cho Ukraine

Khi cuộc xung đột rơi vào bế tắc và không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự, Mỹ và châu Âu đang tìm cách thuyết phục Ukraine nối lại đàm phán với Nga. Ảnh: RIAN.

NBC News dẫn bình luận của các chuyên gia quân sự đánh giá tình hình ở Ukraine đã trở nên bế tắc, không ai có thể chắc chắn rằng Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ có thể thực hiện một cuộc tấn công lớn vào mùa xuân 2024. Mỹ và NATO có thể cung cấp cho Ukraine nhiều thiết bị và vũ khí hơn, nhưng ở Ukraine không có người có đủ năng lực để sử dụng chúng một cách thành thạo và hiệu quả.

Vì cuộc thảo luận chỉ ở mức độ ban đầu nên các biện pháp cụ thể để hỗ trợ thêm cho Ukraine vẫn chưa được nêu rõ. Trong số các lựa chọn chính có một số đảm bảo an ninh từ NATO, nhưng Kiev sẽ không thể tham gia liên minh.

Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, họ rất ngạc nhiên khi sự quan tâm đến các sự kiện ở Ukraine bắt đầu giảm nhanh chóng khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát ở Cận Đông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden rất quan tâm đến vấn đề Ukraine, nhưng phải đối mặt với sự phản kháng ngày càng tăng từ bên trong giới tinh hoa Mỹ.

Chính quyền Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán với phía Ukraine. Nhưng trước tiên, như Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Kiev phải hủy bỏ sắc lệnh cấm đàm phán với Moscow.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã gọi việc đưa Ukraine và Nga trở lại biên giới kể từ năm 1991 và những đảm bảo an ninh từ phương Tây là điều kiện để chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, cả Mỹ và châu Âu đều nhận định, yêu cầu của ông Volodymir Zelensky không thể thực hiện được và Kiev cần đưa ra những yêu cầu thực tế.

Kim Ngân (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương