Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 21/1/2024: Ukraine thừa nhận “ngại” nhập khẩu F-16; Lực lượng Wagner quay lại chiến trường

(Banker.vn) Thông tin chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 21/1/2024: Ukraine thừa nhận “ngại” nhập khẩu máy bay F-16; Lực lượng Wagner quay lại chiến trường.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày 18/1/2024: Các công ty phương Tây bán thiết bị cho Nga; EU cam kết viện trợ cho Ukraine Chiến sự Nga-Ukraine ngày 19/1/2024: NATO nói Ukraine đạt thành tựu trên chiến trường Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 20/1/2024: Kho dầu Nga bốc cháy vì UAV Ukraine

Thông tin chiến sự

Ukraine đẩy lùi hơn 30 cuộc tập kích ở Avdiivka. Bộ Tổng tham mựu các lực lượng vũ trang Ukraine thông báo, đã có tổng cộng 103 cuộc giao tranh được ghi nhận trên khắp các mặt trận, tập trung chủ yếu ở vùng Donetsk.

Lực lượng phòng thủ đã đẩy lùi 33 nỗ lực tiến công của đối thủ xung quanh Avdiivka. Ở hướng Bakhmut, chúng tôi cũng ngăn chặn thành công 4 cuộc tập kích. Tại Kherson, lực lượng Ukraine đang tiếp tục mở rộng phạm vi kiểm soát ở tả ngạn sông Dnipro”, thông báo cho biết.

Nga-Ukraine

Chiến sự Nga-Ukraine tiếp tục leo thang

Nga tiết lộ số khí tài Ukraine thiệt hại từ đầu chiến dịch phản công. Tư lệnh Công binh Nga Yury Stavitsky mới đây tiết lộ về số khí tài mà Ukraine tổn thất khi cố xuyên thủng hệ thống công sự của Nga kể từ đầu chiến dịch phản công.

Trước khi đối thủ bắt đầu phản công, lực lượng Nga đào hơn 3.600 km chiến hào và xây dựng 12.000 công sự phòng thủ. Do đó, chúng tôi có sẵn một hệ thống phòng thủ kiên cố trải dài toàn bộ tiền tuyến”, ông Stavitsky nói.

Tư lệnh Nga cho biết, hệ thống phòng thủ này đã khiến Ukraine tổn thất gần 500 loại khí tài quân sự khác nhau. Trong số này có hơn 180 phương tiện do phương Tây cung cấp, bao gồm xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Bradley.

Một số diễn biến liên quan

Ukraine thừa nhận “ngại” nhập khẩu F-16. Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine, Yury Ignat cho biết, quân đội Ukraine lo ngại nhập khẩu số lượng lớn máy bay chiến đấu F-16 cũng như tên lửa phòng không của Mỹ vào nước này do nguy cơ bị lực lượng Nga phá hủy, vốn nắm rõ các địa điểm cất giữ vũ khí, đạn dược ở Ukraine.

Ông Ignat giải thích, quân đội Ukraine không thể nhập khẩu ngay một số lượng lớn tên lửa từ các nước phương Tây, vì cần được cất giữ và Nga sớm hay muộn sẽ phát hiện ra.

Đại diện của Lực lượng Không quân Ukraine cho hay, Kiev dự định nhận F-16 khi các điều kiện đã sẵn sàng. “Khi mọi thứ đã sẵn sàng, sẽ có cơ sở hợp lý để đặt máy bay ở Ukraine. Trong khi chờ đợi, chúng sẽ được sửa chữa và hiện đại hóa”, ông Ignat nói.

Lực lượng Wagner quay lại chiến trường Ukraine. Những cựu lính đánh thuê thuộc Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đã quay trở lại khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng là trong đội hình Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga.

Theo các nguồn tin, Bộ chỉ huy Wagner bắt đầu thành lập Quân đoàn tình nguyện số 1, khi Tư lệnh Vệ binh Quốc gia Nga (Rosgvardia) - Đại tướng Viktor Zolotov đề nghị họ thành lập một đơn vị trong đội hình Rosgvardia.

Hiện tại, việc tuyển dụng đang được tiến hành nhằm phân bổ cho hai địa bàn hoạt động: Tại Ukraine - hợp đồng 6 tháng và châu Phi - hợp đồng 9 tháng, quá trình huấn luyện tại trung tâm đào tạo kéo dài 1 tháng.

Trước đó vào ngày 25/12/2023, Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật “Về việc thành lập đơn vị tình nguyện trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga”, cho phép bắt đầu thành lập Quân đoàn tình nguyện số 1.

Nhà ngoại giao Mỹ: Một số nước NATO có thể đưa quân tới Ukraine. Ông Matthew Bryza, cựu Đại sứ Mỹ tại Azerbaijan cho biết, một số quốc gia NATO có thể gửi các đơn vị quân đội đến lãnh thổ Ukraine mà sự bảo trợ của liên minh.

Tôi nghĩ rằng sẽ không có sự hiện diện thực sự của quân nhân NATO trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, có một số thành viên NATO, không dưới sự bảo trợ của liên minh, có thể gửi lực lượng và phương tiện quân sự tới Ukraine”, ông Bryza nói. Tuy nhiên, ông không nêu tên các quốc gia mà theo ông có thể gửi quân đội tới Ukraine.

Slovakia có ý định ngăn cản Ukraine trở thành thành viên NATO. Trong cuộc họp dự kiến vào ngày 24/1 tại Uzhgorod (Ukraine) Thủ tướng Slovakia Robert Fico sẽ cung cấp cho người đồng cấp Ukraine Denis Shmygal một danh sách hỗ trợ nhân đạo mà Bratislava có thể gửi cho Kiev.

Đồng thời, ông Fico sẽ thông báo cho ông Shmygal rằng Slovakia sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine và không ủng hộ kế hoạch gia nhập NATO. Theo Thủ tướng Slovakia, nước này sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết trong NATO, vì khả năng Ukraine gia nhập khối có thể trở thành “nền tảng của Chiến tranh thế giới thứ ba”.

Truyền thông Đức: Lực lượng Ukraine đang rơi vào thế bế tắc. Nhà báo Paul Ronzheimer, Phó Tổng biên tập tờ Bild (Đức) cho rằng, lực lượng vũ trang Ukraine đang kiệt sức và rơi vào tình trạng bế tắc, họ không có đủ đạn dược để đẩy lùi các cuộc tấn công của quân đội Nga.

Tôi phải nói rằng đây là một tình huống vô cùng kịch tính. Tôi đã nói chuyện với những người lính ở mặt trận, tôi cũng nói chuyện với các tướng lĩnh, chính trị gia. Tôi hiếm khi thấy tình hình u ám như những ngày gần đây”, ông Ronzheimer nói. Đồng thời, nhà báo nhấn mạnh, quân nhân Ukraine đang cảm thấy mệt mỏi trầm trọng vì họ đã phải ra mặt trận không ngày nghỉ trong suốt 2 năm.

Theo ông Ronzheimer, việc thiếu đạn dược khiến lực lượng vũ trang Ukraine rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Theo ông, quân đội Nga đang tiến về phía trước.

EU tăng tốc sản xuất đạn pháo cho Ukraine. Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton thông báo, các thành viên của EU dự kiến sẽ sản xuất khoảng 1,4 triệu quả đạn pháo vào cuối năm 2024, nhằm mục đích hỗ trợ Ukraine và bổ sung vào kho dự trữ chung.

Chúng tôi đang tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất của liên minh. Dự kiến, sẽ có khoảng 1,3-1,4 triệu quả đạn pháo được ra lò vào cuối năm nay, và sản lượng sẽ còn tăng trong năm tới”, ông Breton nói.

Theo ông Breton, số đạn pháo này sẽ được ưu tiên chuyển tới Ukraine, bởi đây là nơi có nhu cầu cấp thiết nhất. “Kiev đang ở thời điểm quyết định trong cuộc xung đột. EU sẽ phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng mọi nguồn lực của mình”, quan chức EU cho hay.

Nga xem xét dự luật trừng phạt người tung “tin giả” về quân đội. Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cho biết, một dự luật nhằm tịch thu tài sản của những người lan truyền “tin giả” về quân đội nước này sẽ được đưa ra thảo luận vào ngày 22/1.

Theo dự luật nói trên, thông tin về hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine không đến từ nguồn chính thức của chính phủ có thể bị coi là “sai sự thật” và hành động phổ biến thông tin đó có thể bị truy tố. Tội truyền bá “thông tin sai lệch” về quân đội vốn đã phải chịu mức án tù tối đa lên tới 15 năm tại Nga.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương