Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 15/6/2024: Tổng thống Nga một lần nữa đưa ra sáng kiến hòa bình tại Ukraine

(Banker.vn) Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 15/6/2024: Tổng thống Nga một lần nữa đưa ra sáng kiến hòa bình tại Ukraine trong cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày 14/6/2024: Kết quả xung đột ở Ukraine sẽ quyết định hệ thống an ninh trong nhiều thập kỷ Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 14/6/2024: Nga kiểm soát 70% Chasov Yar; F-16 khó có thể cất cánh tại Ukraine Chiến sự Nga-Ukraine 15/6/2024: Nga chuyển chiến tuyến về Kharkiv; NATO và Ukraine đang bỏ lỡ cơ hội chấm dứt khủng hoảng

Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga đăng tải, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã nêu các điều kiện để ngừng bắn và bắt đầu đàm phán hòa bình tại Ukraine. Nhà lãnh đạo nước Nga tuyên bố: “Hôm nay một “đề xuất hòa bình thực sự, cụ thể” khác đã được đưa ra cho Kiev.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, nếu các điều kiện hòa bình của Nga bị từ chối, Kiev và các đồng minh phương Tây sẽ phải chịu trách nhiệm về việc tiếp tục đổ máu tại quốc gia Đông Âu này.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 15/6/2024: Tổng thống Nga một lần nữa đưa ra sáng kiến hòa bình tại Ukraine
Tổng thống Nga một lần nữa đưa ra phương án giải quyết xung đột tại Ukraine. Ảnh: Rian

Ukraine phải rút quân khỏi các khu vực mới sáp nhập

Điều kiện tiên quyết của Nga để nối lại ngừng bắn và đàm phán hòa bình là Kiev phải rút quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) khỏi 4 vùng mới sáp nhập và Nga là Kherson, Zaporozhye, Lugansk và Donetsk. Ngoài ra, Ukraine phải từ bỏ ý định gia nhập NATO. Nếu các điều kiện trên được chấp nhận, Nga sẽ khởi động đàm phán ngừng bắn tại Ukraine.

“Ngay sau khi Kiev tuyên bố rằng họ sẵn sàng cho một quyết định như vậy, bắt đầu rút quân thực sự khỏi các khu vực và đồng thời thông báo chính thức về việc từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, chúng tôi sẽ ngay lập tức, theo đúng nghĩa đen, bắt đầu thiết lập lệnh ngừng bắn và khởi động đàm phán”, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố.

Ngoài ra, yêu cầu cơ bản của các cuộc đàm phán giải quyết xung đột tại Ukraine là tình trạng trung lập và phi hạt nhân của Kiev. Về phần Nga, Moscow sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán “ngay cả vào ngày mai”.

Tổng thống Nga tuyên bố, nếu tất cả các yêu cầu của Nga được đáp ứng, vấn đề sẽ không phải là ngừng bắn mà là kết thúc hoàn toàn cuộc xung đột.

Xung đột sẽ không được giải quyết khi chỉ có thiện chí từ một phía

Theo Tổng thống Nga, các quốc gia phương Tây đang kêu gọi đối thoại để giải quyết xung đột một cách đạo đức giả, trong khi chính họ lại cấm Kiev tiến hành điều đó. Ông chỉ ra rằng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng nếu không có đối thoại trung thực với Moscow. Ông gọi hội nghị ở Thụy Sĩ diễn ra trong ngày 15 và 16/6, mà không có sự tham gia của Nga, là một mánh khóe nhằm “đưa cuộc xung đột đi sai hướng” và chỉ ra “tính hợp pháp của chính quyền Kiev”. Theo ông Vladimir Putin, không thể đạt được giải pháp hòa bình nếu không có sự tham gia của Nga.

Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo nước Nga cũng cho biết, trong năm 2022, phương Tây đã từng không chấp nhận trung gian của một quốc gia thứ 3 để giải quyết xung đột ngay khi nó bùng phát. Trong khi đó, Nga đã chấp nhận sự hiện diện của bên thứ 3 này. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev làm rõ, nhà lãnh đạo nước ngoài được Tổng thống Nga nhắc tới chính là Thủ tướng Israel Naftali Bennett.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 15/6/2024: Tổng thống Nga một lần nữa đưa ra sáng kiến hòa bình tại Ukraine
AFU hiện yếu thế trên chiến trường trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài nhiều năm với Nga. Ảnh: Getty

Nhà lãnh đạo nước Nga nhấn mạnh, nếu Kiev và phương Tây từ chối đề xuất hòa bình thời điểm đó thì các điều kiện sẽ rất khác thời điểm hiện tại.

Cuộc đàm phán trực tiếp cuối cùng giữa phái đoàn Nga và Ukraine diễn ra tại Cung điện Dolmabahce ở Istanbul vào ngày 29/3/2022. Sau cuộc gặp, thành viên phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết, trong đàm phán, Nga đã nhận được xác nhận của Kiev về việc từ bỏ lộ trình gia nhập NATO. Kiev cũng xác nhận đồng ý giữ vị thế trung lập, nhưng cuối cùng các cuộc đàm phán đã bị đóng băng. Ông Vladimir Putin sau đó gọi dự thảo thỏa thuận hòa bình Istanbul là chấp nhận được, trong đó bao gồm các vấn đề đảm bảo an ninh của Ukraine.

Liên hợp quốc đưa ra ý kiến về sáng kiến hòa bình của Nga tại Ukraine

Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq bình luận về đề xuất hòa bình của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề xung đột Ukraine.

Ông Farhan Haq nhấn mạnh rằng LHQ ủng hộ hòa bình ở Ukraine theo cách riêng. Cuộc xung đột cần được giải quyết trên cơ sở Hiến chương LHQ. Tuy nhiên, ông này không trả lời câu hỏi liệu Tổng thư ký LHQ có nhìn thấy sáng kiến ​​của Putin hay không và quan điểm của ông ấy về vấn đề này.

Mỹ và phương Tây phản ứng với “sáng kiến” của Tổng thống Nga

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố, lãnh đạo nước Nga không có quyền đưa ra các điều kiện cho Kiev để đạt được hòa bình.

“Đây không phải là thế giới mà chúng ta muốn sống. Và vì vậy tôi nghĩ rằng ông ấy không ở vị thế có thể ra lệnh cho Ukraine phải làm gì để đạt được hòa bình”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên tại trụ sở NATO ở Brussels.

“Chúng ta không muốn thấy một ngày lãnh đạo của một quốc gia thức tỉnh và quyết định xóa bỏ biên giới, sáp nhập lãnh thổ của nước láng giềng”, ông Lloyd Austin nhấn mạnh

Theo đó, Tổng thống Nga có thể kết thúc chiến tranh ngay hôm nay nếu ông quyết định làm như vậy. Ông Lloyd Austin kết luận: “Và chúng tôi kêu gọi ông ấy làm như vậy và rời khỏi lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từ chối coi sáng kiến của Tổng thống Nga là hướng tới hòa bình.

“Đề xuất này không thể hiện thiện chí, nó cho thấy mong muốn của Nga đạt được các mục tiêu quân sự (…) Nghĩa là, đây không phải là một đề xuất hòa bình, mà là một đề xuất ngụ ý của hoạt động quân sự kéo dài và đẫm máu hơn”, Tổng thư ký NATO tuyên bố.

Kim Ngân

Theo: Báo Công Thương